29 thg 9, 2021

Tổng cục Thống kê: GDP quý 3 giảm 6,17%

GDP quý 3 năm nay giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi nước ta tính và công bố GDP quý từ năm 2000 đến nay.

GDP quý 3 năm 2021 giảm sâu nhất lịch sử thống kê - Ảnh: Đ.T.

Bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết trong cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 3 và 9 tháng năm 2021, do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 29-9 tại Hà Nội.

Trong quý 3 năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%, khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%, khu vực dịch vụ giảm sâu nhất 9,28%.

Tính chung 9 tháng năm 2021, GDP chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân theo bà Nguyễn Thị Hương do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.

Cũng trong 9 tháng của năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản được coi là bệ đỡ của nền kinh tế chỉ tăng trưởng 2,74% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 23,52% vào mức tăng GDP chung toàn nền kinh tế.

Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, khu vực dịch vụ giảm 0,69% trong 9 tháng qua.

Theo bà Hương, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng của một số ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn đã làm giảm tăng trưởng của khu vực dịch vụ và toàn nền kinh tế.

Trong đó bán buôn bán lẻ giảm 3,1%, vận tải kho bãi giảm 7,79%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy dịch COVID-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 9 tháng là 90.300 doanh nghiệp, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. 

Tổng cục Thống kê cũng lưu ý số liệu này có thể chưa phản ánh hết số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên thực tế, bởi trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên các doanh nghiệp không thể làm thủ tục giải thể, rút lui khỏi thị trường.

Theo ông Phạm Đình Thúy, vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, nhiều chuỗi cung ứng sản xuất đã bị đứt gãy do dịch bệnh, đặc biệt tại TP.HCM. "Chưa bao giờ số doanh nghiệp rời bỏ thị trường lớn như vậy. Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp ngày càng cạn kiệt", ông Thúy nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong 9 tháng của năm nay cũng có 85.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

Về xu hướng kinh doanh, Tổng cục Thống kế cho biết phần lớn các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh quý 4, có tới 73,7% doanh nghiệp đánh giá kinh doanh trong quý 4 sẽ ổn định và tốt hơn.

Cũng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tổng số dự án đầu tư FDI vào nước ta tính đến ngày 20-9 giảm 37,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng số vốn đăng ký lại tăng 20,6%. Tổng vốn đăng ký đầu tư FDI vào Việt Nam trong 9 tháng ước đạt 22,15 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy trong tổng số 50,4 triệu người trong độ tuổi lao động, có 2,91% đang thất nghiệp. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị là 3,78%, ở nông thôn là 2,39%.

Tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi 9 tháng qua ước tính khoảng 3,04% tổng số lao động.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét