20 thg 9, 2021

100 triệu liều vắc xin COVID-19 sắp phải vứt bỏ

Cựu thủ tướng Anh Gordon Brown cảnh báo có hơn 100 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 sắp phải vứt bỏ vì quá hạn vào cuối năm nay, nếu các nước giàu không chia sẻ cho các nước nghèo.

Cựu thủ tướng Anh Gordon Brown - Ảnh: REUTERS

Ngày 19-9, báo Guardian dẫn lời ông Brown kêu gọi cần có kế hoạch sử dụng số vắc xin sắp hết hạn để ngăn "thảm họa lãng phí vắc xin".

"Thật vô lương tâm và không thể tưởng tượng khi 100 triệu liều vắc xin sẽ bị vứt bỏ từ các kho dự trữ của những nước giàu, trong khi các nước nghèo nhất thế giới phải trả giá cho sự lãng phí này bằng mạng sống" - cựu thủ tướng Anh nói.

Con số mà ông Brown đưa ra dựa trên nghiên cứu của Tổ chức Airfinity cho thấy 100 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 của các nước giàu sẽ hết hạn sử dụng vào tháng 12-2021.

Cùng với đó, Airfinity ước tính đến giữa năm sau sẽ có thêm 1 triệu người chết trong đại dịch này vì thiếu oxy và máy thở.

Nghiên cứu cũng cho thấy số vắc xin COVID-19 trên thế giới không thiếu, tính đến cuối tháng này có khoảng 7 tỉ liều được sản xuất và tăng lên đến 12 tỉ liều vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, các nước giàu bị chỉ trích thu gom vắc xin và đang bắt đầu tiêm liều bổ sung trong khi các nước thu nhập thấp và trung bình không đủ nguồn cung. Tỉ lệ tiêm ngừa tại các nước thu nhập thấp hiện chỉ khoảng 1,9%.

Ông Brown cho biết ông đã gửi kết quả nghiên cứu của Airfinity cho các chính trị gia cấp cao, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson, các lãnh đạo châu Âu trước thềm hội nghị thượng đỉnh về vắc xin toàn cầu diễn ra ngày 22-9.

"Báo cáo của Airfinity là chỉ dẫn để các lãnh đạo thế giới điều chỉnh kế hoạch hành động tham vọng hơn. Nó cho thấy chúng ta có đủ vắc xin đã hoặc đang được sản xuất, thậm chí có thể tiêm cho 70% dân số toàn cầu vào tháng 5-2022" - ông Brown nhấn mạnh.

Ông Brown đề xuất mục tiêu tiêm cho 40% dân số các nước nghèo vào tháng 12-2021, đồng nghĩa với việc phải chuyển cho các nước này 2,3 tỉ liều vắc xin.

Ông cũng kêu gọi các nước trao đổi hợp đồng giao vắc xin với COVAX, chương trình phân phối vắc xin toàn cầu, hoặc Nhóm đặc trách mua vắc xin phòng COVID-19 châu Phi (AVAT) để các chương trình này nhận vắc xin sớm hơn.

Ông Nick Dearden, lãnh đạo nhóm vận động Global Justice Now, cho rằng các nước nghèo không cần phải chờ đợi.

"Nhiều nước có thể sản xuất vắc xin an toàn, nhưng chỉ khi chúng ta bỏ sở hữu trí tuệ, để vắc xin có thể được sản xuất không cần bản quyền ở những quốc gia cần vắc xin nhất" - ông Dearden nói.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét