17 thg 9, 2021

Thí điểm đi lại, mua bán ở vùng xanh: Dân dè dặt, kiểm soát vẫn chặt

Ngày 16-9, ngày đầu tiên TP.HCM thí điểm thẻ xanh COVID-19 tại quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ, các khu chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn TP, người dân đi lại đông hơn và các chốt kiểm soát cũng kiểm tra kỹ hơn.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Giao (quận 7, TP.HCM) ra đường đến ngân hàng rút tiền trình chứng nhận đã tiêm 2 mũi vắc xin để cán bộ trực chốt kiểm tra - Ảnh: LÊ PHAN

Tuy vậy, các hoạt động giao thương, đi lại còn khá dè dặt, mang tính chất thăm dò...


Chưa nới lỏng ngay

Ghi nhận tại các tuyến đường Nguyễn Thị Thập, Huỳnh Tấn Phát... của quận 7 trong ngày 16-9 mật độ giao thông đông hơn những ngày trước. Các chốt kiểm soát vẫn được duy trì để kiểm tra kỹ việc đi lại. Tại chốt kiểm tra trên đường Nguyễn Thị Thập giao đường số 38 (phường Tân Quy), cán bộ trực chốt hướng dẫn người dân đường này chỉ được đi từ trong ra, người dân muốn từ đường Nguyễn Thị Thập vào phải đi bằng một tuyến đường khác.

Thượng úy Huỳnh Trọng Nhân, thuộc PC06 tăng cường cho quận 7, cho biết có hai trường hợp. Đối với người dân được cấp giấy đi đường sẽ kiểm tra giấy đi đường và quét mã khai báo di chuyển nội địa. Đối với người dân có thẻ xanh vắc xin (tức đã được tiêm 2 mũi) sẽ quét mã QR trên phần thông tin tiêm chủng và kiểm tra thêm khai báo di chuyển nội địa.

"Chúng tôi phải giải thích cho người dân rõ đây là thời gian thí điểm và chỉ được ra ngoài khi cần thiết. Đối với bà con ra ngoài để đi chợ thì chúng tôi giải thích hiện nay phải có phiếu đi chợ mới tự đi mua hàng được. Và khi được cấp phiếu đi chợ chỉ được đi 1 lần/tuần chứ không được đi lại tự do như chưa có dịch.

Riêng với các trường hợp có thẻ xanh và đi mua thuốc, đi ngân hàng, mua sách giáo khoa... sau khi kiểm tra hai thông tin tiêm chủng và khai báo di chuyển nội địa sẽ được qua chốt. Đối với lực lượng shipper sẽ được tạo điều kiện di chuyển giao hàng" - thượng úy Nhân nói thêm.

Còn ông Nguyễn Hùng Tín - chủ tịch UBND phường Tân Thuận Đông, quận 7 - cho biết cơ bản phường vẫn duy trì giãn cách theo chỉ thị 16. Về vấn đề kiểm tra thẻ xanh COVID-19, sáng 16-9 quận đã họp bàn để có các phương án cụ thể. Với các trường hợp kinh doanh buôn bán sẽ đăng ký tại quận. Từ đó, phường tổ chức kiểm tra xem điểm đăng ký đã đạt chuẩn chưa mới cho phép hoạt động.

"Quận cơ bản đã chuẩn bị hết, chủ trương cũng có nhưng các phương án TP phải duyệt mới triển khai. Đối với thẻ xanh đang chờ quận có mẫu biểu để các phường làm cho thống nhất. Người dân muốn đi ra đường phải nằm ở vùng xanh, vùng đỏ dù tiêm hai mũi cũng không được đi" - ông Tín giải thích.

Tương tự, theo quy định, ngoài một số hoạt động sản xuất kinh doanh, người dân tại các vùng xanh cũng được ra các công viên nội bộ khu dân cư để tập thể dục. Tuy nhiên ghi nhận ngày đầu khá im ắng. Một vài công viên vẫn đang trong tình trạng "đóng cửa", có nơi rào chắn, dây giăng kín mít.

Tại nội khu một chung cư ở phường Phú Hữu, TP Thủ Đức, dù chung cư không có ca nhiễm tuy nhiên phần công viên, hồ bơi, khu sinh hoạt chung vẫn chưa được cho hoạt động. Bảo vệ tại đây vẫn túc trực nhắc nhở người dân sau khi mua hàng cần thiết tại các cửa hàng tiện ích hoặc nhận hàng từ lực lượng shipper thì trở lại căn hộ của mình, không được đi lại tụ tập dưới công viên.

Chị Nguyễn Thị Duy Ngân cho biết bản thân chị thấy "dễ thở" hơn sau thời gian dài thực hiện giãn cách. Ngày đầu tiên quận 7 thí điểm thẻ xanh COVD-19 có vài người ra đường mua một số thứ cần thiết nhưng không nhiều. Đầu đường vẫn có công an trực chốt nên mọi người cũng e dè. Chị Ngân cho biết thêm hàng quán cũng hạn chế nên dù được đi ra đường cũng chẳng biết đi đâu, trừ khi ai có việc thật sự cần thì mới đi. "Tôi nghĩ những ai đủ điều kiện (đã tiêm 2 mũi, F0 khỏi bệnh) thì nên cho đi làm trở lại, dĩ nhiên phải tuân thủ 5K.

Shipper nhận hàng tại quán phở trên đường Bùi Bằng Đoàn, quận 7, TP.HCM, để đi giao cho khách sáng 15-9 Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tiến tới quán ăn ngoài trời 1 bàn 1 người

Ông Trần Chí Dũng, phó bí thư thường trực Quận ủy quận 7, cho biết thêm quận hiện được thí điểm mở lại một số loại hình sản xuất kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, qua khảo sát quận cho phép 151 doanh nghiệp và hộ kinh doanh hoạt động trở lại ở 12 lĩnh vực với những điều kiện cơ bản là người lao động đã được tiêm 2 mũi vắc xin, cơ sở có phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" và phải có phương án phòng chống dịch, có xét nghiệm định kỳ 5 ngày/lần...

Sau đó, 5-7 ngày quận sẽ có đánh giá lại đối với 151 cơ sở kinh doanh này, nếu bảo đảm điều kiện sẽ tiếp tục mở rộng dần ra. Các cơ sở khác muốn đăng ký mở cửa sản xuất kinh doanh lại thì truy cập website quận 7, gửi yêu cầu đăng ký, quận sẽ thẩm định điều kiện hoạt động. Quan điểm của quận 7 là an toàn tới đâu sẽ mở tới đó.

Đối với các hàng quán ăn uống trước mắt chỉ cho bán mang đi. Dự kiến lộ trình về sau có thể cho bán ăn tại chỗ mỗi người một bàn ngoài trời. Quận 7 sẽ hỗ trợ tối đa cho các cơ sở sản xuất hoạt động trở lại trên cơ sở đảm bảo chỉ thị 16. Hiện nay quận 7 đang thẩm định và hỗ trợ xét nghiệm cho nhân viên, người lao động của các quán ăn, cửa hàng. Người dân quận 7 sẽ được phát phiếu đi chợ mỗi tuần một lần. Người đi chợ là người đã chích ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa COVID-19.

Ông Trần Chí Dũng cho rằng trong 3 địa phương được thí điểm "mở cửa" thì quận 7 là quận đô thị hoàn toàn, có những cung đường lớn tiếp nối với nhiều quận huyện khác, có nhiều hẻm nhỏ dân cư đông, có đến 92.000 người thuê trọ nên có những khó khăn nhất định. Kế hoạch thí điểm của quận 7 bám sát các tiêu chí, yêu cầu của các bộ ngành và cần bảo đảm chặt chẽ, thận trọng.


Củ Chi dần mở cửa

Theo ông Nguyễn Quyết Thắng - bí thư Huyện ủy Củ Chi, đối với các khu vực đã kiểm soát được dịch, UBND các xã, thị trấn xác định các lĩnh vực, đối tượng cụ thể để cho phép hoạt động trở lại. Các khu vực có nguy cơ cao tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách theo chỉ thị 16.

Hiện huyện Củ Chi thành lập các tổ công tác thẩm định để khẩn trương kiểm tra, rà soát về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp, các loại hình kinh doanh trên địa bàn. Cụ thể, huyện sẽ thẩm định doanh nghiệp trên 1.000 lao động và xã, phường, thị trấn thẩm định doanh nghiệp dưới 1.000 lao động. Qua rà soát, chỉ những loại hình đủ điều kiện phòng chống dịch mới được phép hoạt động từ 16-9.

Bên cạnh đó, huyện cũng phân loại các ngành nghề, đơn vị theo các tiêu chí an toàn; triển khai sử dụng thẻ xanh COVID cho người dân. Tùy theo mức độ kiểm soát dịch, những người có thẻ xanh COVID được phép tham gia sản xuất và được tới các công viên tại "vùng xanh" để tập thể dục nâng cao sức khỏe.

Về phát triển du lịch, theo kế hoạch đề ra, huyện Củ Chi cũng xây dựng kế hoạch mở lại các tour du lịch, đặc biệt là giới thiệu về Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi và Khu di tích lịch sử địa đạo Bến Đình...

THẢO LÊ


Cần Giờ sẵn sàng đón khách du lịch

Ông Nguyễn Văn Hồng, chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết hiện người dân đã được đi chợ mỗi tuần/lần, đó là người đã qua 14 ngày kể từ khi tiêm mũi 2 vắc xin phòng COVID-19. Các hàng quán trên địa bàn huyện được mở cửa bán để mang đi. Huyện cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân được đánh bắt thủy hải sản, cho hoạt động lại các dịch vụ nuôi trồng, chế biến thủy hải sản...

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết huyện giao quyền cho chủ tịch UBND các xã và thị trấn đánh giá, xem xét việc mở lại các công viên. Đặc biệt từ ngày 16 đến 30-9, huyện thí điểm tuyến du lịch khép kín: khách du lịch đến các điểm du lịch, tham quan, nghỉ ngơi và về trong ngày. Những người phục vụ trong khu du lịch phải đủ điều kiện tiêm vắc xin 2 mũi, xét nghiệm âm tính trong 72 giờ. Khách du lịch cũng là người đã tiêm 2 mũi vắc xin, có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Nếu thí điểm thành công, an toàn, sau ngày 30-9 Cần Giờ sẽ mở thêm du lịch lưu trú qua đêm...

NGỌC HÀ

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét