20 thg 9, 2021

TP.HCM mở gói hỗ trợ thứ 3 dành cho hơn 7 triệu người cụ thể ra sao?

Theo đề xuất của Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM, mức hỗ trợ dự kiến cho đợt 3 là 1 triệu đồng/người/lần, chi trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Anh Huỳnh Ngọc Châu (hẻm 80 đường Bãi Sậy, phường 1, quận 6, TP.HCM), làm nghề lái xe bị thất nghiệp 3 tháng nay, vui vẻ được thông báo trao tiền hỗ trợ đợt 3 tận nhà do gia đình đang bị cách ly y tế - Ảnh: TỰ TRUNG

Gói hỗ trợ khó khăn lần 3 được chi cho hơn 7 triệu người tại TP.HCM sẽ không hỗ trợ theo ngành nghề hay hộ gia đình như hai lần trước. Đợt này sẽ hỗ trợ theo nhân khẩu. Những ai thuộc diện nhận được hỗ trợ lần này?


Ai được hỗ trợ đợt 3?

Thống kê sơ bộ từ TP Thủ Đức và các quận huyện, TP có khoảng 2 triệu hộ dân với khoảng 7,1 triệu người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, TP cũng có khoảng 450.000 người đang lưu trú bị mất việc làm, không còn thu nhập gặp khó khăn cần TP hỗ trợ kịp thời.


Cụ thể, đối tượng hỗ trợ đợt 3 dự kiến gồm 4 nhóm:

- Thành viên hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn. 

- Người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang có mặt tại xã, phường, thị trấn (bao gồm cả trường hợp đang cách ly tập trung, điều trị bệnh...). 

- Những người được thụ hưởng gói hỗ trợ lần này có thêm những người phụ thuộc của người lao động hai nhóm nói trên. Cụ thể gồm cha, mẹ, vợ, chồng, con cái ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt tại phường, xã, thị trấn tại thời điểm khảo sát, lập danh sách (bao gồm cả các trường hợp đang cách ly tập trung hoặc điều trị bệnh...). 

- Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian TP thực hiện giãn cách và đang có mặt tại thời điểm khảo sát, lập danh sách.

Trong quá trình thống kê, rà soát sẽ loại trừ các trường hợp đang hưởng lương hưu, người đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và diện doanh nghiệp trả lương tháng 8-2021.


3 bước lập danh sách

Về cách thức lập danh sách, theo hướng dẫn của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, UBND phường, xã, thị trấn sẽ rà soát, lập danh sách người có hoàn cảnh thật sự khó khăn, đủ điều kiện hưởng hỗ trợ gửi về UBND quận, huyện và TP Thủ Đức theo trình tự gồm ba bước.

Bước 1: Từng khu phố/ấp sẽ lập các tổ công tác thực hiện chính sách hỗ trợ. Thành viên tổ gồm cán bộ UBND phường/xã/thị trấn, công an khu vực, khu đội trưởng, trưởng ban điều hành khu phố/ấp... 

Tổ này chịu trách nhiệm rà soát, đối chiếu các tiêu chí để xác định người có hoàn cảnh thực sự khó khăn theo mẫu, tổ chức bình nghị xét duyệt để thống nhất danh sách hỗ trợ. Tổ cũng có nhiệm vụ tiếp nhận ý kiến, giải đáp thắc mắc của người dân, tổ chức công khai danh sách hỗ trợ và thực hiện hỗ trợ cho người dân sau khi được phê duyệt. 

Các trường hợp đã về quê hoặc sinh sống ở nơi khác sẽ không được thống kê.

Bước 2: Danh sách đã được thống nhất sẽ được gửi kèm biên bản họp cho chủ tịch UBND phường/xã/thị trấn, thông qua một hội đồng xét duyệt cấp xã gồm chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ phụ trách lao động, trưởng công an xã, phường đội trưởng, trưởng ban điều hành khu phố/ấp, tổ trưởng tổ dân phố, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. 

Hội đồng này sẽ họp, xét duyệt, chịu trách nhiệm về mặt pháp lý, tính chính xác của người nhận hỗ trợ (có đối chiếu danh sách với cơ quan BHXH để loại trừ các trường hợp đang hưởng lương hưu, đang tham gia BHXH và hưởng lương doanh nghiệp tháng 8-2021). 

Trường hợp không đủ điều kiện nhận hỗ trợ, UBND xã/phường/thị trấn phải ghi rõ vào biên bản và chuyển tổ công tác hỗ trợ trả lời, giải thích cho người dân.

Bước 3: UBND quận, huyện, TP Thủ Đức có trách nhiệm thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn công khai danh sách với cộng đồng dân cư, niêm yết tại trụ sở UBND phường, xã, thị trấn, khu dân cư, tổ dân phố, trang thông tin (nếu có)...


3 đợt chi hỗ trợ khó khăn ở TP.HCM

Đợt 1:

- Người tạm hoãn hợp đồng, không hưởng lương.

- Người lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

- Hộ kinh doanh phải dừng hoạt động, thương nhân các chợ truyền thống.

- Người lao động tự do (có đăng ký tạm trú) thuộc 6 nhóm công việc được quy định tại nghị quyết 09 của HĐND TP.HCM.

Đợt 2:

- Chi theo hộ cho hộ lao động nghèo, cận nghèo (có mã số), hộ lao động khó khăn trong các khu nhà trọ, xóm nghèo...

- Chi cá nhân cho lao động tự do gặp khó khăn.

Đợt 3 (dự kiến) gồm 4 nhóm:

- Thành viên hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội.

- Người lao động mất việc, không có thu nhập trong giãn cách.

- Người phụ thuộc của người lao động hai nhóm trên.

- Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, xóm nghèo.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét