24 thg 8, 2021

WB tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống 4,8%

WB dự báo kinh tế Việt Nam năm nay tăng trưởng 4,8%, thấp hơn con số 4,9% của lần dự báo trước đó. Dự báo được đưa ra với giả định làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 được kiểm soát vào cuối quý III và nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi vào quý IV.

Do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, WB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống 4,8%. Ảnh: Zing.

WB vừa công bố báo cáo điểm lại tháng 8 với chủ đề “Việt Nam Số hóa - Con đường tới tương lai”, trong đó dự báo kinh tế Việt Nam năm nay tăng trưởng 4,8%, thấp hơn con số 4,9% dự báo trước đó. Đây là lần thứ 2 WB điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

WB cho rằng con số 4,8% vẫn là dự báo tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang chịu những thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4.

Dự báo mới được đưa ra dựa trên giả định rằng dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát vào cuối quý III và tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý IV. Giai đoạn phục hồi của nền kinh tế được hỗ trợ bằng việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine diện rộng, với 70% dân số được tiêm chủng vào giữa năm 2022.

Hơn 1 tháng trước, ADB cũng công bố cập nhật báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2021, trong đó hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay xuống mức 5,8%, thấp hơn 0,9 điểm phần trăm so với lần dự báo hồi tháng 4. Nguyên nhân là việc triển khai tiêm chủng tương đối chậm, áp dụng biện pháp giãn cách kéo dài ở những cực tăng trưởng, ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông thương mại và hạn chế các hoạt động kinh tế.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc dòng vốn FDI 2 tháng trở lại đây đều giảm, liệu đây có phải là xu hướng cho thấy rằng nhà đầu tư nước ngoài chuyển dịch ra khỏi Việt Nam? Đại diện WB cho biết không cần quá lo lắng về việc dòng vốn FDI đăng ký mới giảm. Khi nền kinh tế phục hồi thì dòng vốn FDI cũng sẽ phục hồi theo.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin & Truyền thông cho rằng: "Nếu nói xu hướng FDI rời đi thì không đúng, có chăng dòng vốn FDI dịch chuyển vào Việt Nam có thể chậm lại do một số địa phương đang phải giãn cách, để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19”.

Ông Tú dẫn chứng số liệu từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy 7 tháng đầu năm vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt 10,5 tỷ USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2020 dù chịu ảnh hưởng nặng nề của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Riêng lĩnh vực ICT, dòng vốn FDI có sự tăng trưởng mạnh mẽ với 170 doanh nghiệp ICT (doanh nghiệp phần mềm, viễn thông, điện - điện tử) đầu tư vào Việt Nam. Một trong những nguyên nhân thúc đẩy hoạt động đầu tư của doanh nghiệp FDI ICT có thể là nhờ yêu cầu chuyển đổi số trong bối cảnh dịch Covid-19.

Nguồn NDH


0 comments:

Đăng nhận xét