Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, thành phố không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng và truy vết vì rất tốn kém, chỉ tập trung lấy mẫu những người nguy cơ cao, triệu chứng.
Theo ông Dũng, thời gian vừa qua thành phố đã có kết quả ban tích cực ban đầu trong công tác phòng chống dịch như tiêm vaccine cho nhóm nguy cơ cao; phát triển mô hình chăm sóc, điều trị F0 tại nhà hiệu quả và đảm bảo cơ sở y tế đủ oxy cho người bệnh. Kết quả rõ ràng nhất là số bệnh nhân tử vong giảm rõ rệt.
Trong thời gian tới, ông Dũng đề xuất, TP HCM cần chuyển chiến lược với Covid-19 từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, thắng chắc". Đồng thời, ông cho rằng việc "sống chung" với dịch là tất yếu. Bởi nếu quét sạch Covid-19 lần này cũng chưa đảm bảo dịch sẽ không đến một lần nữa.
"Nếu đánh trận cuối cùng, chúng ta dùng hết sức, còn không phải tính toán sao cho hiệu quả, đừng tốn quá nhiều sức dẫn đến kiệt quệ", ông Dũng nói và cho rằng thành phố hôm nay quét sạch Covid-19, nhưng không thể đảm bảo được tháng sau, năm sau dịch không trở lại. "Lúc đó liệu thành phố có tiếp tục phong tỏa, truy vết, làm xét nghiệm diện rộng được nữa không?".
Ông Dũng nhận định Việt Nam có thể tiêu diệt Covid-19, nhưng không thể hết trong hôm nay, tháng này, năm nay mà phải trong vài năm tới, cùng các quốc gia khác chứ không thể đơn độc. Vì thế, ông đề nghị ngành y tế thành phố không nên tiếp tục xét nghiệm diện rộng, truy vết vì rất tốn kém, mà phải chuyển sang xét nghiệm người nguy cơ cao, triệu chứng.
Ý kiến trên cũng được PGS Vũ Minh Phúc, cố vấn Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP HCM đồng quan điểm. Còn GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TP HCM, đặt vấn đề thành phố cần có biện pháp gì, xử lý như thế nào với F0 sau khi xét nghiệm "thần tốc". Câu hỏi này cần được trả lời, nhất là khi thành phố đã chuyển giai đoạn, không còn theo mục tiêu không Covid-19.
Theo ông Tuấn, xét nghiệm để tách và chuyển F0 đi nơi khác nhằm giữ khu dân cư xanh. Tuy nhiên theo cách này, việc truy vết phải thực hiện mãi vì kết quả xét nghiệm chỉ giá trị trong 3 ngày. Vì vậy, thành phố cần thống nhất quan điểm không cần thiết xét nghiệm diện rộng. Nguồn lực lúc này cần tập trung vào việc bao phủ vaccine tới người dân, nhất là người nguy cơ cao, trên 65 tuổi.
Tại cuộc họp, đề cập vấn đề mở cửa, phục hồi kinh tế, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng TP HCM cần xác định "sống chung" và tính toán mở cửa kinh tế từng phần để phục hồi. Các tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế trên bình diện chung là đúng nhưng khi đạt được một số tiêu chí quan trọng, TP HCM có thể tính toán việc mở cửa trong điều kiện an toàn.
"Việc mở cửa cần tính toán ưu tiên các hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Nếu doanh nghiệp phát hiện ca nhiễm, biện pháp xử lý chỉ liên quan ca mắc đó thay vì bắt đóng cửa, dừng hoạt động tất cả", ông Dũng nói..
Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Vũ Thành Tự Anh cho rằng việc "mở cửa" là cấp thiết. Bởi hệ luỵ của dịch tác động rất lớn đến nền kinh tế, đến tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố. Doanh nghiệp bây giờ kiệt quệ cần được cứu kịp thời, còn để lâu không kịp. Tương tự, sau 3,5 tháng chống dịch, người dân nghèo đang kiệt quệ. Đặc biệt, ngân sách thành phố và Trung ương đang gặp khó khăn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói rằng đến giờ phút này, ngành y tế thành phố đã có nhiều bài học, kinh nghiệm trong phòng chống dịch, tỷ lệ tiêm chủng hiện đã cao. Đặc biệt nhận thức của người dân đã tốt lên, đoàn kết, chấp nhận "đồng cam cộng khổ", thắt lưng buộc bụng cùng thành phố vượt qua khó khăn.
Theo ông Nên, sức chịu đựng của xã hội, nền kinh tế cũng có giới hạn, nếu để dịch kéo dài sẽ nguy hiểm. TP HCM đã chuẩn bị 14 chiến lược để chuẩn bị cho trạng thái "bình thường mới", trong đó trụ cột nhất là chiến lược y tế. Ngoài ra, còn có các chiến lược an sinh, xã hội, truyền thông, giáo dục...
Nguồn VNEXPRESS
0 comments:
Đăng nhận xét