Sáng nay 2-10, CDC Hà Nội cho biết đã ghi nhận thêm 17 ca dương tính trong nhóm bệnh nhân, người nhà được xét nghiệm tại Bệnh viện Việt Đức. Bộ Y tế đã có đề nghị Hà Nội hỗ trợ địa điểm cách ly cho bệnh nhân và nhân viên y tế của bệnh viện.
Lấy mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Việt Đức, điểm nóng nhất của Hà Nội hiện nay - Ảnh: CTV
Với 17 bệnh nhân mới ghi nhận sáng nay, tổng số ca dương tính tính đến sáng 2-10 liên quan đến Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nội là 20 ca, ngoài ra đã có 3 tỉnh thành có ca bệnh từ Việt Đức về. Tất cả đều từng chữa bệnh, chăm sóc người bệnh tại tầng 7, 8 nhà D của bệnh viện.
CDC Hà Nội đã có văn bản đề nghị các quận huyện rà soát, lập danh sách để quản lý và theo dõi sức khỏe người đi, đến, làm việc, khám chữa bệnh tại Bệnh viện Việt Đức từ ngày 15 đến 30-9.
Các trường hợp có đi, đến, khám chữa bệnh hoặc chăm sóc người bệnh tại khoa phòng điều trị có bệnh nhân dương tính hoặc có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính thì xử trí như trường hợp tiếp xúc gần, nếu có bất thường về sức khỏe (có ho, sốt, khó thở...) thì xử trí như ca nghi ngờ mắc COVID-19.
Các trường hợp còn lại đều cách ly tại nhà 14 ngày và lấy mẫu xét nghiệm hình thức PCR mẫu gộp. Sơ bộ từ 15 đến 30-9, các tỉnh thành đã rà soát có trên 8.860 người từ Hà Nội và các tỉnh thành có đi/đến Bệnh viện Việt Đức, trong đó riêng Hà Nội là hơn 4.860 người.
Tối muộn ngày 1-10, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội, Văn phòng UBND thành phố, đề nghị địa điểm cách ly người bệnh và khách sạn để cách ly nhân viên y tế Bệnh viện Việt Đức (số đang cách ly tại bệnh viện có khoảng 1.400 người) trong thời gian sớm nhất, để đảm bảo vừa chống dịch, vừa đảm bảo công tác chuyên môn tại bệnh viện.
Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện chuyên khoa (ngoại khoa) hạng đặc biệt, thời điểm này bệnh viện đang có khoảng 600 y bác sĩ - tương đương gần 1/3 tổng số y bác sĩ - đang thường trực tại Trung tâm Hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19 tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. Khoảng 600 y bác sĩ này đã ở TP.HCM từ tháng 8 vừa qua.
TP.HCM: Số mắc giảm, số ca tử vong giảm còn 2 con số
Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM cho biết TP đã tiêm chủng được 10,5 triệu liều vắc xin, có 14 quận huyện đã tiêm đạt 100% mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên. Nhiều quận huyện có số tiêm chủng mũi 2 cao như huyện Cần Giờ (97%), quận 5 (98%), quận 11 (91%).
Số ca tử vong do COVID-19 đã giảm đáng kể, xuống còn 2 con số (98 ca hôm 1-10) sau hơn 2 tháng liên tục ở mức cao, đỉnh điểm là ngày 31-8 với 335 ca tử vong.
Số ca COVID-19 mới ngày 1-10 cũng đã lần đầu tiên giảm rõ rệt còn 3.670 ca, gần tương đương với số mắc 43 ngày trước đó (ngày 17-8 là 3.377 ca và từ đó duy trì liên tục ở mức cao, đỉnh điểm có ngày trên 8.000 ca chưa tính số dương tính từ test nhanh).
TP.HCM đang bước vào giai đoạn "mở cửa", theo đánh giá của chuyên gia y tế, thời gian tới số ca COVID-19 có thể tăng, tuy vậy không quá lo lắng bởi tỉ lệ tiêm chủng khá tốt.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM - cho rằng hệ số lây truyền thực tế (Rt) tại TP.HCM đang ở xu hướng giảm dần, ngày 20-8 từ 1,15-1,35, đến nay ước tính còn 0,88.
Cùng với đó là số giường bệnh và giường ICU (hồi sức) không còn quá tải, số ca tử vong giảm, cho thấy tình hình dịch tại TP.HCM đang dần được kiểm soát.
Với các số liệu này, ông Dũng cho rằng sau khi mở cửa trở lại dần các loại hình dịch vụ, số ca COVID-19 của TP.HCM vẫn có thể tăng nhưng không quá nhiều, số ca tử vong sẽ tiếp tục giảm. Nếu TP.HCM duy trì tốt các biện pháp phòng chống dịch thì có thể giảm cả 2 chỉ số ca mắc và ca tử vong.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét