Xử lý nghiêm cơ sở vi phạm nhưng cũng phải có biện pháp hỗ trợ, động viên các nhân viên y tế đang bị quá tải, đó là ý kiến của người đứng đầu ngành y tế Bình Dương liên quan vụ người đàn ông tử vong vì không được tiếp nhận điều trị.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 15-8 - Ảnh: BÁ SƠN
* Thanh tra Sở Y tế và công an cùng vào cuộc xác minh
Ngày 15-8, bên lề buổi lễ đưa vào hoạt động thêm một khu điều trị bệnh nhân COVID-19, Tuổi Trẻ Online đã có trao đổi nhanh với ông Nguyễn Hồng Chương - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương.
Ông Chương cho biết:
- Liên quan trường hợp người nhà bệnh nhân tại thành phố Dĩ An phản ánh 5 cơ sở y tế không tiếp nhận điều trị, Sở Y tế giao thanh tra sở thanh tra các cơ sở nói trên để có đánh giá cụ thể.
Ngoài ra, sở cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế khác trong địa bàn tỉnh để đôn đốc, không để xảy ra các cơ sở y tế "đùn đẩy bệnh nhân".
Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế không được từ chối bệnh nhân. Đối với bệnh nhân cấp cứu thì phải giữ bệnh nhân lại, sơ cấp cứu và thăm khám ban đầu, nếu bệnh nhân nặng vượt quá khả năng của cơ sở thì chuyển viện lên tuyến trên.
* Nhưng thực tế các cơ sở y tế lại cho rằng họ bị quá tải bệnh nhân, trong khi bệnh viện công lập thì "đóng cửa", bản thân các cơ sở y tế tuyến dưới chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên cũng không được tiếp nhận?
- Hiện nay số ca mắc COVID-19 đang quá tải, áp lực lên tất cả các cơ sở y tế kể cả công lập hay tư nhân. Tại thành phố Dĩ An nơi xảy ra sự việc, Trung tâm Y tế thành phố đã được sử dụng làm bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 nên bệnh nhân cấp cứu được hướng dẫn sang các cơ sở y tế tư nhân gần đó.
Đúng là vừa qua do bị quá tải nên việc chuyển tuyến bệnh nhân có chậm trễ. Ngay cả Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương là tuyến trên, hiện nay vừa có nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 ở "tầng 3" (diễn biến nặng) vừa chữa bệnh thông thường nhưng hiện nay cũng đầy bệnh nhân nên việc chuyển viện bệnh nhân nặng từ các phòng khám, cơ sở y tế tuyến dưới lên phải chờ.
* Mặc dù có văn bản yêu cầu "không được từ chối bệnh nhân" nhưng trước tình trạng quá tải thì lãnh đạo ngành cũng không thể chỉ đưa ra chỉ đạo rồi "phó mặc" cho các cơ sở y tế, phòng khám mà cần có giải pháp căn cơ để hỗ trợ họ?
- Chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ nhân lực của các cơ sở điều trị để có phương án điều phối phù hợp.
Sẽ đánh giá lại tại một số địa bàn như thành phố Dĩ An hiện bệnh viện công lập đóng cửa để điều trị bệnh nhân COVID-19 thì có biện pháp tăng cường cho các cơ sở y tế xung quanh như thế nào để "gánh vác" số bệnh nhân đáng lẽ phải vào cấp cứu, điều trị tại bệnh viện của thành phố.
Cơ quan chức năng sẽ chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cơ sở y tế đóng cửa, không tiếp nhận bệnh nhân. Nhưng qua đây tôi cũng mong muốn người dân và báo chí chia sẻ với những khó khăn của ngành y tế lúc này.
Đã hơn một tháng các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch đều bị quá tải, nhiều nhân viên y tế cũng đã bị nhiễm COVID-19 nên họ cũng rất cần có sự động viên, chia sẻ để vững tư tưởng tiếp tục chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh.
Các cơ sở y tế lý giải ra sao?
Ngày 15-8, UBND thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho biết chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, tìm hiểu thông tin gia đình ông N.D. (57 tuổi, quê huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), ở trọ tại phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An.
Sau khi báo chí đăng tải sự việc, các cơ sở y tế cũng đã có thông tin giải thích.
Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An cho rằng không nhận bệnh nhân khác do bệnh viện đang được sử dụng làm bệnh viện điều trị COVID-19.
Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng cho biết sau khi tiếp nhận bệnh nhân, test nhanh COVID-19 và biết bệnh nhân có tiền sử bệnh nặng (ông D. bị cao huyết áp, từng bị đột quỵ), nên bác sĩ nói vượt quá khả năng của phòng khám và nói gia đình đưa ông D. tới bệnh viện tuyến trên.
Bệnh viện Quân đoàn 4 cho rằng khi đó vừa cấp cứu xong cho một ca F0 diễn biến nặng, vừa chuyển viện lên tuyến trên, chưa khử khuẩn xong nên "sợ lây nhiễm COVID-19 cho bệnh nhân", đã hướng dẫn người nhà đưa ông D. tới bệnh viện khác.
Bệnh viện đa khoa An Phú giải thích lý do vì bệnh nhân quá đông, trong đó cũng có cả bệnh nhân COVID-19 nên vị đại diện bệnh viện "không biết ông D. vào giờ nào".
Phòng khám Nam Anh xác nhận người nhà ông D. có chở bệnh nhân đến nhưng khi được bảo vệ trả lời bệnh nhân nặng thì phải đưa đi tới bệnh viện vì phòng khám không đủ khả năng.
Cuối cùng, sau một hồi đi lòng vòng quá bất lực, tới 1h sáng 14-8, người thân ông D. đưa ông trở lại phòng trọ. Ba tiếng sau thì ông qua đời.
Trước đó, từ 20h ngày 13-8, khi ông D. bị nôn ói, gia đình gọi xe cấp cứu không được đã nhờ người quen lấy xe tải chở ông tới các cơ sở y tế.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét