Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết ngân sách rất khó khăn, ngân sách trung ương "gần như không còn đồng nào", giờ chỉ chờ vào tiết kiệm chi khoảng 14.620 tỉ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho điều chuyển sang để chi.
Nhiều hộ kinh doanh tại TP.HCM vẫn đóng cửa do COVID-19 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ngân sách gần như cạn
Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay ngân sách rất khó khăn, ngân sách trung ương "gần như không còn đồng nào".
Theo ông Phớc, hàng chục ngàn chiến sĩ, công an đang phòng chống dịch phía Nam đặc biệt tại Bình Dương, Đồng Nai nhưng không còn ngân sách hỗ trợ, giờ chỉ chờ vào tiết kiệm chi, và khoảng 14.620 tỉ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh dự toán thì mới chi được.
Trình bày nội dung dự thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết nội dung nghị quyết tiếp tục thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm thuế nhập khẩu với nhiều nhóm mặt hàng; giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện thêm 4 nhóm chính sách hỗ trợ DN, người dân. Đó là giảm 30% số thuế TNDN năm 2021, miễn thuế quý 3 và 4-2021 đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Dự kiến sẽ có khoảng 1,4 triệu hộ, cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ này.
Bên cạnh đó, giảm 30% thuế GTGT cho các DN, tổ chức từ tháng 9 đến tháng 12-2021, qua đó giảm số tiền mà người mua phải thanh toán. Miễn tiền phạt chậm nộp thuế, phí; Chính phủ đề xuất miễn tiền chậm nộp phát sinh năm 2020 và năm 2021 đối với DN, tổ chức bị lỗ năm 2020.
Hỗ trợ DN không có doanh thu, thua lỗ
Cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị Chính phủ điều chỉnh chính sách hỗ trợ giảm thuế TNDN. Đồng thời cần rà soát, loại trừ lĩnh vực có tăng trưởng trong điều kiện dịch bệnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng nên có chính sách hỗ trợ thêm cho các DN không có thu nhập chịu thuế, chính họ mới là người khó khăn nhất. Với DN không có lãi, cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ để họ tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Vũ Hồng Thanh, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, lưu ý: ban soạn thảo cần làm rõ chính sách hỗ trợ thuế GTGT, đây là thuế gián thu. Nhưng nền kinh tế của chúng ta hiện chưa sử dụng nhiều hóa đơn, rất nhiều mặt hàng hộ kinh doanh không sử dụng hóa đơn. Chính sách hỗ trợ này khó đến tay người tiêu dùng.
Hỗ trợ lãi suất, giảm 1% cần 30.000 tỉ
"Lợi nhuận của khối ngân hàng hiện rất cao, tổ chức tín dụng lãi tăng nhưng các DN lại rất khó khăn, vậy việc giảm lãi suất ngân hàng có khó khăn hay không?" - ông Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng nên có gói hỗ trợ lãi suất, bởi nếu ngân sách bỏ ra 2.400 tỉ đồng hỗ trợ DN ở mức lãi suất 4% thì có thể huy động tới 60.000 tỉ đồng vào nền kinh tế.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú lý giải rằng quy mô tín dụng hiện nay rất lớn. Nếu chỉ hỗ trợ lãi suất cho khu vực DN chịu ảnh hưởng bởi dịch thì quy mô dư nợ khoảng 4 triệu tỉ đồng, còn khu vực DN ảnh hưởng đến mức khó khăn khoảng 3 triệu tỉ đồng. Nếu hỗ trợ khoảng 1% thì khoản hỗ trợ tương đương 30.000 tỉ đồng.
Nhu cầu hiện nay của nền kinh tế rất lớn, nguồn lực có hạn nên chọn đối tượng cần để hỗ trợ, chẳng hạn như hỗ trợ sản xuất lương thực tại đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ sản xuất trong nông nghiệp.
Giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay ngân sách rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn. Hàng chục ngàn chiến sĩ, công an đang phòng chống dịch ở phía Nam, đặc biệt tại Bình Dương và Đồng Nai, nhưng không còn ngân sách hỗ trợ.
Giờ chỉ chờ vào tiết kiệm chi, và khoảng 14.620 tỉ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh dự toán thì mới chi được.
Không để yếu kém cản trở thực thi chính sách hỗ trợ
Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi nói tới vấn đề bóc tách đối tượng cần hỗ trợ, bổ sung thêm gói hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ DN không có doanh thu, thua lỗ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc hỗ trợ dựa trên chi phí thay vì dựa trên số thuế phải nộp. Trước hết là hỗ trợ chi phí lao động, hỗ trợ chi phí đầu vào.
"Nhà nước không mất đồng xu nào cả, chẳng qua là dồn thuế vào kỳ sau khi kinh tế phục hồi lên thì thu. Đây là sự san sẻ" - ông Vương Đình Huệ khẳng định. Chính sách này không chỉ nghiên cứu đề xuất cho năm 2021 mà còn cho cả 2022 nữa.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát xem chính sách tín dụng, lãi suất hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực bị tác động lớn nhưng chưa nằm trong diện ưu tiên. Ví dụ hàng không, nhiều hãng hàng không chưa nhận được hỗ trợ. Cần xem lại chính sách hỗ trợ có chọn lọc, có mục tiêu, tiếp tục giảm lãi suất cho một số lĩnh vực.
Về việc bóc tách đối tượng hỗ trợ, nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Tổng cục Thuế có dữ liệu từng ngày, từng giờ mà nói không tách bóc được thì không biết có đúng không? Nếu hỗ trợ tất cả thì có những vùng, ngành không bị ảnh hưởng do COVID-19.
Chẳng hạn như sản xuất khẩu trang, thiết bị vật tư y tế doanh thu hay kinh doanh trực tuyến cũng không ảnh hưởng vì COVID-19.
Theo ông, với nguồn lực có hạn, nếu hỗ trợ không thể dàn đều. Ví dụ hộ kinh doanh TP.HCM từ đầu năm đến nay chịu trận hết, Hà Nội cơ bản cũng vậy, nhưng một số tỉnh khác lại không bị ảnh hưởng. Cần bóc tách đối tượng hỗ trợ, để có thể hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Nguồn TTO - link tại đây
0 comments:
Đăng nhận xét