Hy sinh lợi ích của 70 triệu người để bảo vệ các hãng hàng không đi ngược với khái niệm và lợi ích của giá sàn. Chính sách này sẽ làm cả nền kinh tế bị thiệt hại, nhất là ngành du lịch.
Hành khách chờ làm thủ tục bay tại sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh chụp tháng 6-2021) - Ảnh: DUY ANH
Thông thường, giá sàn do Nhà nước đề xuất nhằm bảo vệ lợi ích của các nhà sản xuất yếu thế và chiếm đa số người dân hay các doanh nghiệp. Chẳng hạn, Nhà nước sẽ ấn định mức giá sàn một loại nông sản nào đó nhằm ngăn chặn tình trạng giảm giá sâu vào mùa thu hoạch rộ.
Nông dân cũng là nhóm yếu thế và chiếm một số lượng lớn trong nền kinh tế. Một ví dụ khác là lương tối thiểu, Nhà nước đưa ra mức lương này nhằm bảo vệ những lao động phổ thông - một trong những đối tượng yếu thế nhất.
Kể từ khi VJA xuất hiện từ cuối năm 2011, số lượng hành khách hàng không nội địa tăng từ 26,6 triệu lên 77,9 triệu vào năm 2019, với tốc độ tăng bình quân tuyệt đối là 6,4 triệu khách so với bình quân 2,5 triệu một năm giai đoạn 2002 - 2011.
Sự khác biệt này là do ngành hàng không có mức độ cạnh tranh cao hơn nhờ sự xuất hiện của một số hãng bay khác, trong đó có hãng bay giá rẻ.
Nếu áp giá sàn vé máy bay như đề xuất, theo tính toán, sẽ làm cho giá vé khứ hồi chặng bay nhiều nhất tại Việt Nam như Sài Gòn - Hà Nội ít nhất là 2,5 triệu đồng, cao hơn 66,67% so với mức giá 1,5 triệu động hiện nay, có khả năng làm cho số lượng hành khách giảm khoảng 26,67% (với ước tính độ co giãn của cầu vé máy bay theo giá là 0,4).
Như vậy, việc áp giá sàn vé máy bay có thể làm tăng doanh thu của các hãng hàng không nhưng gây ra tổn thất cho khoảng 70 triệu lượt khách bay.
Điều này cho thấy rằng việc áp giá sàn là hy sinh lợi ích của 70 triệu người để bảo vệ các hãng hàng không (thực chất là chỉ bảo vệ VNA), đi ngược với khái niệm và lợi ích của giá sàn.
Chính sách giá sàn có thể có lợi cho các hãng hàng không nhưng sẽ làm cho cả nền kinh tế bị thiệt hại. Nhất là ngành du lịch, khi giá vé máy bay tăng dẫn tới giá tour tăng theo, cầu về du lịch giảm và ngành du lịch bị ảnh hưởng nhiều nhất trong dịp COVID-19 này.
Nhà nước có thể hỗ trợ các hãng hàng không bằng nhiều chính sách khác nhau như cho vay ưu đãi, giảm thuế... và điều này có lợi cho cả nền kinh tế và hoàn toàn có lợi cho gói kích cầu du lịch sau này.
Ở đây Nhà nước đóng vai trò như một "máy thở" giúp các hãng hàng không dễ thở hơn, an toàn hơn trong kinh doanh chứ không nên biến các hãng hàng vừa gây khó cho các ngành kinh doanh khác lại thiệt hại cho người tiêu dùng.
Thị trường hàng không có phân khúc dành cho doanh nhân, người có thu nhập cao và thị trường giá rẻ. Nếu áp dụng giá sàn vé máy bay, phân khúc thị trường giá rẻ sẽ gần như biến mất, các dịch vụ ăn theo hàng không sẽ bị ảnh hưởng lớn. Trong đó, các ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn và hàng chục triệu người lao động sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Như vậy, có nên vì lợi ích của một vài doanh nghiệp để hy sinh lợi ích của hàng chục triệu người lao động, người tiêu dùng và nhiều lĩnh vực khác?
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét