17 thg 10, 2021

10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Cổ phiếu bất động sản và phân bón là tâm điểm

Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản và phân bón đồng loạt tăng giá mạnh trong tuần từ 11-15/10. Số mã vốn hóa lớn tăng giá chiếm ưu thế hơn và điều này giúp các chỉ số có được mức tăng điểm tốt. Đa số các cổ phiếu giảm mạnh sàn HNX và UPCoM đều thuộc diện thanh khoản rất thấp.


VN-Index chốt phiên giao dịch cuối cùng của tuần từ 11-15/10 ở mức 1.392,7 điểm, tương ứng tăng 19,97 điểm (1,45%) so với tuần trước. HNX-Index cũng tăng 12,92 điểm (3,47%) lên mức 384,84 điểm. UPCoM-Index tăng 1,14 điểm (1,2%) lên 99,44 điểm.

Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với tuần trước đó, tổng giá trị giao dịch trung bình đạt 26.591 tỷ đồng/phiên, tăng 9,1% so với tuần trước đó. Giá trị khớp lệnh trung bình cũng tăng 6,3% lên mức 24.025 tỷ đồng/phiên.

Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều biến động tích cực trong tuần giao dịch vừa qua. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn biến động có phần tích cực khi ghi nhận 19/30 mã tăng giá so với tuần trước. Mức tăng mạnh nhất trong top 30 vốn hóa thuộc về BSR của Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) với 9,3%. Các cổ phiếu thuộc nhóm xăng, dầu, đang được hưởng lợi từ việc giá dầu thế giới leo cao. Giá dầu Brent tương lai phiên 15/10 tăng 86 cent, tương đương 1%, lên 84,86 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 85,1 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018. Giá dầu WTI tương lai tăng 97 cent, tương đương 1,2%, lên 82,28 USD/thùng. Chốt tuần, giá dầu Brent tăng 3%, tuần tăng thứ 6 liên tiếp, giá dầu WTI tăng 3,5%, tuần tăng thứ 8 liên tiếp.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng biến động tốt trong tuần giao dịch từ 11-15/10, trong đó, VIB của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) tăng 6,07%, VPB của VPBank (HoSE: VPB) tăng 4,46%, CTG của VietinBank (HoSE: CTG) tăng 4,07%... Ngoài ra, các trụ cột như VIC của Vingroup (HoSE: VIC), HPG của Hòa Phát (HoSE: HPG)... cũng đồng loạt tăng giá.

Ở chiều ngược lại, SHB của Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (HoSE: SHB) gây thất vọng khi giảm 4,7% ngay trong tuần giao dịch đầu tiên lên sàn HoSE. SHB chính thức giao dịch trên sàn HoSE từ 11/10 với giá tham chiếu 28.900 đồng/cp. Ngay trong phiên đầu tiên lên sàn, SHB tăng mạnh 2%, tuy nhiên cổ phiếu này đều giảm giá trong cả 4 phiên còn lại của tuần. Trong phiên cuối tuần 15/10, SHB bị bán mạnh và giảm đến 5%.

Bộ đôi cổ phiếu họ Masan là MSN của Masan (HoSE: MSN) và MCH của Masan Consumer (UPCoM: MCH) giảm lần lượt 3,1% và 2,9%.


Tăng giá

Đứng đầu danh sách tăng giá sàn HoSE là cổ phiếu VRC của Bất động sản và Đầu tư VRC (HoSE: VRC) với mức tăng 26%. Cổ phiếu đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá sàn HoSE vẫn thuộc nhóm bất động sản là HAR của BĐS An Dương Thảo Điền (HoSE: HAR) với 24,7%. Ngoài 2 cổ phiếu nói trên, VPH của Vạn Phát Hưng (HoSE: VPH) cũng thuộc nhóm bất động sản và tăng 22,7% trong tuần giao dịch vừa qua.

10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.

Nhóm cổ phiếu ngành phân bón cũng biến động tích cực. SFG của Phân bón Miền Nam (HoSE: SFG) tăng 22,7% và DCM của Đạm Cà Mau (HoSE: DCM) tăng 15,8%. Theo thông tin từ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), tình hình sản xuất kinh doanh tập đoàn có thuận lợi từ sự trở lại mạnh mẽ của ngành công nghiệp và nông nghiệp tại nhiều nước trên thế giới và cả trong nước giúp ích cho việc tiêu thụ phân bón, lốp xe. Các đơn vị có lãi tăng mạnh trong 9 tháng như Phân bón Miền Nam (HoSE: SFG) tăng 318,8%, Hóa chất Việt Trì (HNX: HVT) tăng 105,9%, Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC) tăng 41,5%. Ngoài ra, Supe Phốt phát & Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) và DAP – Vinachem (UPCoM: DDV) sản xuất kinh doanh có lãi (9 tháng 2020 thua lỗ).

Cổ phiếu LCD của Thí nghiệm cơ điện (HNX: LCD) tăng giá mạnh nhất sàn HNX với 58,3%. LCD hiện đang có 10 phiên tăng trần liên tiếp. Giá cổ phiếu tăng từ mức chỉ 8.100 đồng/cp (1/10) lên mức 20.100 đồng/cp (15/10).

10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.

Hai cổ phiếu khác cũng tăng giá trên 40% ở sàn HNX là VGP của Cảng Rau Quả (HNX: VGP) và BDB của Sách Bình Định (HNX: BDB).

Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn UPCoM và toàn thị trường trong tuần từ 11-15/10 là NSL của Cấp nước Sơn La (UPCoM: NSL) với 110%. Trong tuần, NSL có 4 phiên xuất hiện giao dịch và đều tăng trần với khối lượng khớp lệnh vỏn vẹn 100 đơn vị/phiên.

10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.

Các cổ phiếu trong danh sách tăng giá mạnh sàn UPCoM hầu hết thuộc thuộc diện thanh khoản rất thấp. Trong số này RTB của Cao su Tân Biên (UPCoM: RTB) có thanh khoản tích cực nhất và tăng 52%. Theo BCTC quý III, Cao su Tân Biên ghi nhận doanh thu 265 tỷ đồng, tăng 16%. Lợi nhuận sau thuế gấp 3,5 lần lên 159 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần 641 tỷ đồng, tăng 74%; biên lãi gộp cải thiện từ 10,7% lên 39,7%. Lợi nhuận sau thuế 296 tỷ đồng, tăng 282%. EPS đạt 2.698 đồng, tăng 194%. Doanh nghiệp thực hiện vượt 36% kế hoạch doanh thu và vượt 148% kế hoạch lợi nhuận năm.


Giảm giá

Giảm giá mạnh nhất sàn HoSE là cổ phiếu NBB của Đầu tư Năm Bảy Bảy (HoSE: NBB) với 11,4%. HĐQT công ty thông qua kế hoạch dùng cổ phiếu quỹ chia cho cổ đông hiện hữu. Cụ thể, công ty dự kiến chia cổ tức cho cổ đông từ nguồn cổ phiếu quỹ, tỷ lệ 25:7, tương ứng cổ đông sở hữu 25 cổ phiếu sẽ nhận thêm 7 cổ phiếu mới. Hiện, NBB đang sở hữu 22,2 triệu cổ phiếu quỹ. Nếu phát hành thành công, Công ty sẽ còn 315.763 cổ phiếu quỹ. Thời gian dự kiến thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày được UBCKNN chấp thuận.

10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.

Cổ phiếu TGG của Louis Capital (HoSE: TGG) đứng sau NBB về mức giảm giá sàn HoSE với 7,9%. Louis Capital vừa mua thêm trên 1,3 triệu cổ phiếu BII của Louis Land (HNX: BII). Qua đó, TGG nâng sở hữu tại BII lên 3,4 triệu cổ phiếu, tương đương 5,9% vốn và trở thành cổ đông lớn tại BII từ 5/10/2021.

Tại sàn HNX, cổ phiếu CLM của Xuất nhập khẩu Than - Vinacomin (HNX: CLM) giảm mạnh nhất sàn HNX với 32,6%. Sau 8 phiên tăng trần liên tiếp, CLM đã điều chỉnh đáng kể trở lại trong tuần vừa qua. Động lực tăng chính của CLM ở giai đoạn này là đến từ việc giá than thế giới tăng "phi mã".

Các cổ phiếu trong danh sách giảm giá mạnh sàn HNX còn lại cũng đều thuộc diện thanh khoản thấp.

10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.

Ở sàn UPCoM, cổ phiếu giảm mạnh nhất là VIM của Khoáng sản Viglacera (UPCoM: VIM) với 38,7%. Tương tự sàn HNX, các cổ phiếu giảm mạnh sàn UPCoM cũng đều thuộc diện thanh khoản thấp. 

10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.

Nguồn NDH

0 comments:

Đăng nhận xét