28 thg 9, 2021

Cổ phiếu 'nhóm Louis' tiếp tục giảm sàn: Nhìn lại những cú lao dốc và thao túng giá 'kinh điển'

CDO là cổ phiếu có chuỗi giảm sàn nhiều nhất với 34 phiên liên tiếp. Hàng loạt vụ thao túng giá cổ phiếu bị UBCKNN xử phạt hành chính và thậm có những vụ đã bị xử lý hình sự.

Tin liên quan: Nhiều cổ đông “Louis” kêu gọi ngưng bán, cùng nhau “bắt đáy” để giúp cổ phiếu thoát sàn


Thị trường chứng khoán trong khoảng 2 tháng trở lại đây liên tục chứng kiến những chuỗi tăng giá rất mạnh của nhiều cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa nhỏ, thị giá thấp (penny) trong bối cảnh kết quả kinh doanh của nhiều đơn vị không có gì khởi sắc, thậm chí còn thua lỗ. 

Một nhóm cổ phiếu rất "nóng" thời gian qua là "hệ sinh thái Louis". Tập đoàn Louis Holdings của ông Đỗ Thành Nhân liên tục nâng sở hữu tại niều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán từ đầu năm gồm BII của Louis Land (HNX: BII), TGG của Louis Capital (HoSE: TGG), AGM của Angimex (HoSE:AGM). Sau đó, Louis Capital tăng sở hữu tại Sametel (HNX: SMT), chứng khoán APG (HoSE:APG), cáp nhựa Vĩnh Khánh (HNX:VKC) và DAP - Vinachem (UPCoM:DDV), Louis Land trở thành cổ đông lớn của Thuduc House (HoSE:TDH).

Đầu tháng 9, ông Đỗ Thành Nhân đã đăng lên Facebook cá nhân các chia sẻ về triển vọng giá cổ phiếu thuộc nhóm này như “Từ đây đến cuối năm BII không được 3X. Mọi người cứ chửi thoải mái”, “Từ đây đến cuối năm: BII không được 3X. TGG không được 4X-5X, APG không được 2X, SMT không được 3X, DDV không được 3X, AGM xuống 3X. Mọi người cứ chửi thoải mái. Ghi lại làm bằng”.

Cùng với đó, các cổ phiếu trong "hệ sinh thái" này đều có khoảng thời gian tăng rất mạnh. Giá cổ phiếu BII tăng từ chưa đến 10.000 đồng/cp lên 30.800 đồng/cp trong hơn 1 tháng. Tương tự, TGG tăng từ 11.600 đồng/cp lên 73.800 đồng/cp, trong gần 2 tháng.

Diễn biến giá cổ phiếu BII. Nguồn: Tradingview.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu này hiện đang có chuỗi nhiều phiên giảm sàn liên tiếp với dư bán sàn hàng triệu đơn vị. Một số nhà đầu tư cá nhân trong một số group chứng khoán đã khuyên các nhà đầu tư khác ngừng bán để ngăn đà giảm giá, nhưng giá cổ phiếu và khối lượng bán sàn chưa giảm trong 5 phiên qua.

Diễn biến giá các cổ phiếu liên quan đến "hệ sinh thái Louis" trong phiên 28/9.

Trước nhóm cổ phiếu này, trong lịch sử hơn 21 năm giao dịch, thị trường chứng khoán Việt Nam có rất nhiều trường hợp nhà đầu tư chịu thua lỗ nặng nề khi lao theo các cổ phiếu "nóng" mà không quan tâm đến nền tảng cơ bản. 

Cổ phiếu có chuỗi giảm sàn nhiều nhất trên thị trường thuộc về CDO của Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị (UPCoM: CDO). Từ 6/12/2016 đến 23/1/2017, cổ phiếu CDO giảm sàn 34 phiên liên tiếp từ 35.000 đồng/cp xuống chỉ còn 3.090 đồng/cp, tương ứng mức giảm 91,2%. Theo giải trình của CDO, nguyên nhân cổ phiếu bị giảm sàn nhiều phiên liên tiếp bắt nguồn từ tin đồn ông Nguyễn Đình Nhân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc bị bắt, cùng nhiều tin đồn khác khiến các công ty chứng khoán dừng cho vay margin.

Diễn biến giá cổ phiếu CDO. Nguồn: Tradingview.

Ngày 4/12/2017, Cơ quan An ninh điều tra  - Công an Thành phố Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Vân Giang - nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chứng khoán ngân hàng Đông Á chi nhánh Hà Nội, về tội "thao túng giá chứng khoán" đối với cổ phiếu CDO.

CDO bị HoSE quyết định hủy niêm yết từ ngày 6/8/2018 để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư do doanh nghiệp này vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin. Trên thị trường UPCoM, giá cổ phiếu CDO chốt phiên 27/9 chỉ còn 3.400 đồng/cp.

CDO cũng từng bị phạt vì công bố thông tin sai lệch về số liệu lợi nhuận sau thuế năm 2019 trên báo cáo tài chính quý IV/2019 riêng và hợp nhất so với số liệu LNST năm 2019 trên BCTC năm 2019 riêng và hợp nhất đã được kiểm toán; công bố thông tin không đúng thời hạn đối với các tài liệu như Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2020, giải trình về biến động lợi nhuận sau thuế trên BCTC năm 2019...

Một số cổ phiếu có chuỗi giảm sàn liên tục trên 10 phiên.

Cổ phiếu có chuỗi giảm sàn dài thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam là FTM của Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex, HoSE: FTM). Từ ngày 14/8 đến 26/9/2019, FTM đã có 30 phiên giảm sàn liên tiếp. Giá cổ phiếu từ 23.650 đồng/cp xuống còn vỏn vẹn 2.790 đồng/cp. FTM lao dốc lại gắn đến câu chuyện dư nợ margin tại nhiều CTCK.

Thời điểm đó, sau cuộc họp của một số công ty chứng khoán, sơ bộ có 10 cá nhân mở tài khoản và có dư nợ margin lớn tại 13 công ty chứng khoán với tổng giá trị khoảng 200 tỷ đồng. Các tài khoản này có hiện tượng bị kiểm soát giao dịch, giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo với cổ phiếu FTM trong giai đoạn trước. Các cá nhân có mở tài khoản và vay margin đều thừa nhận đứng tên hộ cho ông Lê Mạnh Thường - Chủ tịch Fortex.

Diễn biến giá cổ phiếu FTM. Nguồn: Tradingview.

Tháng 8/2021, UBCKNN ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Mạnh Thường cùng một cá nhân khác là bà Phạm Thị Phương (Địa chỉ: 318/56/6 đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp, TP HCM). Hai cá nhân bị phạt 600 triệu đồng do sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM. Tuy nhiên, hành vi của 2 cá nhân trên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm.

Từ 15/12/2016 đến 25/1/2017, cổ phiếu An Tường An (UPCoM: ATG) giảm sàn 29 phiên liên tiếp từ 12.450 đồng/cp xuống chỉ còn 1.020 đồng/cp, giảm 87%. Khi đó lãnh đạo công ty đã trấn an nhà đầu tư vì cho rằng không liên quan đến hoạt động của công ty. Nhưng ngay sau đó, nhiều thành viên HĐQT đăng ký bán ra cổ phiếu ATG.

Hay cổ phiếu TNT của Tập đoàn TNT (HoSE: TNT) cũng có chuỗi "nằm" sàn 25 phiên liên tục từ 29.900 đồng/cổ phiếu xuống 5.310 đồng/cổ phiếu. Sau đó, hai cá nhân đã bị phạt vì thao túng giá cổ phiếu TNT là bà Lương Thị Thu, bị phạt 550 triệu đồng do sử dụng 29 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu TNT. Người thứ 2 là ông Hoàng Đức Dũng đã sử dụng 2 tài khoản đứng tên mình và 24 tài khoản đứng tên người khác để giao dịch cổ phiếu TNT. Ngoài số tiền phạt 550 triệu đồng, ông Hoàng Đức Dũng còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hơn 491 triệu đồng.

Thao túng giá cổ phiếu khiến rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán bị thiệt hại nhưng với mức phạt chỉ vài trăm triệu đồng được đánh giá là quá nhẹ và không có tính răn đe. Rất hiếm khi việc những vụ việc thao túng giá chứng khoán bị đưa ra xử lý hình sự. Lần đầu tiên  cá nhân bị xử lý hình sự về tội thao túng giá chứng khoán là tại Dược Viễn Đông (DVD). Đây được cho là nơi hội tụ đầy đủ nhất của tất cả các tiêu cực trên thị trường chứng khoán Việt Nam như làm giá cổ phiếu, lập báo cáo tài chính gian dối, sử dụng công ty để lấn lướt đối thủ, lừa đảo nhà đầu tư. Tháng 11/2010, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã bắt giữ ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Dược Viễn Đông, liên quan đến hành vi thao túng giá chứng khoán. Dược Viễn Đông phải mở thủ tục phá sản và nhiều cổ đông phải chịu thiệt hại do tài sản thanh lý cũng không đủ trả hết nợ.

Dù không có chuỗi giảm sàn quá dài nhưng giá cổ phiếu DVD đi xuống "không phanh" bởi những đợt giảm sàn từ 5 – 7 phiên đan xen. Từ một cổ phiếu của ngành cơ bản và có nhiều yếu tố đầu tư, DVD giảm từ 120.000 đồng/cp xuống chỉ hơn 2.000 đồng tại thời điểm huỷ niêm yết.

Sau Dược Viễn Đông, nhiều nhà đầu tư cũng rơi vào cảnh thua lỗ khi những công ty "ma" khi trụ sở doanh nghiệp không tồn tại hoặc chỉ là một quán ăn là Mỏ và Xuất khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM) và Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA). Một số lãnh đạo của 2 công ty này, trong đó nổi bật nhất là Chủ tịch HĐQT Phạm Thị Hinh, cùng nhiều cá nhân đã bị khởi tố vì hành vi thao túng giá chứng khoán, làm giả tài liệu của các cơ quan, tổ chức...

Về vụ án thao túng giá cổ phiếu MTM, cơ quan chức năng xác định các bị cáo và đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 56 tỷ đồng cho các nhà đầu tư, trong đó chiếm đoạt hơn 53 tỷ đồng. Một cá nhân trong vụ án này bị tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong khi đó, cựu Chủ tịch Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận là bà Phạm Thị Hinh nhận mức án 18 tháng tù vì tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Cuối năm 2015, Phạm Thị Hinh thực hiện việc tăng vốn điều lệ của Công ty KSA bằng cách phát hành thêm 56,05 triệu cổ phiếu KSA chào bán ra công chúng. UBCKNN đã chấp thuận lưu ký trên thị trường chứng khoán. Sau khi phát hành, giá cổ phiếu KSA giảm mạnh, tính thanh khoản thấp. Vì vậy, bà Hinh cùng các đồng phạm đã sử dụng 69 tài khoản trên liên tục thực hiện việc mua, bán chứng khoán KSA để tạo cung cầu giả tạo trên thị trường nhằm thu hút nhà đầu tư.

Trả lời về diễn biến giá của các cổ phiếu "nhóm Louis", ông Nguyễn Công Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết UBCKNN nhận thấy thời gian gần đây một số cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch có biến động mạnh về khối lượng giao dịch, về giá, trong đó có một số biến động có dấu hiệu bất thường. Không chỉ riêng một, hay một nhóm cổ phiếu nào, mà tất cả các cổ phiếu có dấu hiệu bất thường đều được cơ quan quản lý giám sát, theo dõi chặt chẽ.

Nguồn NDH


0 comments:

Đăng nhận xét