Nhiều doanh nghiệp ước tính, 70-80% chi phí chống dịch là đổ vào xét nghiệm - nhằm tìm ra một kết quả chỉ có giá trị trong 2-3 ngày.
Mỗi tháng doanh nghiệp này mất 300 triệu đồng chi phí xét nghiệm PCR cho gần 150 lái xe. Với các tuyến đường dài chạy 4-5 ngày thì chi phí xét nghiệm tăng gấp đôi. "Nếu được chủ động tự test, doanh nghiệp sẽ bớt đi gánh nặng", bà Trang nói.
Thực tế, việc yêu cầu xét nghiệm "mỗi nơi một khác" cũng đang làm khó các doanh nghiệp vận tải. Yêu cầu lái xe ngoại tỉnh đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) giao nhận hàng xuất nhập khẩu với Trung Quốc phải xét nghiệm 3 lần (2 lần PCR, 1 lần test nhanh) gần đây là một ví dụ.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics gọi đây là "tạo gánh nặng chi phí, vận hành cho doanh nghiệp, và sức khoẻ lái xe". Đặc biệt, theo ông, yêu cầu xét nghiệm lần thứ 3 bằng PCR trước khi lái xe được phép rời khu vực cửa khẩu Móng Cái khiến xe đã giao nhận hàng xong, nhưng vẫn phải chờ tới hôm sau mới được rời đi, sau khi nhận được kết quả xét nghiệm Covid-19. Việc này làm phát sinh chi phí rất lớn cho doanh nghiệp khi phương tiện người lái và hàng hoá phải lưu giữ ở khu vực cửa khẩu chờ kết quả xét nghiệm.
"Doanh nghiệp đã rất khó khăn vì dịch bệnh, nay càng kiệt quệ hơn khi buộc phải xét nghiệm quá nhiều lần khi muốn xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái", ông Hiệp cho hay.
Doanh nghiệp sản xuất cũng đau đầu vì chi phí xét nghiệm không kém. Công ty trách nhiệm hữu hạn Gỗ Hạnh Phúc ở Đồng Nai đã thực hiện 3 tại chỗ từ giữa tháng 7. Doanh nghiệp này đang duy trì sản xuất với 300 công nhân, từ 650 người ban đầu. Ông Lê Xuân Tân, thành viên ban giám đốc cho biết, trừ những khoản phí đầu tư việc ăn ngủ nghỉ của công nhân tại nhà máy, tiền xét nghiệm là một khoản gánh nặng khi họ mất hàng trăm triệu đồng cho mỗi lần test
"Chưa đến 2 tháng, chúng tôi đã phải làm 1.600 lần test cho 300 công nhân. Trung bình, mỗi người phải xét nghiệm 3 lần một tháng", ông nói.
Các hình thức xét nghiệm được doanh nghiệp này sử dụng gồm: PCR mẫu đơn 750.000 đồng một lần test một người; PCR gộp 5 giá 300.000 đồng một người và test nhanh là 280.000 đồng một người.
Tương tự, Tập đoàn Mỹ Lan (tại Trà Vinh) thực hiện "3 tại chỗ" từ cuối tháng 7. Doanh nghiệp này xét nghiệm PCR cho 350 nhân viên với chi phí hàng tuần là 60 triệu đồng, tức 240 triệu đồng một tháng. Đấy là một con số đáng kể tác động đến doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch tập đoàn.
Ông cũng nói thêm rằng, nếu tính cả việc ngừng sản xuất để làm xét nghiệm, thiệt hại của doanh nghiệp về doanh thu là rất lớn.
Bà Đỗ Thị Thuý Hương - Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ước tính xét nghiệm chiếm 70-80% chi phí phòng dịch của một doanh nghiệp. Theo quan sát của bà, để duy trì sản xuất, doanh nghiệp phải chi thêm 3,5-4 triệu đồng cho một lao động một tháng, trong đó riêng chi phí xét nghiệm chiếm hơn 70%.
Mỗi kit test nhanh có giá 270.000-280.000 đồng, cứ 3 ngày xét nghiệm một lần thì doanh nghiệp mất khoảng 3 triệu đồng một người một tháng cho chi phí xét nghiệm. Đó là test nhanh, trường hợp phải test PCR thì chi phí cao hơn.
Nhiều doanh nghiệp bình quân 2-3 ngày phải xét nghiệm cho công nhân một lần. Nếu doanh nghiệp có hàng nghìn lao động như doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất điện tử, số tiền phải trả lên tới hàng tỷ đồng.
"Nếu một doanh nghiệp có hàng nghìn lao động thì chi phí cách ly, xét nghiệm rất lớn, trong khi chi phí một lần tiêm vaccine ít hơn", bà chia sẻ.
Như với Công ty TNHH Delta, bà Trang ước tính, chi phí xét nghiệm chiếm khoảng 5-10% doanh thu của doanh nghiệp lúc này, chưa kể các chi phí phòng, chống Covid-19 khác như phụ cấp tăng thêm cho lái xe, chi phí thuê nhà ở cho lái xe để thực hiện "3 tại chỗ"...
