"Không phải ngay sau 30-9, TP sẽ mở cửa ồ ạt tất cả các hoạt động, mà mở cửa từng bước và có lộ trình", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình nói sáng 30-9.
Cuộc họp báo sáng 30-9 - Ảnh: TUYẾT MAI
Họp báo có ông Lê Hải Bình - phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Hòa Bình - phó chủ tịch UBND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê - trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP; ông Phạm Đức Hải - phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM.
Tại cuộc họp, ông Lê Hòa Bình - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đã công bố chỉ thị, theo đó, từ sau ngày 30-9, TP tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến dịch bệnh.
"Không phải ngay sau 30-9, TP sẽ mở cửa ồ ạt tất cả các hoạt động, mà mở cửa từng bước và có lộ trình. Đưa sinh hoạt người dân từng bước về trạng thái bình thường mới nhưng không phải mọi người đồng loạt ra đường", ông Bình nói.
Ông Lê Hòa Bình - phó chủ tịch UBND TP.HCM - công bố chỉ thị - Ảnh: TUYẾT MAI
Phục hồi hoạt động chữa trị các bệnh khác ngoài COVID-19
TP cũng tiếp tục nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, gồm cả các bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh, nghiên cứu thành lập "khoa COVID" tại các bệnh viện chuyên khoa nhiễm và bệnh viện đa khoa. Theo ông Lê Hòa Bình, đây là lúc phục hồi lại các hoạt động để chữa trị cho người dân mắc bệnh khác.
TP sẽ sử dụng các ứng dụng do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19 TP triển khai để cung cấp thông tin dịch tễ cho người dân, quản lý sản xuất, kinh doanh và hoạt động giao thông vận tải.
TP yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn TP phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/.
Đến ngày 15-10, các cơ sở này quét mã QR của toàn bộ người đến liên hệ công tác, giao dịch và sử dụng ứng dụng của TP (hoặc ứng dụng PC-COVID) để kiểm soát và tổ chức hoạt động.
Đồng thời, TP triển khai gói hỗ trợ đợt 3 cho người có hoàn cảnh thật sự khó khăn hiện đang có mặt tại TP, đảm bảo nguyên tắc đúng, đủ đối tượng, không bỏ sót, không trùng lắp. Ban hành chính sách và kêu gọi nguồn lực xã hội hỗ trợ cho người già neo đơn và các trẻ mồ côi do dịch COVID-19.
"Người dân ở lại với TP nhận gói hỗ trợ và tiếp tục tham gia sản xuất để cùng TP xây dựng và phát triển", ông Lê Hòa Bình nói và cho biết TP cũng triển khai các giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện, bồi dưỡng, củng cố lực lượng lao động trở lại sản xuất, kinh doanh, không để thiếu hụt lao động.
"Gần như 100% công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp, đã được ưu tiên tiêm vắc xin và đến nay đã tiêm đủ 2 mũi, nếu các hoạt động trở lại thì người dân sẽ được tiếp cận việc làm".
Quét mã QR hoặc giấy tờ chứng minh để lưu thông, xe cá nhân chỉ đi trong TP
TP cũng yêu cầu người dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc xin (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).
Trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ chứng minh là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày hoặc đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
"Sau 30-9 sẽ không cấp giấy đi đường và dùng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân nhưng phải đảm bảo an toàn", ông Lê Hòa Bình nói.
TP cũng yêu cầu người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, TP khác và không ra khỏi địa bàn TP.HCM. Khi thực sự cần thiết sẽ có hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải.
TP yêu cầu các đơn vị đảm bảo hoạt động lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM với các địa phương được thuận lợi. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi TP. Shipper thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công thương.
Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải và quy định của Bộ Y tế.
"Hiện nay Bộ Giao thông vận tải đã có kế hoạch mở lại các hoạt động vận tải, đường bay. Các hoạt động nếu được sự cho phép của nơi đi và nơi đến vẫn có thể thực hiện được", ông Lê Hòa Bình nói.
Việc lưu thông liên tỉnh của các đối tượng ưu tiên (công vụ, công nhân, chuyên gia, người đi khám chữa bệnh); tổ chức vận chuyển người lao động về TP và các trường hợp cấp thiết theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải.
TP cũng tăng cường kiểm soát lưu thông tại các chốt cửa ngõ giáp ranh với các tỉnh, tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực.
TP vẫn tổ chức các chốt kiểm soát lưu động trong nội thành, không để xảy ra tình trạng tập trung đông người và tránh ùn tắc giao thông tại các chốt kiểm soát. "Sau 30-9 không còn các chốt chặn nhưng vẫn tổ chức các chốt lưu động và tăng cường tuần tra, kiểm soát", phó chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Theo lãnh đạo TP, sau ngày 30-9 không còn các chốt chặn nội thành nhưng vẫn tổ chức các chốt lưu động. Trong ảnh là chốt kiểm soát trên đường Lũy Bán Bích giao Âu Cơ, quận Tân Phú - Ảnh: LÊ PHAN
Về kế hoạch giao thông liên vùng, ông Lê Hòa Bình cho biết TP.HCM đã có bộ tiêu chí gửi cho 5 tỉnh, thành lân cận. Theo đó, người dân đang cư trú ở TP có nhu cầu về quê phải có tổ chức, vừa qua TP đã tổ chức cho 35.000 người về quê.
