Hiệu ứng "Louis" giúp một loạt cổ phiếu, từ mức giá khởi điểm chỉ ngang cốc trà đá, mớ rau, vọt lên trở thành hiện tượng của sàn chứng khoán.
"Louis" không phải một thuật ngữ trong lĩnh vực chứng khoán. Cụm từ này đơn thuần là tiền tố xuất hiện trong tên một loạt doanh nghiệp, được đổi lại sau những thương vụ M&A liên quan tới Công ty cổ phần Louis Holdings (tên cũ là Công ty cổ phần Tập đoàn Louis Rice) - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản.
M&A là hoạt động thông thường trên sàn chứng khoán, nhưng điểm đặc biệt với các thương vụ liên quan tới Louis Holdings là cổ phiếu các doanh nghiệp bị thâu tóm đều tăng phi mã. Dù trước đó, những mã này thuộc nhóm penny, thị giá chỉ ngang cốc trà đá, mớ rau. Công ty cổ phần Louis Land (BII) và Công ty cổ phần Louis Capital (TGG) là ví dụ.
TGG có tên cũ là Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Trường Giang, hoạt động chính là thi công, xây lắp các công trình xây dựng. Còn BII tên ban đầu là Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp Bảo Thư, kinh doanh bất động sản khu công nghiệp. Cuối năm 2020, thị giá TGG trên sàn chứng khoán chỉ loanh quanh vùng 1.200-1.400 đồng, trong khi BII cũng không khá hơn, giao dịch ở ngưỡng 2.000-3.000 đồng.
Tuy nhiên, sự thay đổi đã diễn ra khi ông Đỗ Thành Nhân và nhóm cổ đông liên quan tới Louis Holdings xuất hiện tại những doanh nghiệp này. Chỉ trong nửa đầu năm, TGG trở lại mệnh giá còn BII tăng gấp ba lần. Nhưng con số này chưa là gì nếu so với thay đổi giá các mã này trong ba tháng gần đây.
TGG trở thành cổ phiếu tăng ấn lượng nhất HoSE khi vọt từ vùng giá 10.000 đồng lên hơn 60.000 đồng bằng một chuỗi phiên tăng trần liên tiếp, BII cũng tương tự, tăng lên mức đỉnh hơn 31.000 đồng trước khi điều chỉnh. Tính chung từ đầu năm, thị giá TGG đã tăng hơn 50 lần, còn BII tăng hơn 10 lần.
Ngoài TGG và BII, những công ty niêm yết khác có "bóng dáng" Louis Holdings xuất hiện, như AGM, APG, DDV hay SMT cũng ghi nhận những phiên tăng kịch trần liên tiếp. Mức tăng phổ biến trên 100%, vượt xa các mã khác trên thị trường.
Các mã liên quan đến các thương vụ M&A của Louis Holdings và ông Đỗ Thành Nhân đều tăng vọt trong thời gian ngắn. Ảnh: Trading View
Tuy nhiên, đà tăng giá phi mã của những cổ phiếu này, theo giới phân tích, chủ yếu đến từ dòng tiền đầu cơ khi nhà đầu tư kỳ vọng vào sự lặp lại của chuỗi phiên tăng giá liên tục. Trong khi đó, sự thay đổi trong nội tại doanh nghiệp hiện mới dừng ở sự xuất hiện của những cổ đông mới và những kỳ vọng trong tương lai.
Như trường hợp Louis Capital (TGG), từ một công ty thuần về xây lắp, TGG đổi tên, đổi định hướng sang tư vấn, đầu tư M&A. Báo cáo tài chính nửa đầu năm nay của doanh nghiệp này cũng ghi nhận lãi ròng đột biến hơn 42 tỷ đồng, bù đắp phần lỗ lũy kế phát sinh nhiều năm trước. Tuy nhiên, sự thay đổi vẫn chưa phản ánh vào kết quả kinh doanh khi con số lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh chính mà do công ty hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, báo cáo quản trị trong nửa đầu năm của TGG nêu ra hàng loạt vấn đề về giao dịch với người nội bộ. Trong đó, Ban kiểm soát cho biết, riêng quý II, tổng giá trị giao dịch liên quan đến việc thoái các khoản đầu tư của TGG qua hình thức chuyển nhượng cho đối tác bên ngoài, chủ yếu là người liên quan đến lãnh đạo công ty, đã vượt quá 35% tổng tài sản. Các giao dịch này có giá trị trọng yếu nhưng không được Đại hội đồng cổ đông thông qua, theo Ban kiểm soát TGG, là vi phạm Luật Doanh nghiệp 2020.
Đồng thời, Ban kiểm soát công ty cũng lưu ý về việc phân nhỏ các giao dịch nhằm tránh sự kiểm soát. "Hành vi phân nhỏ các giao dịch nhằm tránh sự kiểm soát là hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của các cổ đông", báo cáo nêu.
Với Louis Land (BII), một kết quả tương tự xuất hiện trong báo cáo kết quả kinh doanh, lợi nhuận doanh nghiệp này trong nửa đầu năm tăng vọt, nhưng chủ yếu đến từ doanh thu tài chính, ghi nhận lãi từ thanh lý công ty con.
Diễn biến giá các cổ phiếu liên quan tới "hệ sinh thái Louis" cuối phiên sáng nay (17/9). Ảnh: Minh Sơn
"Đà tăng phi mã của cổ phiếu sẽ khó bền vững nếu những con số này đến từ dòng tiền đầu cơ thay vì những thay đổi trong nội tại doanh nghiệp", trưởng phòng tư vấn đầu tư một công ty chứng khoán tại Hà Nội nhận xét. Vị này cho rằng, dòng tiền có thể đổ vào các mã này rất nhanh với kỳ vọng "đu sóng" ngắn hạn, nhưng khi có dấu hiệu đảo chiều, áp lực bán ra cũng sẽ rất lớn.
Thực tế, trong phiên hôm qua (16/9), sự phân hóa đã xuất hiện trong "hệ sinh thái Louis". Trong khi TGG, SMT tiếp tục tăng trần, những mã khác như BII, APG, DDV hay AGM đều giảm sâu trước áp lực bán của nhà đầu tư.
Cuối phiên giao dịch hôm qua, lãnh đạo TGG đã có văn bản gửi Ủy ban chứng khoán, khẳng định công ty không thực hiện bất kỳ hành động nào tác động đến giá cổ phiếu các doanh nghiệp liên quan.
"Louis Capital chưa từng và sẽ không bao giờ thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán", văn bản từ Louis Capital viết.
Sáng nay (17/9), các cổ phiếu "họ Louis" tiếp tục biến động mạnh. Đầu giờ, các mã này đồng loạt giảm sàn với tình trạng "trắng bảng bên mua", dư bán giá sàn từ 500.000 đến hơn 3 triệu cổ phiếu. Đến gần cuối phiên sáng, TGG trở lại sắc xanh nhưng các thành viên khác vẫn chìm sâu dưới tham chiếu.
Nguồn VNEXPRESS
0 comments:
Đăng nhận xét