Trong thời buổi dịch bệnh phức tạp, hầu hết nhân viên môi giới phải tạm thời nghỉ việc, không có thu nhập, thậm chí phải nhận đồ thực phẩm cứu trợ. Nhiều môi giới bị vỡ mộng khi trước đây từng nghĩ làm nghề này sẽ có cơ hội đổi đời.
Nợ phí "hoa hồng"
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại lần thứ 4 đã khiến cho không chỉ doanh nghiệp bất động sản rơi vào thế khó, mà trong đó số lượng môi giới liên quan đến lĩnh vực này lao đao vì bị mất việc làm.
Nhiều môi giới thậm chí 5-6 tháng liền không có đồng thu nhập nào, một mặt vì không có sản phẩm để bán, hoặc có sản phẩm nhưng không bán được. Không những thế, một số khác thì bị chủ đầu tư nợ phí "hoa hồng" khiến cho cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Đinh Thị Huyền Trang (sinh năm 1998, ở Chí Linh, Hải Dương) cho biết, năm 2020 chị nhận bằng tốt nghiệp loại khá ngành tài chính. Ra trường tìm việc làm theo ngành học với số tiền gần 8 triệu đồng/tháng.
“Với số tiền trên dường như chỉ đủ chi tiêu hàng ngày nên không tiết kiệm được bao nhiêu. Có lần đi ngồi uống nước với mấy đứa bạn cùng lớp đang làm nghề môi giới bất động sản. Nghe nó kể công việc cũng không quá nặng nề mà chỉ khéo léo với có duyên thì rất ổn định”, chị Trang nói và cho biết kể từ đó chị bắt đầu le lói để chuyển nghề.
Với ngoại hình khá xinh xắn thêm với duyên ăn nói nên chị Trang bỏ công việc tài chính đang ổn định để đi theo người bạn làm nghề môi giới bất động sản.
Cuối năm 2020, chị Trang bắt đầu theo bạn bè, anh chị để dấn thân vào nghề này. Cũng như bao người mới vào nghề khác, chị ôm hy vọng có mức thu nhập khủng để đổi đời.
Sau gần 2 tháng đầu tiên, nhờ sự giúp đỡ từ bạn bè và đồng nghiệp, chị Trang đã có giao dịch đầu tiên và số tiền hoa hồng được nhận là gần 25 triệu đồng.
Tuy nhiên, ngày vui chẳng được bao lâu, thị trường bất động sản ảnh hưởng do dịch. Kể từ lúc có giao dịch đầu tiên đến nay, gần như chị Trang không có thêm giao dịch nào.
Thực tế thống kê của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, đợt dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay kéo dài và diễn biến biến phức tạp hơn, các sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi hoàn toàn lại tiếp tục tạm ngừng hoạt động.
Bộ Xây dựng cho biết, tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án mới tiếp tục duy trì được hoạt động. Còn lại khoảng 80% các sàn giao dịch bất động sản làm trung gian môi giới thì hầu như phải tạm dừng hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - CEO Đại Phúc Land cho biết, trong nhóm các doanh nghiệp môi giới, 60 - 70% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động dựa trên sản phẩm của chủ đầu tư. Theo đó, nếu khó khăn thì họ có thể gồng được một thời gian ngắn nhưng dài hạn là không thể.
Nên tìm hướng mới
Rất nhiều người trẻ khi mới bước chân vào nghề môi giới bất động sản, đem theo nhiều ước mơ, hoài bão lớn. Tuy nhiên, khi gặp khó khăn họ cảm thấy hoàn toàn sụp đổ với những hy vọng.
Trước tình cảnh này, các chuyên gia trong ngành khuyến cáo môi giới cần phải hết sức tỉnh táo ngay thời điểm này, bởi nếu không có cách xoay chuyển tình thế một cách tốt nhất thì môi giới rất dễ rơi vào vòng xoáy nợ nần, thậm chí càng lún sâu hơn khi dịch qua đi.
Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định thị trường bất động sản đang vô cùng khó khăn. Các chỉ thị về giãn cách, không tập trung đông người khiến các sự kiện mở bán, giới thiệu sản phẩm không tổ chức được. Do đó, nhiều sàn rơi vào tình cảnh không có hàng để bán. Đã có những sàn bị phá sản vì không chống đỡ được COVID-19.
Theo các chuyên gia, môi giới cần phải tự chuẩn bị một công việc có thể mang lại nguồn thu nhập cố định khác. Không thể xem việc làm tại nhà chỉ là tạm bợ, qua loa, rồi chờ dịch qua thì sẽ mất dần hiệu quả.
Nguồn Báo Lao Động
0 comments:
Đăng nhận xét