Việc công nhân, người dân muốn quay lại TP.HCM sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải. Những người này có đơn gửi Sở Giao thông vận tải, sở sẽ có văn bản gửi các tỉnh cho đi qua các chốt.
Phó chủ tịch UBND TP cũng cho biết theo lộ trình mở cửa, trẻ em dưới 18 tuổi hiện nay không học ở trường, mà đang học online nên không cần thiết ra đường, các em cũng chưa được lưu thông bằng xe máy. Ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh "trẻ em là tài sản của quốc gia, hiện nay chưa có vắc xin cho trẻ em nên bà con cô bác không để các em ra đường".
Về chủ trương mở lại chợ truyền thống, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết TP sẽ mở lại chợ truyền thống với điều kiện an toàn. Vừa qua một số chợ đã hoạt động trở lại như ở Cần Giờ, Củ Chi. Sau hôm nay, các quận huyện sẽ có phương án mở lại các chợ.
Ông Lê Hải Bình, phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (bìa trái), lắng nghe Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình trình bày chỉ thị mới - Ảhh: TUYẾT MAI
Cái tết phụ thuộc vào ý thức
Ông Lê Hải Bình, phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhận xét trong gần 1 tiếng phổ biến chỉ thị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã không dưới 5 lần nhấn mạnh "vì người dân".
"Chúng ta đang đi cùng nhân loại để đối mặt với thách thức chưa từng có, biến chủng Delta đang gây ra sự lúng túng cho các quốc gia. Singapore sau hơn 10 ngày nới lỏng giãn cách, tới ngày 28-9 con số người mắc đã lên đến 2.236 người - cao nhất trước đến giờ - nên lại phải siết. Ở Úc là 1.838 người, con số cũng tăng lên đạt đỉnh do đứng trước sức ép phục hồi kinh tế nên phải nới lỏng", ông Lê Hải Bình chia sẻ.
"Để ra được mấy trang chỉ thị là cả quá trình trăn trở của cả Đảng bộ, chính quyền TP. Đặc thù TP là đông dân, dịch vụ, lưu thông nhiều, đã hơn 4 tháng bị ảnh hưởng. Hôm qua đi trên đường tôi thấy người dân đứng ở đầu hẻm nhấp nhổm, kỳ vọng lắm rồi", phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nói.
"Song TP.HCM cũng là một phần của đất nước, làm sao phải phù hợp với tâm lý, suy nghĩ của các tỉnh, thành xung quanh, TP.HCM không phải muốn mở thì mở, muốn đóng thì đóng. Nếu lỏng quá dẫn tới nguy cơ dịch bệnh xuất hiện trở lại, nếu chặt quá thì mất đi cơ hội phát triển kinh tế xã hội, lựa chọn nào cũng có hệ lụy".
Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: "Tất cả chúng ta đều là người dân TP, không chia chiến tuyến mà tất cả cùng một khối. Tinh thần của cuộc chiến của dân tộc ta với đại dịch là thích ứng an toàn, linh hoạt. An toàn tới đâu mở tới đó, sản xuất thì phải an toàn.
Chúng ta có cái tết đủ đầy, rực rỡ hay không là phụ thuộc vào ý thức từ bây giờ của chúng ta. Một người lơ là, một tập thể lơ là thì rất có thể sẽ đóng lại, mà 4 tháng nữa là tết. Chúng ta vẫn theo tinh thần rất cần thiết mới ra đường".
Các hoạt động được phép từ 1-10:
- Đơn vị nhà nước được hoạt động trở lại, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quyết định số lượng lao động đảm bảo an toàn phòng chống dịch;
- Các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế chủ động quyết định phương án làm việc phù hợp với quy định phòng chống dịch;
- Các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân, cơ sở dịch vụ y tế, cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế;
- Một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
- Một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao;
- Hoạt động giáo dục và đào tạo; tiếp tục dạy học gián tiếp; các hình thức đào tạo cho người đã được tiêm đủ vắc xin có thể dạy học trực tiếp;
- Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 70 người;
- Hoạt động trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo...) tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 70 người.
- Hoạt động ngoài trời tập trung tối đa 15 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 100 người
Tiếp tục tạm dừng:
- Các sự kiện: văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mittinh, lễ phát động trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động;
- Hoạt động kinh doanh, dịch vụ: quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử;
- Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo
- Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác trừ các trường hợp được cho phép hoạt động
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét