4 thg 9, 2021

TPHCM giãn cách kéo dài, nhiều nông dân Đà Lạt chấp nhận bỏ đất hoang

Lâu nay, thị trường TP.HCM tiêu thụ hơn 50% sản lượng rau nội địa của Lâm Đồng, số còn lại được bán ở các tỉnh thành khác và trên địa bàn tỉnh. Hiện các loại rau ăn lá rất khó tiêu thụ, phần lớn phải đổ bỏ hoặc hỗ trợ vùng dịch. Vì bị lỗ nặng, thậm chí mất vốn, nhiều hộ đành bỏ đất trống.


Ông Nguyễn Quang Hưng (ngụ phường 7) cho biết gia đình có hơn 1,5ha chuyên trồng các loại rau xà lách lô lô và tần ô. Ba tháng nay đã gieo trồng 2 lần nhưng không bán được hàng, phải cho các nhóm thiện nguyện, tổ chức tôn giáo tới thu hoạch để hỗ trợ người dân vùng giãn cách xã hội. Tính đến nay vợ chồng ông bị thất thu trên 200 triệu đồng.

Nhà vườn cho các nhóm từ thiện thu hoạch rau gửi vùng dịch

Theo chủ cơ sở Thêm Hương (phường 8), doanh nghiệp thường hợp đồng cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm cho hàng chục nông hộ trồng tần ô, xà lách lô lô. Trước đây, mỗi ngày doanh nghiệp tiêu thụ từ 10 - 12 tấn rau các loại, nay do dịch COVID-19 nên giảm xuống chỉ còn 1 - 2 tấn. Toàn bộ diện tích rau tồn đọng, ông cho các nhóm thiện nguyện, nhà thờ, nhà chùa thu hoạch để hỗ trợ vùng dịch. Do lượng rau bán được quá ít ỏi, chỉ trong mấy tháng qua, doanh nghiệp thua lỗ gần 3 tỉ đồng.

Trước tình cảnh rau không tiêu thụ được hoặc bán với giá quá rẻ dẫn đến thua lỗ nặng nề, nhiều nông hộ ở TP.Đà Lạt đành phải cuốc bỏ rau, cày làm phân xanh và để đất trống; đồng thời theo dõi tình hình chống dịch COVID-19 ở TP.HCM đến thời điểm sau 15/9 rồi mới tính tiếp.

Nhà kính trồng rau ngưng sản xuất

Đang cuốc bỏ vườn rau xà lách cô rôn, ông Nguyễn Văn Lợi (phường 8) kể: Với khu vườn rộng 2.500m2 này, vợ chồng ông bỏ ra số vốn 14,5 triệu đồng để mua giống rau, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đó là chưa tính tiền công và điện nước để tưới vườn. Thế nhưng đến nay chỉ bán được 3 triệu đồng, số rau còn lại phải cuốc bỏ. Vì sợ mất vốn, gia đình ông phải chờ xem tình hình chống dịch COVID-19 ở các tỉnh Đông Nam bộ thế nào rồi mới tiếp tục xuống giống.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Khẩn (phường 7) chuyên trồng xà lách lô lô, đã bỏ hoang 3 sào đất suốt 2 tháng qua. Ông Nguyễn Tường Thanh (phường 8) có gần 3 sào tần ô và lô lô, bình thường bán được hơn 30 triệu đồng, nay mới bán được 3 triệu đồng, chưa đủ tiền hạt giống. Hiện ông Thanh đang để đất trống vì lo xuống giống sẽ tiếp tục thua lỗ.

Ông Trần Thiện Chí có 4 sào đất trồng tần ô và lô lô, đã thất thu 2 vụ, hiện chưa biết phải trồng cây gì khi tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Cỏ mọc um tùm trong khu vườn đã lâu không được xuống giống rau.

Trước đó, Lâm Đồng đã khuyến cáo nông dân trồng rau ngắn ngày để cung ứng cho TP.HCM và một số tỉnh thành bị giãn cách xã hội với giá bình ổn, thế nhưng đến khi thu hoạch rau thì nhiều nhà vườn không tiêu thụ được.

Về vấn đề này, một lãnh đạo UBND TP.Đà Lạt cho rằng trong cơ cấu các loại rau, củ, quả được thu mua để chuyển đến vùng dịch chỉ có khoảng 10% là rau ăn lá (bó xôi, tần ô, xà lách…) vì những loại rau này chóng bị úng thối, bầm dập. TP.Đà Lạt đang cử cán bộ chức năng bám sát địa bàn, nắm tình hình sản xuất, đồng thời hỗ trợ thu mua rau cho nông dân. Tuy nhiên, vị này khuyến cáo thời gian tới, nông dân hãy sản xuất những loại rau ngắn ngày nhưng dễ vận chuyển, bảo quản được lâu như khoai, bí, cà rốt, bắp cải, củ cải… để tránh những thiệt hại sau thu hoạch.

Nguồn TPO


0 comments:

Đăng nhận xét