Tổng lượng cho cho vay của nhóm CTCK tại thời điểm 30/9 ước tính đạt 154.000 tỷ đồng, tăng gần 11% so với quý II. SSI là đơn vị có khoản cho vay hay dư nợ margin lớn nhất nhóm CTCK trong quý III và hơn công ty thứ 2 là 3.500 tỷ đồng. Dư nợ cho vay của TCBS vượt qua cả VNDirect và HSC để đứng ở vị trí thứ 3.
Thị trường chứng khoán quý III có sự điều chỉnh trở lại sau 2 quý đầu năm bứt phá. Chốt phiên giao dịch cuối cùng của quý III (30/9), VN-Index đứng ở mức 1.342,06 điểm, tương ứng giảm 66,49 điểm (-4,72%) so với thời điểm cuối quý II. Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index vẫn giữ được đà tăng tốt. Cụ thể, HNX-Index tăng 34,01 điểm (10,52%) lên mức 357,33 điểm. Tương tự, UPCoM-Index cũng tăng 6,31 điểm (6,99%) lên 96,56 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức rất cao. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 26.582 tỷ đồng, tăng 1,26% so với quý II.
Sự cải thiện thanh khoản thời gian qua có đóng góp không nhỏ từ các nhà đầu tư mới. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trong tháng 9 đạt 114.713 đơn vị. Như vậy, cá nhân trong nước đã có 7 tháng liên tiếp duy trì mức mở mới trên 100.000 tài khoản/tháng. Tính tổng 9 tháng, cá nhân mở mới 956.081 tài khoản chứng khoán, gấp hơn 2,4 lần so với cả năm 2020 (392.527 đơn vị).
Sự bùng nổ thanh khoản không thể không nhắc tới yếu tố hỗ trợ từ dòng tiền cho vay ký quỹ (margin), trong đó, nhà đầu tư cá nhân được cho là đối tượng ưa thích dùng margin trong đầu tư. Thống kê 56 công ty chứng khoán dư nợ cho vay (bao gồm cho vay margin và ứng trước) tại thời điểm 30/9 đạt hơn kỷ lục khoảng 154.000 tỷ đồng. Mức dư nợ margin nói trên cao hơn 10,5% so với cuối quý II, tương ứng mức tăng là 14.600 tỷ đồng và cao hơn 68% so với cuối năm 2020 (91.464 tỷ đồng).
Tổng dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán tại thời điểm cuối quý III. Đơn vị: Tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tiếp tục sôi động, nhiều CTCK muốn tăng nguồn cho vay margin do một số đơn vị đã tiệm cận tỷ lệ 200% so với vốn chủ sở hữu theo quy định. Thời gian qua, nhiều công ty chứng khoán có xu hướng chào bán tăng vốn điều lệ, vừa giúp tăng vốn chủ sở hữu - giúp gián tiếp tăng hạn mức cấp margin, vừa tạo nguồn cho vay khi việc huy động vốn từ trái phiếu đã không còn dễ dàng như năm ngoái do bị siết chặt lại bởi Nghị định số 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9/2020.
Thống kê đến hết quý III, có 25 công ty chứng khoán tiến hành tăng vốn thông qua các hình thức như trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành thông qua quyền mua cho cổ đông hiện hữu, thưởng cổ phiếu, phát hành ESOP, phát hành riêng lẻ. Tổng số cổ phiếu dự kiến phát hành là hơn 2,6 tỷ cổ phiếu, trong đó, lượng cổ phiếu đã phát hành xong đạt 1,9 tỷ đơn vị.
SSI vẫn duy trì vị trí đầu về dư nợ cho vay, bỏ xa các CTCK khác
Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) sau khi lấy lại vị trí dẫn đầu về dư nợ cho vay từ quý II, thì đến quý III, SSI đã bỏ xa phần còn lại khi dư nợ cho vay tiếp tục tăng lên mức 18.293 tỷ đồng, cao hơn 13% so với quý II và 98% so với cuối năm ngoái. Trong bối cảnh nhiều CTCK đã tiệm cận tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay margin/vốn chủ sở hữu (200%) thì tỷ lệ này ở SSI là 154%.
Theo báo cáo tài chính riêng quý III, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SSI đạt lần lượt 1.846,3 tỷ đồng và 830,8 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận của SSI tiếp tục lập kỷ lục và tăng 103% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận tổng doanh thu 5.091 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.062,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 53,3% và 91,8% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến lợi nhuận hợp nhất trước thuế cho 9 tháng năm 2021 của SSI đạt khoản 2.100 tỷ đồng. Với kết quả này, sau 9 tháng hoạt động SSI đã vượt 12% kế hoạch kinh doanh năm 2021 về lợi nhuận.
Dư nợ cho vay của 10 CTCK dẫn đầu quý III. Đơn vị: Tỷ đồng.
Trong khi đó, dù giữ được vị trí thứ 2 nhưng dư nợ cho vay của MASVN giảm 2% so với quý trước xuống mức 14.799 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay của 10 CTCK dẫn đầu quý III. Đơn vị: Tỷ đồng.
Dư nợ của Chứng khoán Techcombank (TCBS) vượt qua cả Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) và Chứng khoán TP HCM (HSC; HoSE: HCM) để đứng ở vị trí thứ 3 trong nhóm công ty chứng khoán với 11.932 tỷ đồng, tăng 39% so với quý II và 172% so với cuối năm ngoái. Không những vậy, tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu của TCBS chỉ ở mức gần 136% nên CTCK vẫn còn rất nhiều dư địa cho vay.
Tổng lượng cho vay của 20 CTCK dẫn đầu chiếm khoảng 87% toàn nhóm CTCK trong quý III.
Nguồn NDH
0 comments:
Đăng nhận xét