Đại dịch COVID-19 khó lường khiến sản xuất vắc xin trở thành lĩnh vực đầy tiềm năng, hái ra tiền và không bao giờ lo thiếu đơn hàng. Ở trong nước, cuộc đua sản xuất vắc xin cũng gay cấn với sự dẫn đầu tạm thuộc về Nanocovax của Công ty Nanogen.
Với việc virus SARS-CoV-2 xuất hiện từ cuối tháng 12/2020 và càn quét khắp thế giới đến nay vẫn chưa chịu dừng lại, ngay cả khi vắc xin được sản xuất thành công, COVID-19 vẫn quay lại ở những nơi từng tiêm chủng cho phần lớn dân số, các chuyên gia đang đi tìm câu trả lời đại dịch sẽ kết thúc như thế nào.
Tuy nhiên, theo WSJ, viễn cảnh tươi sáng nhất không phải là xóa sổ virus. Thay vào đó, nhiều người kỳ vọng COVID-19 sẽ trở thành một căn bệnh thông thường như cảm lạnh hoặc cúm, chứ không phải nguyên nhân của các ca nhập viện và tử vong hàng loạt. Nó cũng có thể trở thành một căn bệnh mà mọi người cần tiêm phòng thường xuyên.
Trước những diến biến của dịch bệnh và virus biến hóa không ngừng, điển hình là chủng Delta với khả năng siêu lây nhiễm đánh gục cả những nước từng khống chế được dịch, các chuyên gia ngày càng thiên về nhận định cần tiêm vắc xin thường xuyên để duy trì khả năng bảo vệ trước COVID-19.
Bên trong một nhà máy sản xuất vắc xin Pfizer/ BioNTech ở Đức. (Ảnh: TIME).
Việt Nam sẽ có ít nhất một vắc xin được cấp phép, Nanocovax đang dẫn đầu cuộc đua
Quay trở lại câu chuyện sản xuất vắc xin trong nước, trong cuộc đua đến cuối năm 2021 có ít nhất một vắc xin COVID-19 được cấp phép lưu hành, Việt Nam hiện có hai ứng viên vắc xin nội đang triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng là Nanocovax và Covivac.
Nanocovax là ứng viên tiềm năng nhất hiện nay, do Công ty CP Sinh học Dược Nanogen (Nanogen) nghiên cứu.
Sau khi xem xét báo cáo về kết quả nghiên cứu đánh giá giai đoạn 1, 2 và giữa kỳ giai đoạn 3 (giai đoạn 3a) của Nanocovax, Hội đồng Đạo đức của Bộ Y tế đã có biên bản kết luận và chuyển hồ sơ sang Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế xem xét cấp phép khẩn cấp có điều kiện cho vắc xin này.
Dự kiến trong hôm nay 15/9, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia sẽ họp thẩm định kết quả; sau đó Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc sẽ xem xét hồ sơ.
Vắc xin nội thứ hai là Covivac của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (IVAC) dự kiến cũng trong hôm nay 15/9, sẽ bắt đầu tiến hành tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 tại Thái Bình.
Ngoài ra Việt Nam còn có ba vắc xin nhận chuyển giao công nghệ và hợp tác nghiên cứu. Trong đó đáng chú ý phải kể đến vắc xin ARCT-154 (vắc xin do VinBioCare thuộc Vingroup nhận sản xuất chuyển giao công nghệ từ Mỹ). Vắc xin này đã được Bộ Y tế cho phép triển khai cuốn chiếu giai đoạn 2 và giai đoạn 3.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho hay, việc triển khai thử nghiệm lâm sàng vắc xin này không chỉ thực hiện tại Hà Nội và TP HCM, mà sẽ được mở rộng địa bàn nghiên cứu ở khu vực phía Bắc gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên; ở phía Nam gồm Đồng Nai, Tiền Giang, An Giang, Long An.
Việc này nhằm đảm bảo tiến độ triển khai trước 20/12 phải có đủ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2, 3.
Hai ứng viên vắc xin còn lại do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắcxin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) ký với Công ty Shionogi (Nhật Bản) để hợp tác chuyển giao sản xuất và một vắc xin nữa có tên HIPRA của Tây Ban Nha do T&T Pharma thuôc Tập đoàn T&T hợp tác thử nghiệm.
Cuộc đua gay cấn, ai cán đích sớm hóa công ty tỷ USD, không bao giờ lo thiếu đơn hàng
Đại dịch diến biến khó lường khiến sản xuất vắc xin trở thành lĩnh vực đầy tiềm năng, hái ra tiền và không bao giờ lo thiếu đơn hàng.
Hồi cuối tháng 7, Pfizer nâng dự báo doanh thu vắc xin COVID-19 cả năm nay thêm 29%, lên 33,5 tỷ USD, vượt xa các nhà sản xuất khác.
Nhà sản xuất Mỹ đưa ra dự báo này trên cơ sở doanh thu tăng gần gấp đôi trong quý II. Trong quý II, Pfizer đã thu 7,8 tỷ USD nhờ vắc xin COVID-19.
Johnson & Johnson dự kiến năm nay đạt doanh thu từ vắc xin là 2,5 tỷ USD, còn Moderna ước khoảng 19,2 tỷ USD.
Ngoài ra, với việc các nước thấy cần thiết phải tiêm mũi tăng cường sau khi đã phủ đủ vắc xin cho dân mà vẫn chưa thể kiểm soát dịch, các hãng dược cũng hứa hẹn kiếm bộn tiền từ bán vắc xin trong những năm tới.
Theo dự báo của các nhà phân tích, Pfizer/BioNTech và Moderna sẽ đạt doanh thu lần lượt hơn 6,6 tỷ USD và 7,6 tỷ USD năm 2023, chủ yếu đến từ doanh số bán các liều vắc xin để tiêm mũi tăng cường.
Trong số 7,8 tỷ người trên thế giới, hiện nay mới có khoảng 2,3 tỷ người được chủng ngừa đầy đủ theo số liệu mới nhất từ dự án Our World in Data của Đại học Oxford. Con số này cho thấy việc tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19 vẫn là một hành trình dài.
Tất cả những yếu tố trên - từ dự đoán COVID-19 có thể sẽ là bệnh cần tiêm phòng hàng năm, với khả năng virus có thể thêm nhiều biến thể mạnh xuyên thủng lớp bảo vệ của vắc xin hiện nay, kết hợp bối cảnh khan hiếm vắc xin trầm trọng của nhiều nước trên thế giới, dễ dàng nhận thấy sản xuất vắc xin không bao giờ sợ lỗ. Trái lại, đó còn là ngành kinh doanh rất bận rộn.
Cuối tháng 8, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã chấp thuận kết quả thử nghiệm lâm sàng giữa kỳ pha 3a vắc xin Nanocovax của Công ty Nanogen. (Ảnh: Thanh niên, TTXVN).
Tại Việt Nam, nước ta đặt mục tiêu có 150 triệu liều để tiêm đủ cho 70% dân số. Đến nay, số vắc xin đã về là hơn 29,8 triệu liều. Để thực hiện mục tiêu sớm đạt miễn dịch cộng đồng, Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh chiến lược vắc xin, trong đó bên cạnh đàm phán mua vắc xin ngoại, cần thúc đẩy sản xuất vắc xin trong nước để sớm tự chủ nguồn cung.
Trong bối cảnh vắc xin quý giá và khan hiếm như hiện tại, nếu bất cứ một nhà sản xuất nào cán đích sớm, riêng cung cấp cho thị trường trong nước với 96 triệu dân đã hứa hẹn triển vọng kinh doanh rất tươi sáng. Đó là chưa đề cập đến các đơn hàng đến từ các quốc gia khác - cũng đang rất cần vắc xin vì biến chủng Delta hoành hành.
Gần đây nhất hồi giữa tháng 8, Nanocovax tiến gần hơn với ước mơ vươn ra thế giới khi một hãng dược lớn ở Hàn Quốc đã ký thỏa thuận mua quyền cung cấp vắc xin Nanocovax trên toàn cầu, ngoại trừ ở Việt Nam và Ấn Độ.
Trước đó không lâu, công ty Vekaria Healthcare LLP (Ấn Độ) cũng đã ký kết hợp đồng với Công ty Nanogen để chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vắc xin Nanocovax cho Ấn Độ.
Về diễn biến dịch bệnh trong nước, dù chưa thể khống chế hoàn toàn nhưng hai tâm dịch lớn là TP HCM, Bình Dương đều đang dần mở cửa trở lại các hoạt động. Hà Nội cũng tính đến việc nới lỏng vùng vàng - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp lớn sau ngày 21/9 tới đây. Trong mọi kịch bản mở cửa, tỷ lệ bao phủ vắc xin là yếu tố quan trọng nhất.
Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch, mọi người luôn nhắc đến vắc xin như một liều thuốc thần kỳ cứu nền kinh tế khỏi nguy cơ sụp đổ. Việt Nam cũng không nằm ngoài câu chuyện đó và như đã nói ở trên, vắc xin COVID-19 nào được cấp phép đầu tiên không những cứu cả nền kinh tế mà còn mang đến hy vọng giữ sinh mạng, sinh kế cho cả hàng triệu người.
Nguồn Vietnamnet
0 comments:
Đăng nhận xét