"Cõng" chi phí xét nghiệm lớn nhưng doanh nghiệp vẫn cho rằng cách làm hiện nay chưa khoa học.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ nhận xét, việc yêu cầu xét nghiệm như hiện tại là tuỳ hứng, không có hiệu quả khoa học cũng như kinh tế. Chi phí thực hiện "3 tại chỗ" theo ông đã rất nhiều, thêm xét nghiệm thì khó cho doanh nghiệp.
Riêng với xét nghiệm cho người lao động, dù cần thiết ngay cả khi đã phủ vaccine nhưng theo ông mỹ, cần một phương pháp xét nghiệm khác, dựa trên cơ sở tính toán, khoa học.
Nghị quyết 105 của Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp được tự test Covid-19, tự chịu trách nhiệm nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành hướng dẫn các doanh nghiệp về việc này.
Còn bà Đỗ Thị Thuý Hương cho rằng, các quy định đưa ra không nên quá cứng nhắc, khiến doanh nghiệp thêm khó khăn. Bà lấy ví dụ, Bắc Giang, TP HCM đã hướng dẫn cho công nhân, người dân tự xét nghiệm kháng nguyên và công nhận kết quả này phục vụ phòng, chống Covid-19.
Với những kinh nghiệm thực tế đã có, theo bà Hương, Bộ Y tế hoàn toàn đủ dữ liệu để triển khai thành công chính sách quan trọng này của Chính phủ trên phạm vi toàn quốc, đúng thời hạn đã được quy định trong Nghị quyết 105.
Doanh nghiệp cho rằng, được tự test Covid sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí. Ông Trần Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta ước tính sẽ tiết giảm được khoảng 70% chi phí xét nghiệm cho nhân viên. Ông Nghĩa đánh giá chính sách này có ý nghĩa với doanh nghiệp "không thua kém bất kỳ gói hỗ trợ nào Chính phủ đã, đang thực hiện".
Cơ sở để tiết kiệm hơn, theo doanh nghiệp, họ có thể chủ động mua được nguồn thiết bị xét nghiệm giá thấp hơn. Lãnh đạo một doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc cho biết hiện họ nhận được khá nhiều báo giá "chào" mua kit test nhanh và dịch vụ xét nghiệm từ các doanh nghiệp cung cấp thiết bị y tế. Giá chào "mềm" hơn, chỉ bằng 1/3 đến một nửa so với giá dịch vụ test tại các cơ sở y tế.
"Chúng tôi đã thẩm định họ là các doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng này. Doanh nghiệp đang rất mong chờ hướng dẫn cụ thể về việc tự xét nghiệm như thế nào để mua các kit test, tự xét nghiệm cho người lao động", vị này nói.
Trong khi chờ đợi hướng dẫn từ Bộ Y tế các doanh nghiệp cũng đang chủ động tìm cách để giảm chi phí xét nghiệm. Một trong những cách được Tập đoàn Mỹ Lan thực hiện là xét nghiệm theo mô hình CNOK (C:chính xác, N: nhanh chóng, O: ổn định tâm lý người lao động và K: kinh tế) – chia phân tổ rồi xét nghiệm người đại diện.
"Doanh nghiệp sẽ lấy tổng số nhân viên chia cho 28 sẽ được số phân tổ. Con số 28 này chính là 2 chu kỳ ủ bệnh của virus. Mỗi ngày chỉ xét nghiệm cho một người đại diện cho tổ thôi, vì nếu một người trong nhóm bị nhiễm, trong một ngày, cả nhóm sẽ nhiễm tất", ông nói.
Ví dụ, tại Mỹ Lan có 350 người, tương đương 13 phân tổ, trong đó, 12 phân tổ có 28 người; phân tổ còn lại có 14 người – là những người có mức độ lây nhiễm cao như bảo vệ, tài xế, người ở vòng ngoài.
Mỗi ngày, doanh nghiệp chỉ cần xét nghiệm cho 13 người đại diện, rồi xoay vòng lần lượt cho từng người mỗi cụm. Chu kỳ đến lượt xét nghiệm tiếp cho những người tuỳ tường phân tổ là 14-28 ngày. Chi phí xét nghiệm sẽ giảm xuống còn 72,8 triệu đồng một tháng với xác suất tỷ lệ phần trăm có thể phát hiện một người bị nhiễm đạt đến 90%.
Ông Mỹ cũng cho biết, doanh nghiệp đã nghiên cứu ra mô hình có thể chung sống lâu dài với Covid-19. Theo ông, một nhân viên sẽ được định danh bằng một vã vạch khi vào cổng. Tại cổng và một số vị trí trong nhà máy sẽ được lắp camera hồng ngoại đê kiểm tra thân nhiệt. Nếu nhiệt độ cơ thể vượt quá 38 độ C, người lao động sẽ được đưa đi xét nghiệm kháng nguyên, tuỳ theo kết quả mà có phương pháp xử lý. Người có nhiệt độ bình thường được vào công ty bình thường rồi thực hiện lấy mẫu theo mô hình CNOK.
Bên cạnh đó, ông cho biết, chu trình khám sức khoẻ hàng năm cho nhân viên sẽ bổ sung xét nghiệm kháng thể với mức chi phí thêm vào là 380.000 đồng một người nhằm biết được bao giờ người lao động cần tiêm lại vaccine. "Đây là cách để sống chung mà không tốn kém lắm", ông nói.
Nguồn VNEXPRESS
0 comments:
Đăng nhận xét