25 thg 9, 2021

Đi lại và ra vào TP.HCM sau ngày 1-10: Xe gắn máy thì sao? Chưa tiêm vắc xin như thế nào?

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đưa ra phương án lưu thông giữa TP.HCM và các tỉnh, đi lại trong TP để áp dụng từ ngày 1-10. Đã có hàng trăm ý kiến bạn đọc góp ý, thắc mắc xung quanh phương án này.

Đường Tô Hiến Thành, quận 10 trưa 16-9 khá đông người đi lại - Ảnh: CHÂU TUẤN

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc xây dựng phương án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xe chở hàng hóa và vận chuyển một số đối tượng cần thiết, có nhu cầu lưu thông thường xuyên giữa TP.HCM và các tỉnh để áp dụng từ ngày 1-10.

Đối với vận tải bằng ôtô, doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Việc tổ chức giao thông sau ngày 1-10 được chia thành 3 khu vực: phong tỏa, nguy cơ và bình thường mới, mỗi khu vực có một quy định cụ thể.


Đi làm lại liên tỉnh bằng xe gắn máy thì sao?

Bạn đọc THIÊNAN nêu thắc mắc: "Tôi không thấy nói đến điều kiện cho những người đi làm tỉnh khác bằng xe máy cá nhân, đối tượng này rất nhiều. Tôi từ ngày giãn cách thành phố vẫn đang làm việc tại công ty chưa thể về nhà, chỉ đợi thành phố có chỉ thị mới mà thông tin không hề nhắc đến!".

Bạn Thuyen Le chung nỗi lo: "Quay lại thành phố sao không có thông tin của những người đi xe máy. Rất nhiều người về quê trước dịch bằng xe máy, và nhiều người không làm trong khu công nghiệp. Giờ họ vẫn phải quay lại Sài Gòn để làm việc.

Quay lại bằng cách nào, không có thông tin cho những người di chuyển bằng xe máy. Khi họ đảm bảo đủ 2 mũi vắc xin, test COVID-19 (nhưng là test nhanh hay PCR cũng không thấy đề cập), giấy xác nhận của công ty?".

Bạn đọc tên Nghiêm đưa ra thực trạng từ cá nhân: "Tôi nhà ở TP.HCM, tạm thời "3 tại chỗ" ở công ty để làm việc tại Biên Hòa, Đồng Nai. Trước khi dịch bùng phát tôi vẫn đi làm bằng xe máy cá nhân hằng ngày.

Vậy từ 1-10 tôi có thể đi làm và về nhà hằng ngày giữa 2 địa phương TP.HCM và Đồng Nai được không? Hay vẫn bắt buộc người lao động phải 3 tại chỗ. Người lao động như tôi đã đuối lắm, công ty cũng không gồng nổi chi phí phát sinh nữa rồi!".


Chưa có điều kiện tiêm đủ liều vắc xin, quay lại TP cách nào?

Bạn đọc nguyenphi lo lắng: "Cái khó cho doanh nghiệp và TP là người dân các tỉnh hiện giờ chỉ số ít tiêm vắc xin mũi 1. Khi người dân trở lại làm việc lỡ gặp sự cố vừa rồi tính sao?

Chỉ có bắt tay các tỉnh để bình thường đi lại như trước, người dân mới trở lại công việc. Nếu có sự cố gì lao động có thể tự về địa phương cách ly theo hướng dẫn của y tế phường xã".

Bạn đọc Ngọc Bích băn khoăn: "Tôi là người dân có hộ khẩu tại TP.HCM. Hơn một năm trước do làm việc tại Bình Dương nên đã chuyển toàn bộ đồ dùng trong gia đình đến nhà thuê tại tỉnh. Tính đến nay đã thất nghiệp 3 tháng, trước tình hình khó khăn này cũng không còn tiền thuê nhà.

Xin hỏi sau 1-10 tôi có về được TP.HCM không, và đi theo phương thức nào? Vì còn đồ đạc và tài sản cá nhân cần có xe tải để vận chuyển, nhà tại TP.HCM cũng không còn ai và tôi cùng mẹ sẽ phải đi bằng xe gắn máy nên không thể đăng ký các chuyến xe đi về chung của các ban ngành!".

Một người lao động khác đặt câu hỏi, đồng thời kể rõ tình huống công ty bạn gặp phải: "Xin cho tôi hỏi sau 30-9 TP còn duy trì hình thức 3 tại chỗ cho doanh nghiệp hay không, và người lao động đã được tiêm vắc xin thì phương thức cũng như quy định khi di chuyển như thế nào?

Công ty tôi do không kham nổi chi phí 3 tại chỗ nên đã ngừng hoạt động được 3 tháng, hiện tại toàn bộ nhân viên cũng như công ty đang rất khó khăn về tài chính. Toàn bộ đồng nghiệp của tôi đã được tiêm vắc xin đầy đủ và đã sẵn sàng để đi làm lại.

Theo tôi thấy, chỉ nên kiểm tra thẻ xanh COVID và bỏ việc kiểm tra giấy đi đường của người dân để hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được nhanh chóng phục hồi. Mong TP.HCM đưa ra thông báo cuối cùng nhanh chóng để doanh nghiệp kịp chuẩn bị. Xin đừng sát ngày mới ra thông báo, doanh nghiệp không kịp xoay trở".


Thẻ xanh chỉ riêng TP.HCM, ra ngoại tỉnh thì sao?

Bạn đọc MinhPhuc nêu ý kiến: "Về việc đi lại giữa TP.HCM và các tỉnh, ngoài việc tính toán đưa rước công nhân, chuyên gia… thì cũng cần quan tâm, tính toán đến đối tượng là sinh viên cũng như những lao động, công nhân, nhân viên… của các tỉnh đã và đang ở TP từ khi giãn cách đến nay, được về quê để thăm, chăm sóc gia đình, giải quyết công việc…

Những đối tượng trên nếu được đi lại giữa TP và các tỉnh thì cần phải thực hiện biện pháp an toàn phòng chống dịch như thế nào? Điều này phải tính toán thống nhất, tránh trường hợp các địa phương không nhất quán, sinh viên, người lao động về thăm gia đình chỉ được vài ngày phép mà phải áp dụng biện pháp cách ly tập trung như vậy thì số ngày nghỉ cũng không đủ…".

Bạn đọc tên Minh đề xuất: "TP.HCM và các tỉnh xung quanh nên có phương án thống nhất một quy định chung để liên kết vùng. Không thể mỗi tỉnh đưa ra một phương án để rồi cùng là vùng xanh hay cùng áp dụng chỉ thị 15 nhưng không đi lại được".

Bạn đọc Thành leaf đưa ý kiến: "Tạo một app đọc thẻ xanh trên điện thoại như Thủ tướng chỉ đạo. App này cho đối tượng sử dụng là người thực thi kiểm tra, nhân viên nhà hàng, siêu thị đón khách. Nhằm giảm chi phí mua đầu đọc kiểm tra. Đếm được lần quét biết số lượng mỗi ngày đã quét...".

Bạn đọc tên Quang bày tỏ: "Ai tiêm rồi thì cho đi, một cách bình thường. Kiểm giấy và xét nghiệm vừa quá tốn kém, vừa làm ùn ứ và tăng khả năng lây lan thêm. Tăng cường kiểm soát và phạt nặng tội không đeo khẩu trang, không thực hiện 5K là đủ".


Không thể kiểm soát tất cả

Tôi thấy nếu đã làm ra thẻ xanh thì chỉ cần thẻ xanh và thực hiện tốt 5K là được rồi. Còn thẻ vàng thì mới yêu cầu thêm xét nghiệm 7 ngày/lần.

Nhưng mà vấn đề là hiện nay có tình trạng người ở ngoài đường không bị nhiễm mà virus dính xung quanh quần áo, khi về nhà lẫn trong không khí, người ở nhà lại bị nhiễm. Vậy việc cứ đè người đi ra đường để test hoài không phải là cách hợp lý cho lắm.

Ngoài ra, những người trẻ hầu như có thể tự điều trị và khỏi bệnh sau vài tuần. Tôi nghĩ nên chuyển sang kiểm soát những đối tượng có nguy cơ trở nặng nếu nhiễm COVID-19 thay vì cố gắng kiểm soát tất cả những người ra đường.

Với dự thảo hiện tại, sau một thời gian với lưu lượng người ra đường cao thì cũng sẽ lại phải xả chốt/trạm, như vậy cũng sẽ không kiểm soát được, và lại phải thay đổi chính sách khác để đối phó với tình hình đó.

TP nên kiểm soát tập trung những đối tượng nào trong khả năng có thể kiểm soát thay vì kiểm soát hết tất cả.

Bạn đọc Hien Hoang

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét