27 thg 9, 2021

Chuyển đổi mô hình chống dịch, nếu "khóa cứng" địa phương sẽ làm đổ vỡ kinh tế

Các chuyên gia cho rằng, việc quan trọng nhất hiện nay là chuyển đổi mô hình chống dịch. Việc "khóa cứng” địa phương sẽ dẫn đến đổ vỡ hoạt động kinh tế.

TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Thành Chung.

Phát biểu tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế xã hội của Quốc hội sáng nay (27.9), TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, điều quan trọng hiện nay của nước ta là mô hình chống dịch. Mô hình chống dịch năm 2020 kéo dài, đây là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội. Vừa qua, Thủ tướng đã nói chuyển từ không có COVID-19 sang thích ứng an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo ông Dũng, chúng ta đã áp đặt mô hình zero COVID kéo dài, phong toả cứng đất nước. Thực chất việc phong tỏa cứng thì dài nhất chỉ nên 7 ngày, cùng lắm 10 ngày.

"Việc quan trọng nhất hiện nay là chuyển đổi mô hình chống dịch" - ông Dũng nêu ý kiến.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ mới nói về chuyển đổi mô hình chống dịch, tức là thích ứng an toàn với COVID-19. Dù Thủ tướng đã có quan điểm như vậy nhưng ở các địa phương vẫn thực hiện khác nhau, mỗi nơi mỗi kiểu.

“Để bùng phát dịch bệnh, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, đó như một vòng kim-cô đối với lãnh đạo các địa phương. Do đó, khi có dịch, lãnh đạo tỉnh sẽ “khóa cứng” địa phương, dẫn đến đổ vỡ hoạt động kinh tế” - ông Dũng khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng, một loạt chính sách thời gian qua đã tạo ra khoản "tô" khổng lồ (mang lại một khoản lợi ích). Ví dụ như TPHCM khoá cứng không cho chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ đầu mối mở; chỉ cho siêu thị hoạt động. Do đó, siêu thị nhận được khoản thu rất lớn. Những khoản "tô" đó có nhiều ở tỉnh, tất cả đánh vào người dân khó khăn.

“Nếu chuyển đổi mô hình chống dịch thì phải cho mở cửa chợ truyền thống, đầu mối sẽ giảm bớt gánh nặng cho hàng triệu người. Phải có sự thống nhất chứ không thể cách làm hiện nay, mỗi tỉnh mỗi kiểu thì đứt gãy hết chuỗi cung ứng” - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Toàn cảnh buổi toạ đàm.

Về vấn đề việc làm, ông Nguyễn Sỹ Dũng nêu rõ, nghịch lý lao động hiện nay là nơi thiếu cứ thiếu, nơi thừa cứ thừa. Ở các khu công nghiệp TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, người lao động phải chạy về, chưa biết bao giờ trở lại. Trong khi, chuỗi cung ứng toàn cầu không thể đứt gãy. Trong khi cầu của thế giới đang quay lại, nếu không có chính sách để lôi kéo lao động trở lại sẽ khiến sản xuất chúng ta gặp nhiều khó khăn.

“Tôi cho rằng, phân cấp, phân quyền là quan trọng, nhưng ở thời điểm này, phải cần mệnh lệnh từ Trung ương. Còn mỗi tỉnh mỗi kiểu, tỉnh đòi loại giấy này, tỉnh đòi loại giấy khác; tỉnh cho qua, tỉnh không thì làm sao kinh tế không đổ vỡ được”, ông Dũng khuyến nghị.

Về giải pháp năm 2022, ông Dũng cho rằng, nếu đẩy mạnh xuất khẩu thì rất tốt nhưng cầu trong nước sẽ giảm vì số người về quê sống tự cấp, tự túc vừa qua rất nhiều.

TS Võ Trí Thành phát biểu tại toạ đàm.

Bàn thêm về giải pháp chuyển đổi mô hình chống dịch, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đề xuất Chính phủ cần tăng cường chi tiêu tài khóa nhiều hơn nữa. Gói hỗ trợ cho phục hồi 2 năm tới thứ nhất là vượt khó, thứ hai là bắt nhịp đà phục hồi của thế giới và thứ 3 là nắm bắt xu hướng lớn của thế giới như tiêu dùng, lối sống và cuộc Cách mạng 4.0, năng lượng tái tạo.

Hiện nay, theo ông Thành, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp (đặc biệt ở khu vực phía nam) là họ đang rất băn khoăn với mô hình, khuôn khổ chống dịch của Chính phủ để có thể chủ động quay lại sản xuất. Đối với vấn đề lao động, thực sự đang trở thành “đại sự cho cả trước mắt và lâu dài".

"Nhiều doanh nghiệp cho biết họ ít nhất phải mất 2 năm mới thu hút được lao động quay lại. Cuối cùng là vấn đề cạn kiệt dòng tiền, doanh nghiệp cần phải được hỗ trợ bằng gói tài khóa, hỗ trợ lãi suất" - ông Thành nêu ý kiến.

Nguồn Báo Lao Động

0 comments:

Đăng nhận xét