Đến khoảng 9h sáng ngày 1-10, đoàn xe gồm 11 xe khách và 9 xe tải chở 132 người cùng toàn bộ xe máy, hành lý, lăn bánh rời TP về tỉnh Sóc Trăng.
Người dân được yêu cầu xếp hàng theo từng tỉnh để được đưa về bằng xe khách - Ảnh: CHÂU TUẤN
Đối với những người dân đã có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ trở lại (tính tới thời điểm đến chốt) thì không cần phải làm lại xét nghiệm.
Sau khi làm đầy đủ thủ tục, người dân được sắp xếp ngồi vào từng xe khách theo từng tỉnh đã chuẩn bị sẵn, còn xe máy được đưa lên các xe tải của Bộ Tư lệnh TP.HCM hỗ trợ vận chuyển về quê.
Người dân không có giấy xét nghiệm được xét nghiệm ngay tại chốt - Ảnh: CHÂU TUẤN
Khi nghe thông tin được hỗ trợ về quê, người dân tại chốt thông báo đến bạn bè, người thân… để cùng ra chốt về nhà, vì thế, dù đã gần đến trưa, dòng người vẫn còn khá đông khi nhiều người dân có nguyện vọng về quê liên tục đổ dồn về đây.
"Vợ chồng tôi cùng đứa con nhỏ đợi tại chốt này từ 16h chiều 30-9 đến nay. Dịch bệnh khiến cuộc sống gặp vô vàn khó khăn, đến nay chỉ còn được ít đồng bạc trong người nên gia đình buộc phải về thôi, không trụ nổi nữa.
Khi nghe mấy anh công an thông báo sẽ hỗ trợ đưa người dân về tận quê bằng xe khách, tôi dù đã thức trắng đêm nhưng cũng thấy khỏe trở lại", anh Nguyễn Hàm Thế (quê Bạc Liêu) vui vẻ nói.
Người dân lên xe khách về quê - Ảnh: ĐAN THUẦN
Đến khoảng 9h sáng cùng ngày, đoàn xe gồm 11 xe khách và 9 xe tải đậu sẵn ngay ngắn, chờ đón những vị khách đầu tiên của chuyến xe đặc biệt. Người già, phụ nữ và trẻ em được ưu tiên lên xe trước.
Không lâu sau đó, đoàn xe chở theo 132 người cùng toàn bộ xe máy, hành lý của họ, lăn bánh rời TP tiến thẳng về tỉnh Sóc Trăng.
Nhiều bà con không giấu được niềm vui sướng, xúc động khi chỉ vài giờ nữa thôi họ có thể đặt chân về đến quê hương.
Một em nhỏ trên chuyến xe về Bạc Liêu - Ảnh: ĐAN THUẦN
Chị Lê Thị Thúy (43 tuổi, quê Sóc Trăng) gửi lời cảm ơn với hành động nghĩa tình của chính quyền TP.HCM.
"Vậy là cuối cùng, cả gia đình tôi có thể về nhà được rồi. Tôi xin cảm ơn các cấp chính quyền nhiều lắm. Hy vọng dịch ổn tôi sẽ quay trở lại TP làm việc", chị Thúy bày tỏ.
Sau khi đoàn xe Sóc Trăng rời đi thì đến đoàn xe Bạc Liêu, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang, Cần Thơ... bắt đầu đón những vị khách đặc biệt của mình trên hành trình về quê hương.
Có mặt tại chốt kiểm soát này, thượng tá Đoàn Văn Quới - phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM - cho biết để giải quyết người dân đang dồn ứ tại chốt hiện tại, Công an TP.HCM sẽ phối hợp với lực lượng quân đội hỗ trợ đưa người dân tại đây về quê; theo đó, xe buýt, xe khách chở người, còn xe tải của Bộ Tư lệnh TP sẽ chở xe máy.
Xe tải của Bộ Tư lệnh TP.HCM được điều động đến để chở xe máy, hành lý của người dân về quê - Ảnh: CHÂU TUẤN
Trước tình hình nới lỏng giãn cách sau ngày 30-9, UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo cho lực lượng Công an TP đề nghị không để người dân đi về quê bằng xe cá nhân, thay vào đó thành phố sẽ liên hệ các tỉnh thành điều xe đưa đón về quê được an toàn.
"Hiện nay tình hình tỉ lệ tiêm chủng vắc xin ở các tỉnh thành chưa có sự đồng đều. Do đó, bà con đi về quê sẽ làm nguồn lây lan dịch bệnh rất nguy hiểm cho người thân của mình, cho cộng đồng.
Vì vậy, bà con cần hết sức bình tĩnh, ở lại TP.HCM. Hiện nay, lãnh đạo TP.HCM cũng đã có chính sách, gói an sinh hỗ trợ để bà con được an tâm, trở lại làm việc tại TP.HCM nhằm phòng ngừa lây lan dịch bệnh ở các tỉnh thành theo chỉ đạo mới nhất của tỉnh", ông Quới thông tin.
Cảnh sát giao thông tỉnh Bến Tre phát bánh mì cho người dân đi về quê ăn đỡ đói trong thời gian chờ lực lượng chức năng đưa đi cách ly tập trung - Ảnh: M. TR
Cũng trong sáng 1-10, khoảng 200 người dân các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh đi qua cầu Rạch Miễu vào địa phận tỉnh Bến Tre. Trong lúc chờ cơ quan chức năng xử lý, lực lượng CSGT tỉnh Bến Tre đã phát bánh mì, nước cho người dân ăn uống, nghỉ ngơi.
Đây là những người dân bị mắc kẹt tại TP.HCM từ nhiều tháng qua do giãn cách xã hội. Tuy nhiên từ tối qua 30-9, hàng ngàn người dân đã tự đi xe máy về quê.
Sau khi được đi qua các chốt chặn tại TP.HCM, Long An, Tiền Giang thì gặp chốt của tỉnh Bến Tre tại chân cầu Rạch Miễu (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre).
Hiện theo quy định của tỉnh Bến Tre, người từ ngoài tỉnh đi vào tỉnh Bến Tre buộc phải có giấy xét nghiệm PCR và phải thực hiện cách ly y tế theo quy định.
Theo Công an tỉnh Bến Tre, sáng cùng ngày lực lượng công an tại chốt kiểm tra đã giải thích, yêu cầu người dân quay trở lại nơi cũ để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh.
Đối với những trường hợp bất khả kháng, lực lượng tiến hành phân loại, xét nghiệm COVID-19 để giải quyết cho qua chốt.
Đến trưa cùng ngày, tỉnh Bến Tre ghi nhận có hơn 100 người dân Bến Tre và 84 người dân Trà Vinh từ các tỉnh khác có nhu cầu đi về quê thông qua chốt kiểm tra tại chân cầu Rạch Miễu.
Đối với người dân có nhu cầu đi về Trà Vinh, lực lượng Cảnh sát giao thông đã dẫn đường cho người dân đi xe gắn máy qua địa bàn tỉnh Bến Tre trên quốc lộ 60 để về tỉnh Trà Vinh.
Đối với người về các địa phương trong tỉnh được lực lượng đóng tại chốt cầu Rạch Miễu cho bà con tập trung nơi thoáng mát và phát bánh mì, nước uống trong lúc chờ xe đến đón về cách ly theo quy định.
Người dân Bến Tre về được tới quê nhà sau khi được cho qua nhiều chốt chặn trên quốc lộ 1 - Ảnh: M. TR.
Trước đó, khoảng 14h ngày 30-9, hàng ngàn người dân tập trung tại quốc lộ 1 (khu vực thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) để đi về các tỉnh miền Tây.
Đến sáng 1-10, mặc dù lực lượng chức năng quyết định phát phiếu cho người dân đề nghị ghi rõ họ tên, nơi đến… để đưa bà con về điểm tập trung ở tạm qua đêm nay, đồng thời sẽ tìm phương án đưa người dân về quê nhưng người dân vẫn tiếp tục tập trung tại đây suốt đêm.
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét