Sở Y tế TP.HCM cho biết sau khi kiểm tra, có đủ cơ sở khẳng định thông tin lan truyền về trường hợp một bác sĩ rút ống thở của người nhà để nhường máy thở cho mẹ con sản phụ là hư cấu.
Tin liên quan: Sở Y tế TP.HCM: Vụ rút ống thở người nhà nhường sản phụ là hư cấu
Ảnh chụp Facebook Trần Khoa lan truyền vụ việc, nay trang này đã xóa
Kết luận trên được Sở Y tế TP.HCM đưa ra sau khi rà soát tại các bệnh viện của TP.HCM. Đồng thời, đơn vị này cũng cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh nguồn gốc bài đăng này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Chưa biết "bác sĩ Khoa" là ai!
Vụ việc bắt đầu từ tối 7-8 từ chủ tài khoản Facebook "Trần Khoa", được cho là bác sĩ sản khoa, đăng tải. Người này chia sẻ đã quyết định "nhường đi chiếc máy thở" của ba mẹ mình đang dùng cho một sản phụ đang cần.
Người này sau đó đã "kìm nỗi đau mất người thân, trực tiếp vào phòng mổ để phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này".
Sau khi đăng tải, hầu hết cộng đồng mạng đều bày tỏ sự xúc động và cảm phục trước hành động của "bác sĩ Khoa". Đặc biệt để "minh họa" cho câu chuyện nêu trên, trên mạng còn xuất hiện nhiều đoạn tin nhắn "nội bộ" kèm theo hình ảnh hai bé song sinh được cho là hai bé mà bác sĩ này vừa phẫu thuật cứu sống.
Tuy vậy, đến sáng 8-8, tất cả các thông tin mà "bác sĩ Khoa" đăng tải trên Facebook cá nhân đều bị xóa; các tài khoản khác được cho là có liên quan đến bác sĩ này cũng đều xóa thông tin sự việc.
Theo xác minh, các hình ảnh bé sơ sinh nêu trên đều là của bác sĩ Cao Hữu Thịnh và bị gán ghép vào một nội dung không có thật. Hai hình ảnh trẻ sơ sinh nêu trên được các đồng nghiệp chụp sau ca mổ do bác sĩ Thịnh thực hiện tại Bệnh viện An Sinh thời gian gần đây.
"Việc lấy hình bé sơ sinh để lồng ghép vào chuyện chết chóc là điều rất không nên, vô đạo đức và ảnh hưởng đến bé và gia đình bé" - bác sĩ Cao Hữu Thịnh bức xúc nói.
Không ai có quyền rút máy thở của người sống
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 8-8, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM - khẳng định sự việc nêu trên là hư cấu, bịa đặt, làm ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc chiến chống dịch COVID-19 vốn đang căng thẳng ở TP.HCM.
Qua xem xét nội dung lan truyền, ghi nhận nhiều điểm không hợp lý, bà Mai cho biết đơn vị đã tiến hành xác minh trong hệ thống ngành y tế.
Kết quả cho thấy không có vụ việc một bác sĩ đang điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tự ý rút ống thở cho sản phụ sắp sinh tại bất kỳ cơ sở y tế nào trên địa bàn.
Ngoài ra, theo các quy định hiện hành, nhân viên y tế hoặc người thân không được phép tự ý rút ống thở bệnh nhân khi đang được điều trị cho dù bất kỳ lý do nào.
Kể cả việc quyết định rút ống thở cho bệnh nhân đang điều trị thở máy trong trường hợp cai máy thở cũng phải được đảm bảo thực hiện theo quy trình, theo y lệnh của người có trách nhiệm; trong một số trường hợp phải thông qua hội đồng chuyên môn quyết định.
"Luật pháp không cho phép một ai được rút ống thở để kết liễu sinh mạng của một bệnh nhân đang thở máy. Ngay cả người đã chết não cũng phải có hội đồng chuyên môn xem xét đánh giá trên nhiều phương diện, mặc cho người nhà mong muốn chấm dứt sớm để không còn đày đọa thể xác" - bà Mai chia sẻ.
Về hình ảnh bác sĩ mổ bắt con được cho là của "bác sĩ Khoa" trên mạng xã hội, theo bà Mai, là "hoàn toàn bịa đặt"; thực chất đây là hình ảnh mổ bắt con trước đây tại một bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn.
Bà khuyến cáo người đọc cần phải có sự sàng lọc kỹ lưỡng, "không nên tin ngay" trước thông tin quá nhạy cảm trên mạng hiện nay. "Việc lan truyền các tin không có thật cũng gây mất quá nhiều thời gian cho tất cả mọi người, làm gián đoạn nhu cầu cập nhật các thông tin chống dịch" - bà Mai nói.
Không được đưa hình ảnh người bệnh lên mạng
Về động cơ đưa thông tin và hình ảnh sai lệch, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, hiện Sở Y tế TP.HCM đang phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh và xử lý theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức có liên quan.
Đặc biệt với các thông tin sai sự thật, vì động cơ và mục đích cá nhân, đã làm ảnh hưởng uy tín của cá nhân, tập thể, nhân viên ngành y tế trong hoạt động chống dịch COVID-19.
"Việc đưa hình ảnh của các trẻ sơ sinh, người bệnh lên mạng khi chưa được phép cũng là hành vi vi phạm luật cần lên án. Đơn vị cũng đã và sẽ có các văn bản chấn chỉnh nhân viên y tế về việc này" - bà Mai nói.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét