14 thg 9, 2021

Nhiều người rất buồn khi nghe TPHCM tiếp tục giãn cách

Gửi các câu hỏi đến Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình, Phó Cục trường Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Quang Tự Do chia sẻ nhiều người dân rất buồn khi biết tin TPHCM tiếp tục giãn cách sau ngày 15/9.


Từ 20 giờ tối 13/9, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức chương trình livestream (tường thuật trực tuyến) “Dân hỏi? Thành phố trả lời” trao đổi về kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế của TPHCM sau ngày 15/9.

Người trực tiếp đăng đàn trả lời thắc mắc của người dân là Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình.

Tham gia chương trình còn có Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Quang Tự Do, MC Quyền Linh.


Từ 16/9, shipper ở TPHCM được hoạt động liên quận

Trả lời thắc mắc của một số người dân về nới lỏng giãn cách và lộ trình 3 giai đoạn khôi phục kinh tế thành phố đã “chốt” chưa? Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cho biết Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM đã báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. “Chiều mai thành phố sẽ tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM. Tại hội nghị này, Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM sẽ báo cáo, trên cơ sở đó Thành ủy TPHCM sẽ có Nghị quyết thông qua”, ông Bình cho hay.

Theo Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình, từ ngày 16 đến 30/9, thành phố sẽ tiến hành thử nghiệm trang thái bình thường mới và chuẩn bị thí điểm ở 3 địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch gồm: quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ.

Về hoạt động của các shipper, lãnh đạo UBND TPHCM cho biết thành phố đã có nhiều điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong quá trình điều chỉnh, thành phố đã báo cáo xin ý kiến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam...

“Từ ngày 16 đến 30/9, các shipper tại thành phố sẽ được lưu thông liên quận với điều kiện phải đảm bảo an toàn về phòng chống dịch. TPHCM sẽ tiếp tục hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho các shipper”, ông Bình khẳng định.

Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình cho biết kế hoạch từng bước khôi phục lại các hoạt động kinh tế trong trạng thái “bình thường mới” đã được thành phố xem xét và cân nhắc rất kỹ trên cơ sở thuận tiện hơn cho người dân và đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Mới đây nhất, ông Lê Hòa Bình đã ký ban hành văn bản về Tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, TPHCM cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ sáng đến 18 giờ hằng ngày theo hình thức bán hàng mang đi.

Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Các cơ sở này phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện, TP Thủ Đức để được cấp giấy đi đường theo công văn 2800; phải đảm bảo điều kiện người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin COVID-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người.

Cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; đội ngũ shipper hoạt động trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hằng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.

UBND TPHCM giao Chủ tịch UBND quận 7 và UBND huyện Củ Chi căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện cho phép người dân có thể đi chợ 1 tuần/ lần.

Ông Lê Quang Tự Do


Nhiều người rất buồn khi nghe TPHCM tiếp tục giãn cách

Ông Lê Quang Tự do đã trích đọc một số nội dung ý kiến người dân gửi đến lãnh đạo UBND TPHCM: “Tôi nghe lãnh đạo thành phố hứa cố gắng kiểm soát dịch đến ngày 15/9. Người dân đã gặp rất nhiều khó khăn, nếu tiếp tục giãn cách đến cuối tháng 9 thì liệu có chịu nổi không…

“Đến ngày 30/9, nếu thành phố tiếp tục không kiểm soát được dịch bệnh thì có kéo dài thời gian giãn cách không?”…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình chia sẻ những tâm tư của người dân cũng là trăn trở của lãnh đạo thành phố, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông Lê Hòa Bình, Nghị quyết 86 của Chính phủ yêu cầu TPHCM phấn đấu đến ngày 15/9 phải cơ bản kiểm soát được dịch. “Với nỗ lực của hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của Trung ương, các tỉnh, thành bạn và các lực lượng quân đội, công an, tình nguyện viên, TPHCM đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác kiểm soát dịch. Sau ngày 15/9 thành phố cần đánh giá lại các tiêu chí về kiểm soát dịch, trong đó có những nội dung phải xem xét và điều chỉnh”, ông Bình cho hay.

Phó chủ tịch Lê Hòa Bình nói, là một người con của TPHCM, cá nhân ông thấu hiểu và chia sẻ với tất cả những hy sinh, mất mát, kể cả về tính mạng của những người dân chẳng may mắc COVID-19.

Lãnh đạo TPHCM cũng không muốn tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách nên mọi biện pháp, sự chuẩn bị với 3 quận huyện đã công bố kiểm soát dịch là quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ sẽ là cơ sở quan trọng để cân nhắc các bước đi của thành phố đã an toàn chưa sau ngày 15/9 để có những những chính sách và biện pháp phù hợp.

“Mọi bước đi của TPHCM đều hướng tới mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng của người dân, sau đó là khôi phục và phát triển kinh tế. Với tất cả nỗ lực cùng kết quả đã đạt được, chúng tôi có niềm tin là sẽ kiểm soát được dịch và tái thiết lại kinh tế của TPHCM", ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình, TPHCM có 11 kế hoạch và chiến lược về phòng chống dịch và khôi phục kinh tế, trong đó có hai trụ cột quan trọng là kiểm soát dịch và vắc-xin. Công tác điều trị cũng đã có những điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tế. Ông cũng khẳng định các chuyên gia đã xác định mục tiêu "zero COVID-19" là không thể thực hiện được. Vì vậy, sau ngày 15/9, TPHCM sẽ lên kế hoạch thực hiện trạng thái “bình thường mới”, đó là vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.

"Chúng ta phải thay đổi phương thức sinh hoạt, sản xuất. Từ trực tiếp chuyển sang trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo kết nối cung cầu", ông Bình cho hay.

Trả lời câu hỏi về việc TPHCM có cho phép người dân về quê, Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình mong người dân chia sẻ khó khăn của thành phố, tuân thủ nguyên tắc chống dịch "ai ở đâu ở đó", đảm bảo dịch bệnh không lây lan, đe dọa tính mạng người dân

Lãnh đạo UBND TPHCM khẳng định thành phố sẵn sàng hỗ trợ người dân có nhu cầu về quê. Tuy nhiên Thành phố phải giữ nguyên tắc có người đưa đi thì phải có người đón về. Chỉ cần địa phương của người dân xác nhận đón người hồi hương thì TPHCM sẽ hỗ trợ để bà con hồi hương. Nếu không có người đưa đi và đón về thì người dân sẽ không được qua các chốt kiểm soát.

“Là thành phố nghĩa tình, TPHCM không phân biệt người dân là diện thường trú hay di trú, là người làm ăn sinh sống... Bằng những gì tốt nhất có thể, thành phố sẽ nỗ lực hỗ trợ người khó khăn trong thời gian đang giãn cách”, ông Bình cam kết.

Thành phố Thủ Đức trao các gói an sinh gồm lương thực và nhu yếu phẩm hỗ trợ người nghèo đang gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội


Lãnh đạo UBND TPHCM: ‘Đã buồn, đã rơi nước mắt nhiều…

Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình nhấn mạnh: Lãnh đạo thành phố cam kết xem tính mạng người dân là trên hết. Thành phố đánh giá an toàn đến đâu, mở cửa đến đó. Xin bà con hãy thêm nỗ lực, cố gắng, mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để cùng chính quyền thành phố vượt qua khó khăn trong thời gian tới.

Về chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch, ông Lê Hòa Bình thừa nhận thành phố không lường trước được việc tiếp tục kéo dài sau ngày 15/9.

Cụ thể, TPHCM đặt mục tiêu cố gắng chi trả hết gói thứ 2 chậm nhất đến mốc 16/9. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thành phố chưa đạt mục tiêu nói trên và đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ chi trả trong thời gian sớm nhất.

Vừa qua, việc trao tiền hỗ trợ gặp khó khăn nhất tại các huyện, xã, thị trấn. Theo Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình, UBND TPHCM rất muốn trao tiền hỗ trợ nhanh nhất qua tài khoản người dân nhưng nhiều người chưa có tài khoản. Các địa phương phải chuyển tiền theo 2 phương thức trao tận tay và cả chuyển khoản.

Về gói hỗ trợ thứ 3, nhóm đối tượng thụ hưởng là tất cả người khó khăn, không phân biệt tạm trú hay thường trú, lao động mất việc, người phụ thuộc. Gói này, TPHCM hỗ trợ theo đầu người (thay vì tính theo hộ như 2 gói đầu – PV). Nguồn chi trả gói thứ 3 cân đối từ ngân sách TPHCM và đề nghị Trung ương hỗ trợ.

“Sau khi được Ban Chấp hành Đảng bộ thông qua, UBND TPHCM sẽ chi trả cho người dân trong thời gian sớm nhất”, ông Bình cam kết và cho biết ngoài tiền hỗ trợ, TPHCM sẽ tiếp tục duy trì 2 triệu gói an sinh để hỗ trợ người dân.

Về khôi phục các hoạt động kinh tế, lãnh đạo UBND TPHCM cho biết thành phố sẽ xây dựng bộ 8 tiêu chí của 8 ngành là công thương, du lịch, y tế, giáo dục, xây dựng, lao động, thương binh, xã hội.

Bộ tiêu chí này sẽ hoàn thành trước 16/9 và sẽ triển khai thí điểm đến ngày 30/9 ở địa phương đã công bố kiểm soát dịch, có thể mở rộng thêm ở khu chế xuất Tân Thuận và khu công nghệ cao. Trong thời gian thí điểm, nơi nào đảm bảo an toàn thì thành phố sẽ tiếp tục tạo điều kiện mở cửa.

“Nếu các doanh nghiệp đảm bảo các tiêu chí đó thì sẽ được đánh giá là sản xuất an toàn. Đồng thời, các doanh nghiệp phải duy trì phương thức sản xuất được TPHCM đang vận hành là: “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến”, “4 xanh…”, ông Bình cho hay.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình cũng cho hay sau ngày 30/9, các công trình giao thông trọng điểm, công trình đầu tư công, xây dựng nhà ở…tại TPHCM sẽ được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo đúng bộ tiêu chí về an toàn đã được thành phố xây dựng và sẽ ban hành.

Nguồn TPO

0 comments:

Đăng nhận xét