15 thg 8, 2021

Tệ nạn rượu bia đằng sau bê bối tình dục Alibaba

Cáo buộc bị cưỡng hiếp của một nữ nhân viên Alibaba gây chấn động khắp các công ty Trung Quốc, cho thấy vấn đề lớn hơn là ép rượu tại nơi làm việc.

Một nhóm thanh niên say xỉn nằm trên đường tại Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Tuần này, một nữ nhân viên tập đoàn công nghệ Trung Quốc Alibaba cáo buộc người quản lý cưỡng hiếp khi cô say xỉn sau một đêm bị ép uống rượu tiếp đãi khách hàng ngày 27/7. Ngoài ra, cô cũng bị khách hàng sàm sỡ trong buổi tiệc.

Người quản lý đã bị sa thải và sự việc tạo thêm động lực cho phong trào #MeToo đang trỗi dậy ở Trung Quốc sau những cáo buộc chống lại ca sĩ kiêm diễn viên Ngô Diệc Phàm.

Giám đốc điều hành của Alibaba đã chỉ trích điều mà ông gọi là "thói ép rượu xấu xí" của công ty. Ngô Diệc Phàm cũng bị cáo buộc cưỡng hiếp fan trẻ tuổi bằng cách ép họ uống rượu. Những vấn đề này đang làm dấy lên câu hỏi về văn hóa rượu bia ngày càng phổ biến ở cả nơi làm việc và môi trường xã hội tại Trung Quốc.

Bê bối Alibaba đã khiến sự chú ý đổ dồn về cách mọi người coi việc uống rượu như một hình thức gắn kết. Chuyên gia pháp lý Thượng Hải Jason Li cho biết uống rượu đã trở thành một phần của "văn hóa 996" (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần) hay "làm hết sức, chơi hết mình" của các công ty Trung Quốc.

"Tôi đi uống vài lần mỗi tháng, chủ yếu vì công việc", Li nói. "Đó là cách quan trọng để tôi làm việc. Nó giúp tôi giải quyết các vấn đề trong công việc".

"Uống rượu bia giúp mọi người xích lại gần nhau hơn. Mọi người thường nói những gì họ thực sự nghĩ sau khi uống rượu, tôi có thể xác định được bản chất của một người, như họ có dễ tính hay có những đặc điểm tính cách khác hay không", Li nói thêm. "Vì vậy, theo tôi, việc một người đi làm có uống rượu hay không phần lớn liên quan đến môi trường làm việc. Khi tôi còn là công chức cách đây 10 năm, tôi và các đồng nghiệp thậm chí còn uống nhiều hơn bây giờ".

Zhu Zimei, nhân viên bán hàng 26 tuổi tại một công ty công nghệ thông tin ở Bắc Kinh, đồng ý rằng uống rượu bia có thể là yếu tố hiệu quả trong môi trường làm việc. "Tôi thường uống khi đi chơi với bạn bè, đôi khi với đồng nghiệp hoặc vì lý do công việc. Tôi hiếm khi uống rượu với gia đình và không bao giờ uống một mình".

Ye Pengpeng, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Quốc gia về Kiểm soát, Phòng ngừa Bệnh mãn tính và Không lây nhiễm, cho biết độ tuổi trung bình của người uống rượu bia ở Trung Quốc đã giảm trong những thập kỷ gần đây và thái độ của những người trẻ tuổi, đặc biệt là phụ nữ trẻ, đối với rượu bia đã thay đổi.

"Ngày càng có nhiều người trẻ và nhiều phụ nữ hút thuốc, một phần là do địa vị xã hội của phụ nữ đang được cải thiện và nhiều người trong số họ tham gia vào các hoạt động xã hội hơn. Các nhà sản xuất rượu đang thu hút những người trẻ bằng cách sử dụng tất cả loại chiến lược tiếp thị", ông nói.

Tuy nhiên, bất chấp ý thức ngày càng tăng về tự do cá nhân và quyền lực trong giới trẻ ở Trung Quốc, quan điểm cấm kỵ của xã hội xoay quanh việc phụ nữ uống rượu bia vẫn còn.

Cuối năm 2019, một cô gái 18 tuổi ở Côn Minh đã chết đuối trên sông sau một đêm uống rượu với bạn bè. Li Xincao và ba người bạn đại học đã uống 24 cốc bia trong vài giờ. Sau khi lỡ chuyến tàu về nhà, cả nhóm quay trở lại quán bar, nốc thêm 12 cốc bia và 4 ly rượu mạnh.

Li bị say xỉn, đi lảo đảo ra rồi lại vào quán, ngã đập đầu vào bàn và sàn nhà. Những nỗ lực của bạn bè để kiềm chế cô đã không thành công và cuối cùng cô đã đi lang thang trên một con đường gần đó, nhảy xuống sông và chết đuối.

Trong khi truyền thông tập trung vào hành động của những người bạn đi cùng cô, ít người để ý việc nhân viên quán bar tiếp tục rót cho Li hết cốc này đến cốc khác, ngay cả khi cô không thể ngồi thẳng được nữa và rõ ràng là đã say khướt.

Nhân viên IT Zhu Zimei đồng ý rằng ở Trung Quốc vẫn tồn tại những định kiến về giới và văn hóa xung quanh phụ nữ và rượu bia. "Cha mẹ tôi không muốn tôi uống rượu với những người bên ngoài. Họ tin rằng con gái làm vậy là rất nguy hiểm".

Zhu cho biết cô hạn chế uống rượu và chủ yếu chỉ làm vậy khi đi xã giao. Cô tránh uống rượu đến mức có thể ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của cuộc sống xã hội và nghề nghiệp. Tuy nhiên, Zhu nói thêm rằng rất khó để hạn chế uống rượu bia do áp lực từ bạn bè và bản thân cô cũng thích uống rượu bia.

"Tôi nghĩ uống rượu bia giúp tôi thư giãn, giảm căng thẳng và trút bỏ cảm xúc. Bởi vì chúng tôi thường uống vào buổi tối và bản thân tôi sẽ cảm thấy vui hơn khi uống nhiều hơn, rất khó để dừng lại. Vì vậy, kết quả là tôi sẽ thiếu ngủ", Zhu nói.

Chuyên gia pháp lý Li cũng tin rằng văn hóa uống rượu ở Trung Quốc đã thay đổi giữa các thế hệ, những người trẻ tuổi Trung Quốc coi việc uống rượu như một phần của xã giao. "Không giống như thế hệ cũ, những người Trung Quốc ở độ tuổi của tôi ngày nay thường uống rượu bia vì lý do xã giao".

"Cha tôi và các bác uống rượu hàng ngày, dù một mình hay cùng bạn, như một thói quen trong cuộc sống. Nhưng tôi thì khác, mặc dù tôi cũng thích uống rượu".

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 và được xuất bản trên tạp chí y khoa Lancet cho thấy mức tiêu thụ rượu bia của Trung Quốc từ năm 1990 đến năm 2017 đã tăng gần 70%.

Một nghiên cứu sâu hơn về Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu Liên quan đến Rượu cũng được công bố trên tạp chí Lancet năm 2018 cho thấy Trung Quốc đứng đầu thế giới về số ca tử vong liên quan đến rượu, ghi nhận 59.000 ca tử vong do rượu ở phụ nữ và 650.000 ca tử vong ở nam giới. Nghiên cứu đã xem xét dữ liệu về tử vong do rượu tại 195 quốc gia giai đoạn 1990-2016.

Giáo sư Xu Gelin từ trường y thuộc Đại học Nam Kinh, người đã đóng góp vào nghiên cứu nói trên, cho biết sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc trong 40 năm qua là động lực chính trong việc thay đổi hành vi xã hội liên quan đến rượu.

"Yếu tố hàng đầu đằng sau việc tiêu thụ rượu bia gia tăng là tăng trưởng kinh tế. Lịch sử đã chứng minh khi nền kinh tế tồi tệ, việc sử dụng đồ uống có cồn sẽ giảm xuống, và khi kinh tế tốt, lượng tiêu thụ rượu bia lại tăng lên. Sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế, người tiêu dùng Trung Quốc ngày nay đã cho thấy sức mua hàng rất lớn".

"Các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn mà chúng tôi đang thấy là tổn thương tuyến tụy, gan, thận, bạo lực và tai nạn giao thông", ông nói.

Một nghiên cứu năm 2020 về tiêu thụ rượu ở Trung Quốc trước và trong đại dịch Covid-19 cho thấy mặc dù lượng rượu tiêu thụ tổng thể giảm nhẹ trong thời kỳ Covid-19, có sự gia tăng hành vi rủi ro như uống rượu say xỉn, đặc biệt là ở nam giới.

Mặc dù cộng đồng y tế và khoa học ngày càng nhận thức được hậu quả do uống rượu và mối quan hệ của nó với hành vi nguy hiểm, việc tiêu thụ rượu vẫn tiếp tục gia tăng, Ye nói.

"Cuộc khảo sát hàng năm của chúng tôi về dinh dưỡng và các bệnh mạn tính với 160.000 người từ 18 tuổi trở lên, từ hơn 3.000 quận huyện trên toàn quốc, cho thấy cả lượng rượu bia được tiêu thụ trung bình và các hành vi nguy hiểm liên quan đều đang tăng lên trong những năm gần đây".

Năm nay, một nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng đến sức khỏe đã cho thấy mối liên quan giữa rượu và ung thư, khi Trung Quốc đứng đầu danh sách các quốc gia có nhiều trường hợp ung thư liên quan đến rượu nhất.

Một cô gái phát trực tiếp cảnh uống bia tại Trung Quốc. Ảnh: Sohu.

Xu cho biết một yếu tố khác tác động đến tâm lý của giới trẻ là ảnh hưởng của các chương trình truyền hình và tác phẩm văn học. "Những người trẻ tin rằng giống như hút thuốc, uống rượu là một dấu hiệu của sự trưởng thành. Một bộ phận lớn thanh niên uống rượu vì họ muốn bắt chước người khác".

"Sự phát triển của hình thức phát trực tiếp trên mạng xã hội cũng đang ảnh hưởng đến cách mọi người nhìn nhận việc sử dụng rượu bia. Một số người tìm cách câu view bằng cách uống một lượng lớn bia rượu khi phát trực tiếp", Xu nói thêm.

Năm 2019, một thanh niên đến từ vùng đông bắc Trung Quốc muốn trở thành người nổi tiếng trên mạng đã chết sau khi quay phim mình uống rượu và những thứ khác hàng ngày trong ba tháng.

Xu cho biết các bằng chứng hiện có cho thấy mức độ tiêu thụ rượu và các vấn đề sức khỏe liên quan rượu bia ngày càng tăng, chứng tỏ mọi người vẫn chưa hiểu đầy đủ sự nguy hiểm của uống rượu quá mức.

Theo nhân viên IT Zhu Zimei, uống rượu đã trở thành thói quen trong đời sống xã hội của hầu hết người trẻ. "Hầu hết bạn bè ở tuổi tôi đều tin rằng uống một chút rượu tốt cho sức khỏe, đặc biệt là tinh thần. Rất ít người kiêng rượu hoàn toàn vì mục đích sức khỏe", cô nói. "Tôi uống một lần mỗi tuần hoặc hai tuần một lần, mỗi lần khoảng một hoặc hai chai soju trái cây. Tôi nghĩ đây là mức lành mạnh".

Nguồn VNEXPRESS (Theo SCMP)


0 comments:

Đăng nhận xét