Đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn đều tăng giá trong tuần từ 25-29/10, trong đó, GAS và VHM bứt phá. Trong top 10 về mức tăng giá sàn HoSE và HNX có sự góp mặt của nhiều cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản và xây dựng. Nhiều cổ phiếu liên quan đến "hệ sinh thái Louis" đi ngược lại xu hướng tích cực của thị trường chung.
Tin liên quan: Nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng 3.780 tỷ đồng trong tuần VN-Index vượt đỉnh
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, VN-Index lên mức cao nhất mọi thời đại 1.444,27 điểm, tương ứng tăng 55,03 điểm (4%) so với phiên cuối tuần trước. HNX-Index tăng 20,91 điểm (5,3%) lên 412,12 điểm. UPCoM-Index tăng 5,02 điểm (5%) lên 105,38 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 31.962 tỷ đồng/phiên, tăng 20,7% so với tuần trước. Trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân cũng tăng 19% lên 29.794 tỷ đồng.
Nhiều nhóm ngành cổ phiếu có sự tăng giá trong tuần vừa qua. Khác với các tuần trước đó, dòng tiền ở tuần này có sự lan tỏa tốt và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhận được lực cầu tốt. Trong top 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán chỉ có HVN của Vietnam Airlines (HoSE: HVN) và TCB của Techcombank (HoSE: TCB) giảm giá. Trong đó, HVN giảm 4,4% do ảnh hưởng từ thông tin bị chuyển từ diện cảnh báo bị đưa sang diện kiểm soát từ ngày 3/11. Cổ phiếu này chỉ được giao dịch vào phiên chiều theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ âm 8.458 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6 là âm 17.808 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu GAS của PV GAS (HoSE: GAS) và VHM của Vinhomes (HoSE: VHM) là 2 nhân tố quan trọng giúp VN-Index vươn lên đỉnh cao mới. Trong đó, GAS tăng đến 11% còn VHM tăng 9,6%. Cả PV GAS và Vinhomes đều công bố BCTC quý III với kết quả tích cực, trong đó, VHM báo lãi ròng 11.167 tỷ đồng, đều tăng 84% so vưới cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận ròng của PV GAS tăng 19% đạt 2.417 tỷ đồng.
Tăng giá
Tâm điểm của thị trường trong tuần giao dịch vừa qua là nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng. Trong top 10 về mức tăng giá 2 sàn niêm yết HoSE và HNX đa số có sự góp mặt của các cổ phiếu thuộc 2 nhóm ngành này.
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE là CIG của Xây dựng COMA 18 (HoSE: CIG) với 40%. Doanh nghiệp này đã công bố BCTC quý III với mức lãi 13,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 539 triệu đồng – Đây cũng là mức lãi tốt nhất của CIG trong vòng 11 quý gần đây.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.
Các cổ phiếu bất động sản như SGR của Địa ốc Sài Gòn (HoSE: SGR), DRH của DRH Holdings (HoSE: DRH), HAR của BĐS An Dương Thảo Điền (HoSE: HAR) và TLD của ĐT XD và PT Đô thị Thăng Long (HoSE: TLD) đều là các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản nằm trong top tăng giá ở sàn HoSE với mức tăng đều trên 20%.
Trong top 10 mức tăng giá sàn HNX có đến 8 cổ phiếu thuộc ngành xây dựng. Dẫn đầu danh sách tăng giá sàn này là cổ phiếu SD2 của Sông Đà 2 (HNX: SD2) với 58%. SD2 là cổ phiếu thuộc diện thanh khoản khá thấp. Tuy nhiên, giá trị khớp lệnh trung bình trong tuần vừa qua vẫn đạt 43.175 cổ phiếu/phiên và tăng đáng kể so với mức 2.860 cổ phiếu/phiên của tuần trước đó.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.
Cổ phiếu L14 của Licogi 14 (HNX: L14) cũng tăng 44% chỉ sau một tuần giao dịch và tiếp tục đi tìm đỉnh mới với 199.000 đồng/cp (phiên 29/10).
Trong khi đó, đa số các cổ phiếu tăng giá mạnh sàn UPCoM đều thuộc nhóm thanh khoản thấp. Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường là TVW của Cấp thoát nước Trà Vinh (UPCoM: TVW) với 111%. Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này chỉ là 520 đơn vị/phiên.
10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.
Hai mã SKH của NGK Sanest Khánh Hòa (UPCoM: SKH) và CEN của CENCON Việt Nam (UPCoM: CEN) là 2 mã tăng giá mạnh và có thanh khoản ở mức trung bình. Trong đó, SKH tăng 69% và CEN tăng 66%.
Giảm giá
Cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HoSE là TGG của Louis Capital (HoSE: TGG) với 15%. Theo báo cáo tài chính quý III, doanh nghiệp này lãi sau thuế đạt 21,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ gần 267 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.
Cổ phiếu VIP của Vận tải Xăng dầu VIPCO (HoSE: VIP) cũng gây chú ý khi giảm hơn 8% bất chấp biến động tích cực của thị trường chung.
Ở sàn HNX, cổ phiếu SEB của Điện miền Trung (HNX: SEB) giảm giá mạnh nhất với 23,6%. BII của Louis Land (HNX: BII) và VKC của Cáp nhựa Vĩnh Khánh (HNX: VKC) cũng là hai cổ phiếu liên quan đến "hệ sinh thái Louis" giảm giá sâu trong tuần qua. BII giảm 12% còn VKC giảm 11%.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.
Tại sàn UPCoM, đa số các cổ phiếu giảm giá mạnh cũng đều thuộc nhóm thanh khoản thấp. Cổ phiếu giảm mạnh nhất là SON của Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại (UPCoM: SON) với mức giảm 42,4%. Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này chỉ là 2.760 đơn vị/phiên.
10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.
Nguồn NDH
0 comments:
Đăng nhận xét