Ngoài việc giúp cổ phiếu giá rẻ bứt tốc thì dấu ấn của Louis Holdings và ông Bùi Thành Nhân chưa quá rõ rệt ở hệ sinh thái Louis đặc biệt bài toán nguồn vốn vẫn là một ẩn số.
Bài liên quan: Bài 1: Vai trò của ông Đỗ Thành Nhân, ai mới thực sự đứng sau Louis Holdings? ; TGG giảm sâu, một nhà đầu tư đã phải liên tục bán cắt lỗ ; [TIN CŨ] Cổ phiếu TGG giảm 90% so với đỉnh, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa quyết định cắt lỗ
Những cuộc đổ bộ thần tốc của ông Đỗ Thành Nhân và Louis Holdings đã tạo nên cơn sốt thậm chí được đánh giá đã góp phần bóp méo thị trường. Đi sâu vào câu chuyện của doanh nghiệp họ Louis càng bộc lộ nhiều dấu hỏi với nhà đầu tư.
Sau khi giải mã vai trò của ông Nhân trong hệ sinh thái và ai mới thực sự đứng sau Louis Holdings. Dấu hỏi tiếp theo là ông Nhân và Louis Holdings sẽ lấy đâu ra nguồn tiền để tái thiết doanh nghiệp và phát triển hệ sinh thái đa ngành này.
Một điểm chung khá bất ngờ của nhiều công ty trong hệ sinh thái của Louis Holdings là đa phần đều ghi nhận kết quả kinh doanh nửa đầu năm sau soát xét đột biến thậm chí vượt lợi nhuận cả năm 2020 như DDV, TDH, TGG, BII, APG.
Thương vụ thâu tóm sớm nhất trên sàn là với Louis Land. Ông Đỗ Thành Nhân chỉ mới góp mặt vào HĐQT của Louis Land từ đầu tháng 2 đã giúp công ty thoát lỗ luỹ kế nhờ lợi nhuận 6 tháng gấp 2,3 lần cả năm 2020. Cả Louis Land và Louis Capital đều lãi lớn nửa đầu năm nhờ khoản hoàn nhập dự phòng.
Các thương vụ M&A còn lại hầu hết được thực hiện cuối quý II hoặc trong quý III. Angimex còn giải trình nhờ sự xuất hiện của Louis Holdings và ông Đỗ Thành Nhân đã giúp công ty bứt phá trong tháng cuối quý.
Nhìn bề nổi có thể thấy sức mạnh của Louis Holdings và ông Đỗ Thành Nhân đã giúp vực dậy nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên chúng ta cần khai thác sâu hơn bài toán nguồn vốn và hoạt động kinh doanh của nhóm Louis.
Ẩn số nguồn tiền
Theo chia sẻ của ông Đỗ Thành Nhân, dưới hệ sinh thái của Louis, Louis Capital đóng vai trò là công ty đầu tư, dùng tài chính để đầu tư vào các công ty khác nhằm sở hữu “core business” và tài sản hiện hữu của các công ty đó.
Tuy nhiên tính tới cuối tháng 6, tổng số nhân viên của Louis Capital chỉ có 4 người, ít hơn cả số thành viên HĐQT công ty. Quy mô tài sản chỉ hơn 300 tỷ trong đó chưa tới 1/3 nằm ở các khoản đầu tư tài chính và hoạt động kinh doanh liên tục lao đốc các năm qua.
Louis Capital vừa mới thoát lỗ quý II nên để có nguồn tiền dùng đầu tư tài chính vào các công ty khác, Louis Capital đã thông qua việc thoái vốn loạt công ty hay cơ cấu bán bớt cổ phần tại Angimex.
Ngoài ra, Louis Capital còn dự kiến vay tối đa 300 tỷ từ các tổ chức tín dụng hoặc cá nhân để bổ sung vốn.
Còn với Louis Land, trước khi định hướng chính sang mảng bất động sản, công ty kinh doanh cát và cho thuê các cụm công nghiệp nhưng nguồn thu thiếu ổn định.
Để củng cố thêm mảng bất động sản, động thái mới nhất của nhóm Louis là đã rót cả trăm tỷ để đưa Thuduc House gia nhập hệ sinh thái. Ngay sau đó Louis Land đã thông qua việc hợp tác phát triển 5 dự án với Thuduc House.
Đáng lưu ý, hai bên sẽ thành lập 5 pháp nhân mới để thực hiện 5 dự án với tổng số vốn điều lệ lên tới 13.590 tỷ đồng. Trong đó, riêng Louis Land sẽ phải rót vào 5 pháp nhân này tổng cộng trên 4.400 tỷ.
5 dự án sẽ được Louis Land hợp tác với Thuduc House. (Nguồn: H.K tổng hợp).
Giải đáp thắc mắc về Louis Land liệu có phải chỉ là cái vỏ rỗng, ông Nhân chia sẻ trong bài viết ở nhóm Louis Family rằng hiện Louis Land sở hữu khoảng 200 ha ở 4 cụm công nghiệp (Thắng Hải 1,2,3 với 150 ha và Tân Bình 50 ha).
Ngoài các dự án hợp tác với Thuduc House, ông Nhân cho hay sẽ dồn tiền đã thu hồi ở những khoản đầu tư không hiệu quả để mua lại hơn 7.000 m2 đất tại số 136A đường Phan Văn Hớn, ấp 7, xã Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, TP HCM. Sau đó sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng dự án chung cư cao tầng dành cho người có thu nhập thấp.
Bên cạnh đó, dự án An Sinh Xã Hội Định Thành An Giang (6 ha) dự kiến hoàn thành thủ tục 1/500 trong quý IV năm nay và sẽ triển khai trong năm sau.
Ngoài ra, Louis Holdings còn muốn chuyển hai bất động sản tại Lagi và Louis Trade Center tại Angimex về cho Louis Land.
Qua đó có thể thấy loạt kế hoạch phát triển dự án được ông Nhân đưa ra song câu hỏi về bài toán nguồn vốn vẫn chưa được ông giải đáp.
Đáng nói rằng, hoạt động kinh doanh của Louis Land không có gì nổi bật nhiều năm qua thậm chí năm 2019 công ty còn thua lỗ hơn trăm tỷ vừa chỉ mới thoát lỗ luỹ kế sau khi lãi đột biến nửa đầu năm.
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính của BII và TGG.
Bản thân Louis Holdings, dù trong vai trò là một tổ chức đầu tư vốn nhưng hoạt động kinh doanh của công ty ghi nhận liên tục thua lỗ giai đoạn 2016 - 2019.
Angimex dù doanh thu kinh doanh gạo lớn nhưng chỉ mang về cho Angimex trên hai chục tỷ lãi sau thuế. Còn với Sametel, hoạt động kinh doanh cáp điện, viễn thông rất bấp bênh thậm chí còn thua lỗ nửa đầu năm nay.
Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính.
Ai sẽ mua cổ phần phát hành thêm?
Với tình hình tài chính không có gì nổi bật, hoạt động kinh doanh yếu kém thì việc các doanh nghiệp họ Louis như Louis Land, Louis Capital huy động vốn qua kênh trái phiếu hay ngân hàng là điều không thể khó khăn.
Thay vào đó, cơn điên của nhóm cổ phiếu họ Louis vài tháng qua có thể coi là tiền đề để các doanh nghiệp huy động vốn qua phát hành cổ phiếu. Thực tế, chỉ sau khi gia nhập hệ sinh thái Louis, các doanh nghiệp đều đồng loạt đưa ra các phương án phát hành tăng vốn.
Nếu tính theo giá thị trường ngày 5/10, giá chào bán của Louis Land chỉ bằng khoảng 60%, giá chào bán của Louis Capital bằng 1/3 còn giá chào bán của APG chỉ bằng 69- 87% giá thị trường.
Với mức giá chiết khấu cao so với thị giá, có thể kích thích nhà đầu tư đánh cược vào việc giá cổ phiếu các doanh nghiệp này sẽ không giảm hoặc thậm chí có thể còn tăng theo như những lời hô hào của ông Nhân.
Nguồn: H.K tổng hợp.
Hiện chưa rõ nhà đầu tư chiến lược nào sẽ tham gia rót vốn vào các đợt phát hành riêng lẻ của nhóm công ty này? Riêng với các nhà đầu tư cá nhân, thời gian vừa qua, nhà đầu tư thường rất nhạy cảm và có phản ứng tiêu cực với thông tin doanh nghiệp phát hành cổ phiếu với mức giá thấp như trường hợp của Đất Xanh, Rạng Đông,... đều ghi nhận cổ phiếu giảm sâu ngay sau đó.
Hẳn nhà đầu tư vẫn chưa quên thương vụ phát hành tăng vốn của CTCP Chiếu xạ An Phú (Mã: APC) năm 2018. APC từng có kế hoạch chào bán riêng lẻ 3 triệu cổ phiếu cho một đối tác Singapore với giá chỉ bằng chưa tới 1/3 thời điểm công bố. Chưa kể đối tác nước ngoài này mới thành lập vài tháng, vốn điều lệ vẻn vẹn 17 triệu đồng với 4 nhân viên.
Điều này đã dấy lên mối lo ngại rất lớn với cổ đông. Đi kèm với đó là một làn sóng bán tháo khiến cổ phiếu mất 2/3 thị giá chỉ trong vài tháng. Trước khi lao dốc không phanh, APC đã có màn tăng giá gấp 3,7 lần chỉ trong nửa năm.
Nguồn Vietnamnet
0 comments:
Đăng nhận xét