6 thg 10, 2021

52.000 nhân viên Hollywood muốn đình công

MỸ - Hàng chục nghìn nhân viên hậu trường Hollywood biểu tình kêu gọi hãng phim tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện điều kiện làm việc.

Donna Young - một thành viên của IATSE - viết thông điệp "công bằng lương cho tất cả" lên ôtô trong buổi biểu tình hồi cuối tháng 9. Ảnh: Los Angeles Times.

Theo NBC News, 52.000 thành viên IATSE (công đoàn đại diện các nhân viên hậu trường ngành phim, kịch) bỏ phiếu đồng thuận đình công để phản đối các hãng phim. Matthew Loeb - chủ tịch công đoàn - nói: "Các thành viên đã nói rõ ràng quan điểm của họ. Cuộc bỏ phiếu này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe và sự an toàn cho những người làm trong ngành phim, truyền hình. Các thành viên của chúng tôi cần được đáp ứng những nhu cầu căn bản của con người như thời gian ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ, không phải làm việc cuối tuần. Với những người nhận mức lương đáy của xã hội, họ xứng đáng nhận mức thu nhập đủ sống".

Lần đầu tiên các thành viên công đoàn phát động cuộc đình công quy mô quốc gia trong lịch sử 128 năm hoạt động. Alliance of Motion Picture and Television Producers - tổ chức đại diện các nhà sản xuất phim ở Hollywood - đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với IATSE vào ngày 7/10 để bàn về quyết định đình công.

Đại diện Alliance of Motion Picture and Television Producers cho biết: "Chúng tôi trân trọng những thành viên của IATSE và sẽ cố gắng hợp tác, tránh sự ngưng trệ trong khâu sản xuất khi cả ngành đang hồi phục sau dịch bệnh. Để tìm được tiếng nói chung, hai phía cần tin tưởng lẫn nhau và sẵn sàng thỏa hiệp để tìm giải pháp mới hợp lý".

IATSE đại diện cho hơn 150.000 nhân viên trong ngành phim, kịch tại Mỹ và Canada, từ kỹ thuật viên cho đến nghệ sĩ trang điểm, phục trang. Trong đó, khoảng 50.000 nhân viên đang tiến hành đàm phán hợp đồng mới. Thời gian qua, tổ chức nhiều lần lên tiếng đòi các hãng phim cải thiện quyền lợi cho thành viên bằng cách giảm giờ làm, tăng lương và tạo môi trường làm việc an toàn hơn.

Một cuộc đình công có thể khiến dừng toàn bộ việc sản xuất tại Hollywood. Năm 2017, các biên kịch tại đây cũng tiến hành cuộc biểu tình tương tự dẫn đến nhiều chương trình bị ngắt quãng, thậm chí dừng hoạt động vì thiếu kịch bản. Lễ trao giải Quả Cầu Vàng năm 2008 cũng không được tổ chức, thay vào đó là một buổi họp báo công bố danh sách người thắng cuộc.

Nguồn VNEXPRESS

0 comments:

Đăng nhận xét