Trong những ngày qua, nhiều vụ việc đều liên quan đến cách ứng xử của giảng viên khi giảng dạy online đã gây xôn xao dư luận.
Giảng viên một trường đại học đang giảng dạy trực tuyến cho sinh viên - Ảnh: CTV
Giảng bài online rất áp lực
Công việc giảng dạy cho sinh viên luôn rất áp lực, giảng bài online còn áp lực nhiều lần cho giảng viên. Bởi lẽ bên cạnh yếu tố con người, giảng bài online sẽ có nhiều yếu tố khác chi phối, gây ảnh hưởng đến việc giảng dạy như: không gian học, chất lượng thiết bị học của sinh viên, đường truyền Internet...
Chỉ cần đường truyền mạng yếu hay địa điểm ngồi của sinh viên ồn ào... là đã ảnh hưởng đến buổi học, đến tâm lý của giảng viên, dễ gây nên tâm lý ức chế, mệt mỏi, bực bội cho người dạy.
Rất nhiều tình huống dở khóc dở cười như thầy cô yêu cầu sinh viên phải bật camera nhưng nhiều em lại lấy lý do máy bị hư rồi. Có em đang thuyết trình thì bị trục trặc khiến cả lớp phải chờ khá lâu. Có em ngồi học ngay phòng khách không tắt mic, không tắt camera nên tiếng nói chuyện và hình ảnh sinh hoạt trong gia đình gây mất tập trung cho cả lớp...
Những điều rất nhỏ đó đôi khi làm cho tiết học trở nên loãng và gây ức chế cho giảng viên. Rồi còn là tâm lý bất an của những người làm công tác giảng dạy vì lo lắng bị sinh viên ghi hình, ghi âm nếu lỡ có chỗ nào giảng sai hay nhầm ý...
Tuy nhiên, không thể lấy lý do áp lực khi dạy online để bào chữa cho việc làm đáng phải quên như hai giảng viên nêu trên. Trong quá trình giảng dạy chắc chắn sẽ có những tình huống phát sinh và giảng viên giỏi là người xử lý tốt những tình huống đó (nghiệp vụ sư phạm) để đạt được mục đích cuối cùng là truyền đạt kiến thức đến sinh viên.
Đương nhiên, cách ứng xử của hai giảng viên trên không thể dùng để đánh đồng đối với những giảng viên khác. Bởi phần lớn giảng viên đang làm tốt công việc truyền đạt kiến thức của mình, đồng thời còn xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với sinh viên nhờ cách ứng xử đúng mực của mình.
Cần sự gắng từ hai phía
Học trực tuyến với cả thầy và trò đều rất vất vả, vận dụng đủ các loại ứng dụng hỗ trợ sao cho trao đổi giữa hai bên thông suốt. Tuy nhiên, nếu phải sử dụng đến các biện pháp mạnh như đuổi sinh viên ra khỏi lớp, mắng chửi, xúc phạm sinh viên... thì người thầy chưa đủ bản lĩnh sư phạm để xử lý vấn đề và nhìn nhận thấu suốt.
Rất nhiều sinh viên máy tính hỏng hoặc phải nhường máy tính cho em học, còn mình phải học bằng điện thoại. Đường truyền thì thường xuyên trục trặc. Trong một điều kiện chưa đảm bảo, giảng viên nên động viên để các em cố gắng hơn là khắt khe, cứng nhắc. Tất nhiên sinh viên cũng phải trung thực và có ý thức học tập tốt.
Giảng viên, giáo viên nào cũng đều được học về các kỹ năng xử lý tình huống trong nghiệp vụ sư phạm rồi, cho nên không thể lấy lý do mình quá áp lực và mệt mỏi mà nóng giận, có lời nói và hành động xúc phạm đến người học.
Để giải tỏa các áp lực và tránh có lời nói, hành động thiếu phù hợp với người học trong khi dạy online, người thầy cần nâng cao năng lực sư phạm của mình đồng thời giảm kỳ vọng, giảm sự cầu toàn và không nên tạo thêm áp lực.
Giữa lúc đại dịch còn nhiều phức tạp, cả người dạy lẫn người học đều phải chịu đựng nhiều áp lực khác nhau nên còn được học online đã là sự cố gắng rất lớn từ hai phía. Tuy nhiên, dù là lớp học diễn ra với hình thức nào đi nữa thì tính mô phạm của môi trường giáo dục cũng phải được đảm bảo.
Bởi người thầy không chỉ truyền đạt kỹ năng, kiến thức mà còn dạy học trò về nhân cách và lối ứng xử, đồng thời là tấm gương để người học noi theo. Đây chính là nền tảng góp phần tạo nên chất lượng giáo dục.
Đặt mình vào vị trí của người khác
Bên cạnh đó, chính sinh viên cũng phải ý thức, nỗ lực nhiều hơn khi học online chứ không thể chỉ biết trông chờ vào giảng viên, vừa học vừa làm chuyện khác. Nhất là các ứng dụng công nghệ ngày nay có thể hỗ trợ nhiều hơn trong quá trình học tập như ghi âm, chụp màn hình, chia sẻ nội dung...
Bởi một giảng viên đâu thể đáp ứng hết mọi yêu cầu nhiều sinh viên trong một tiết học. Nói cách khác, sẽ hạn chế được những sự việc ngoài ý muốn trong lúc dạy và học online khi cả người dạy lẫn người học đều có sự cố gắng để đạt được mục tiêu chung. Nhất là khi mỗi người biết đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu và cảm thông với nhau nhiều hơn.
Đừng tạo áp lực cho nhau
Khi dạy trực tuyến, giảng viên mệt gấp 3 - 4 lần so với giảng tập trung, đồng thời luôn suy nghĩ làm thế nào để hầu hết học trò của mình nắm bắt được bài.
Thực tế mà nói, cũng có trường hợp học sinh, sinh viên thiếu ý thức khiến tiết học phải mất nhiều thời gian bởi những chuyện vô ích. Thậm chí chỉ để thử thách, trêu đùa các giáo viên, nhất là các thầy cô chưa quen lắm với thiết bị công nghệ.
Do vậy, để tránh những sự cố không mong muốn thì cả thầy cô, cha mẹ và học trò nên có thái độ cởi mở, dành hết tâm sức và đừng tạo áp lực cho nhau thì mọi chuyện sẽ rất suôn sẻ.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét