29 thg 9, 2021

'Cay mắt' nhìn cổ phiếu nhóm Louis mất thanh khoản, nhà đầu tư 'mắc kẹt'

'Giá sàn cũng được, chơi mất thanh khoản mới đáng sợ', nhà đầu tư T. cảm thán khi chứng kiến 'họ Louis' mất thanh khoản, hàng chục triệu cổ phiếu chất sàn mỗi ngày, không thể cắt lỗ.

Sau chuỗi tăng sốc, cổ phiếu "họ Louis" đang giảm sàn la liệt. Trong ảnh là một nhà đầu tư đang theo dõi một phiên giao dịch

Giảm sàn liên tục, "nhốt" nhà đầu tư 

"Sàn 5-6 phiên liên tục, nhốt nhà đầu tư, trong khi Louis không có tác động gì để cổ phiếu hoạt động lại bình thường, còn niềm tin, còn lời gì để biện minh", NĐT Q.T. chia sẻ trong nhóm "Louis Family" trên Facecbook, quy tụ hơn 12.000 thành viên. Nhóm này yêu cầu "không post bài mua bán, khuyến nghị mua bán các mã cổ phiếu ngoài nhóm cổ phiếu Louis".

Một tuần nay cổ phiếu nhóm Louis quay đầu lao dốc, mỗi ngày có 20-30 triệu cổ phiếu dư bán sàn, trắng bên mua, mất thanh khoản. 

Trong đó, BII (Louis Land) có mức biến động giảm sâu nhất (-40%) trong "họ Louis". Các mã còn lại như TGG (Louis Capital), APG (Chứng khoán APG), AGM (Xuất nhập khẩu An Giang), SMT (Sametel), TDH (Thu Duc House), DDV (Dap - Vinachem), VKC (Cáp nhựa Vĩnh Khánh) có mức giảm từ 15-30%. 

Hiện NĐT cá nhân trong nước chiếm tỉ trọng giao dịch gần 90% trên thị trường chứng khoán - đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp khi "đu đỉnh" nhóm Louis. 

Trong "Louis Family", nhiều NĐT đang kêu gọi hủy lệnh bán sàn, nuôi hy vọng ông Đỗ Thành Nhân và "nhóm Louis" sẽ giải cứu.


Giá cổ phiếu từng tăng 6.000% dù kinh doanh bết bát

Sau khi đại gia buôn gạo Đỗ Thành Nhân và nhóm cổ đông liên quan đến Louis Holding thâu tóm, Đầu tư và xây dựng Trường Giang (TGG) đổi tên thành Louis Captial. Cũng từ đây, TGG trở thành tâm điểm khi kéo tăng trần hàng chục phiên.

Từ việc bị NĐT "ghẻ lạnh", TGG phút chốc lập đỉnh 74.800 đồng vào tháng 9-2021, tăng 6.000% so với thị giá 1.200 đồng hồi đầu năm, cao hơn cả giá cổ phiếu của Techcombank, Tập đoàn Hòa Phát, Vincom Retail, Petrolimex...

Ngoài TGG, từ cảnh bị ngó lơ dưới mệnh giá, hàng loạt cổ phiếu khác liên quan đến ông Nhân và "nhóm Louis" bỗng thành "siêu cổ", nối nhau lập đỉnh giữa tháng 9 này, với mức tăng từ 150-600% so với hồi đầu năm.

Giá cổ phiếu tăng phi mã, song nhiều doanh nghiệp thuộc "hệ sinh thái Louis" lại kinh doanh bê bết, dính "dớp" trên thương trường.

Chẳng hạn, trong báo cáo tài chính kiểm toán 2020, TGG lỗ ròng hơn 43 tỉ đồng, dòng tiền kinh doanh âm, bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Sang bán niên 2021, doanh nghiệp lãi ròng hơn 42,3 tỉ đồng, tăng đột biến so với mức lỗ 3,8 tỉ đồng cùng kỳ năm trước, song lại nhờ vào khoản hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi.

Ở BII từng hủy kế hoạch tăng vốn (2016), khiến cổ phiếu giảm sàn 21 phiên -87% về 2.700 đồng/cổ phiếu, khiến nhiều NĐT cháy tài khoản.

Năm 2019 BII lỗ 97 tỉ đồng, bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Năm 2020, lỗ tiếp gần 90 tỉ đồng. Sang nửa đầu năm 2021, doanh nghiệp lãi ròng sau thuế 35 tỉ đồng (-27% so với trước kiểm toán), nhờ doanh thu tài chính, thanh lý công ty con.

Cách đây vài ngày, BII trở thành cổ đông lớn của Thu Duc House (TDH, nắm 5,16%). Bán niên 2021 nhờ thanh lý khoản đầu tư mà TDH lãi ròng 218 tỉ đồng, trong khi năm trước lỗ ròng 309 tỉ đồng. Do không nộp đủ thuế, THD bị Cục Thuế TP.HCM phong tỏa hóa đơn đến 30-3-2022.

Hiện có 3 thành viên "họ Louis" bị kiểm soát/cảnh báo, gồm TGG và TDH (cảnh báo), BII (kiểm soát). 

BII từng dính đến vụ án thao túng giá cổ phiếu của CTCP Khoáng sản Bình Thuận (KSA) (2019). Đầu năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phạt một cá nhân do dùng 19 tài khoản để thao túng cổ phiếu TGG.


Nhận biết "game" thao túng

Gần 20 năm từng trải trên thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích, Yuanta Việt Nam - cho biết, có hai cách phổ biến được các "đội lái" dùng để thao túng cổ phiếu:

1. Tạo câu chuyện để kéo giá cổ phiếu, NĐT nhỏ lẻ "sợ mất cơ hội" hò nhau mua vào, sau đó bị mất thanh khoản, NĐT không thể cắt lỗ.

- Nếu cổ phiếu công ty A, B bị rớt giá, "đội lái" sẽ thâu tóm thêm công ty C để tạo câu chuyện đẩy giá cho A, B.

- Doanh nghiệp có thủ thuật để tăng vốn ảo, phát hành cổ phiếu vốn thấp, chỉ cần bán giá 1 đồng cũng có lãi.

2. Bỏ tiền thâu tóm công ty A (chọn cổ phiếu giá rẻ để dễ nắm tỉ lệ sở hữu trên 51%), sau đó rút ruột bằng cách dùng tài sản/tiền của công ty A để mua cổ phiếu công ty B, công ty B nhảy mua cổ phiếu công ty C... cho đến khi tiền chảy về công ty của chính nhóm thao túng.

"Nếu giá cổ phiếu kéo tăng ầm ầm vô cớ, đến một lúc "bong bóng" cổ phiếu sẽ nổ, NĐT không thể rút chân", ông Minh cho hay.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét