Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo nối lại vận tải, không chia cắt, cát cứ mỗi địa phương. Cùng với đó, TP.HCM đã và đang có những đề xuất nhằm nối lại chuyện đi lại với các tỉnh thành nhằm tạo điều kiện cho người dân, người lao động...
Ôtô đi quốc lộ 60 đoạn qua địa bàn tỉnh Bến Tre để đến tính khác, ngoài giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính còn phải niêm phong cửa xe suốt thời gian đi qua tỉnh, không được rời xe (ảnh chụp ngày 11-10) - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Vì thế mọi người hy vọng việc đi lại sẽ thuận lợi, thông suốt, đừng chỉ là trong giấc mơ. Bởi cho đến ngày hôm qua 11-10, người dân đã được di chuyển nhưng quy định mỗi nơi vẫn khác nhau, chưa thống nhất.
Đi liên tỉnh đã dễ hơn một chút
Trong khi chờ các địa phương thống nhất chuyện đi lại liên tỉnh, người dân ở các địa phương trở lại TP.HCM khi qua các chốt cửa ngõ đã dễ dàng hơn. Tại chốt kiểm soát cửa ngõ giáp Long An sáng 11-10, người dân sinh sống tại khu vực giáp ranh giữa TP.HCM và Long An đã qua lại khá đông để làm việc, buôn bán.
Trình giấy xét nghiệm âm tính và giấy chứng nhận đã tiêm hai mũi vắc xin để kiểm tra, bà Hoa (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cho biết bà lên TP.HCM để lấy hàng về buôn bán. Những ngày này, khi chuyện đi lại liên tỉnh đã được nới lỏng, người dân sống tại vùng giáp ranh như bà rất vui mừng vì có thể tự nhập những hàng hóa thiết yếu từ TP.HCM.
Ngoài chuyện giao thương buôn bán, nhiều người dân TP mắc kẹt tại các tỉnh thành cũng trở lại. "Tôi về Tiền Giang từ 12-6, sau đó TP.HCM bùng dịch nên kẹt lại từ đó tới nay. Tôi rất vui khi đi lại cũng không gặp trở ngại. TP đã có những hướng dẫn rõ ràng cho người dân, chỉ cần làm đúng theo là sẽ di chuyển thuận lợi" - ông Nguyễn Văn Thái (ngụ quận Bình Tân) chia sẻ.
Một người qua chốt tên Tuấn cho biết anh về nhà bạn chơi ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang) và mắc kẹt mấy tháng trời vì dịch. Sáng cùng ngày, anh chạy xe máy về lại tỉnh Đồng Nai sau khi chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết. Anh Tuấn cho biết rất mừng khi có thể di chuyển về nhà sau thời gian dài để làm việc thuận lợi hơn thay vì phải làm mọi thứ từ xa.
Liên quan đến phương án đi lại của chuyên gia, người lao động giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, các địa phương cũng đã có ý kiến phản hồi. Tuy nhiên, so với phương án mà TP.HCM nêu ra, các địa phương chưa có sự thống nhất chung về phương tiện đi lại, các điều kiện như thời hiệu xét nghiệm âm tính, khu vực được đi lại...
Dự kiến TP.HCM cùng các tỉnh sẽ có buổi làm việc để có ý kiến thống nhất chung về phương án nêu trên nhằm tạo điều kiện đi lại thuận lợi để phục hồi kinh tế.
Lực lượng chức năng của tỉnh Long An kiểm tra chứng nhận tiêm vắc xin và giấy xét nghiệm của người dân trên tỉnh lộ 10 từ TP.HCM qua địa phận tỉnh Long An để làm việc và mua bán trưa 11-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tổ chức xe khách liên tỉnh thế nào?
Liên quan đến việc khởi động lại các tuyến xe khách liên tỉnh, Bộ GTVT đã ban hành hướng dẫn và đề nghị các tỉnh thành căn cứ tình hình thực tế để thí điểm hoạt động trở lại vận tải hành khách đường bộ từ ngày 13 đến 20-10. Đây là tín hiệu vui về nối lại việc đi lại liên tỉnh bằng xe khách sau một thời gian tạm ngưng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 11-10, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho hay trước đó sở đã có phương án hoạt động lại xe khách liên tỉnh gửi sở GTVT các tỉnh thành để lấy ý kiến góp ý. Đồng thời, ngay sau khi có hướng dẫn của Bộ GTVT, sở đã chủ trì họp với các bến xe và một số đơn vị vận tải tại TP để thống nhất kích hoạt lại xe khách liên tỉnh từ ngày 13 đến 20-10. Hiện sở đang làm việc với sở GTVT các tỉnh thành để thống nhất đầu bến.
Ông Lê Trung Tính - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM - cho biết rất mừng khi Thủ tướng đã có chỉ đạo kịp thời, trong đó yêu cầu phải nối lại vận tải liên tỉnh, không chia cắt, cát cứ ở mỗi địa phương. Bây giờ đã sống chung với dịch rồi, để phục hồi phát triển sản xuất, vận tải phải đi trước một bước. Để liên thông, cần phải có bộ tiêu chí thống nhất cả nước, căn cứ vào thẻ xanh, thẻ vàng và xét nghiệm để không còn tình trạng mỗi nơi yêu cầu mỗi kiểu.
Theo ông Tính, giai đoạn khi xe khách hoạt động trở lại, cứ khoảng 10 ngày cần phải đánh giá lại phương án để tháo gỡ. Cụ thể như tăng lượng khách trên mỗi chuyến xe thay vì hoạt động dưới 50%. "Hoạt động dưới 50% mà không tăng giá vé thì doanh nghiệp rất khó chạy, coi như cho chạy cũng như không" - ông Tính nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN - nhấn mạnh các địa phương cần tôn trọng chỉ đạo của Thủ tướng, ý kiến các bộ ngành. Theo ông Quyền, các quy định của Bộ GTVT đưa ra cơ bản phù hợp, các tỉnh có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, trước việc hướng dẫn của Bộ GTVT không buộc hành khách đi xe liên tỉnh cách ly, còn quy định trước đó của Bộ Y tế vẫn buộc người từ vùng nguy cơ cao đến vùng tương đương hoặc thấp hơn phải cách ly tại nhà, ông Quyền cho rằng văn bản của Bộ Y tế ban hành trước chỉ đạo của Thủ tướng ngày 9-10, trước công điện của Thủ tướng ngày 10-10 nên cần phải sửa. Cụ thể văn bản của Bộ GTVT đã có hướng dẫn phù hợp hơn với người đi từ tỉnh có nguy cơ thấp đến nguy cơ cao không phải cách ly gì nữa. Nhưng 2 văn bản của Bộ Y tế và Bộ GTVT có nội dung vênh nhau, địa phương áp dụng khác nhau gây khó cho dân.
Cùng với đó, liệu theo quy định của Bộ GTVT, xe khách liên tỉnh muốn hoạt động thì giữa 2 tỉnh điểm đi và đến phải thỏa thuận, thống nhất với nhau. Quy định của Bộ GTVT mang tính hướng dẫn, chưa phải là bắt buộc sẽ khó có hiệu lực thực thi, ông Quyền cho rằng những nội dung này nằm trong thẩm quyền của Bộ GTVT về tổ chức vận tải, Bộ Y tế về điều kiện y tế để thực hiện là được rồi.
Hơn nữa, "khi đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc thực hiện vận tải hành khách theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GTVT, các địa phương không được làm trái, không được gây khó khăn nữa" - ông Quyền chia sẻ.
Kiểm tra giấy chứng nhận tiêm vắc xin và xét nghiệm COVID-19 trên quốc lộ 1 tại chốt cầu Đồng Nai - Ảnh: QUANG ĐỊNH
"Tiêu chí sống chung": tuần này ban hành
Theo thông tin từ nhóm soạn thảo nghị quyết thích ứng với dịch COVID-19, dự thảo này hiện đã hoàn tất và đang đợi xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Dự kiến nghị quyết sẽ ban hành trong tuần này, bên cạnh đó sẽ có hướng dẫn về chuyên môn do Bộ Y tế xây dựng và ban hành.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết nghị quyết mới này sẽ bao phủ hết các quy định hiện có trong chỉ thị 15, 16, 19 và quy định về đánh giá nguy cơ an toàn COVID-19 trước đây. Sau khi ban hành nghị quyết, việc áp dụng các biện pháp chống dịch sẽ thực hiện theo nghị quyết này, thay thế cho các chỉ thị kể trên.
Với các điều khoản đang còn tranh cãi, chuyên gia này cho biết vừa qua các địa phương đã góp ý và ban soạn thảo đã tiếp thu, tuy nhiên những điểm ban soạn thảo bảo lưu sẽ xin ý kiến các thành viên Chính phủ, nếu các thành viên thông qua thì sẽ ban hành nghị quyết.
Hiện điểm các tỉnh thành tranh cãi nhiều nhất là đi lại thông thương giữa các địa phương, thực hiện các quy định về cách ly, chống dịch.
L.ANH
Đi lại liên tỉnh, cần điều kiện gì?
Về điều kiện vận tải, Bộ GTVT đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và quy định tạm thời của bộ để tổ chức thực hiện hoạt động vận tải hành khách. Trong đó:
- Người đi từ địa phương có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến địa phương có nguy cơ tương đương hoặc thấp hơn phải tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương. Có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đi cùng người thân trên chuyến xe phải tuân thủ nguyên tắc 5K; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.
- Người đi từ địa phương có nguy cơ và bình thường mới đến địa phương có nguy cơ cao hơn cần tuân thủ nguyên tắc 5K; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; có kết quả xét nghiệm COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi lên xe. Hành khách tự theo dõi sức khỏe hoặc thực hiện cách ly tại nơi cư trú, lưu trú theo quy định của Bộ Y tế và cụ thể của từng địa phương về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 kể từ ngày về địa phương.
Các địa phương có khách đi xe cư trú, lưu trú có nhiệm vụ quản lý, giám sát những người về địa phương theo quy định của Bộ Y tế và quy định cụ thể của từng địa phương; tổ chức xét nghiệm vào ngày thứ hai kể từ khi về nơi cư trú, lưu trú đối với hành khách về từ vùng dịch (được công bố tại trang thông tin điện tử Bộ Y tế).
Về miền Tây: đủ kiểu giám sát người đi ngang qua tỉnh
Nơi được tạo điều kiện tối đa
Long An: Ghi nhận tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên quốc lộ 1 vào cửa ngõ Long An vào ngày 11-10, việc kiểm tra ôtô, xe máy qua lại giờ chỉ được thực hiện một cách "xác suất ngẫu nhiên", chủ yếu xem người đi qua lại đã được tiêm đủ vắc xin hay chưa. Ông Đặng Hoàng Tuấn - giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An - xác nhận đây là tinh thần trong việc kiểm tra của tỉnh. Với những trường hợp đi ngang tỉnh, các chốt kiểm soát cũng tạo điều kiện, chỉ cần kiểm tra các giấy tờ xét nghiệm theo kiểu xác suất.
Tiền Giang: Ông Trần Văn Bon - giám đốc Sở GTVT Tiền Giang - cho biết người dân có nhu cầu đi qua địa bàn tỉnh này chỉ cần có giấy đi đường nơi xuất phát cấp. Trong đó sẽ ghi rõ nơi đi và điểm đến. Khi qua các chốt chỉ cần trình giấy xét nghiệm âm tính theo quy định.
Vĩnh Long: Ghi nhận tại chốt kiểm soát dịch dưới chân cầu Mỹ Thuận trên quốc lộ 1 cũng chủ yếu kiểm tra giấy tờ tùy thân, xem nơi cư trú để xác định là người "quá cảnh" hay người vào nội tỉnh. Chỉ cần trình giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước... hay giấy xác nhận điểm đi và điểm đến của một nơi nào đó ngoài tỉnh Vĩnh Long thì đều được "thông chốt" để lưu thông tiếp.
Người lao động tại các tỉnh, thành phố về quê được lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Long kiểm tra, phân luồng, tổ chức xét nghiệm nhanh COVID-19 rồi dẫn vào thẳng khu cách ly tập trung - Ảnh: CHÍ HẠNH
Sóc Trăng: Ông Giang Trường Thanh - phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng - cho biết đối với ôtô đi xuyên qua tỉnh trên tuyến quốc lộ 1, chỉ cần trình giấy nơi đầu cấp là được qua chốt. Các chốt kiểm soát sẽ thông tin với nhau để kiểm tra lịch trình của xe, tạo điều kiện cho người dân.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, ngoài giấy đi đường được cấp, những người đi trên xe cần có xét nghiệm nhanh còn hiệu lực hoặc chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
Ông Ngô Thanh Toàn - chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Sóc Trăng) - cho biết ngoài giấy đi đường hoặc giấy đi công tác, người dân phải cam kết không dừng, ghé dọc đường và phải đi đúng lộ trình.
Bạc Liêu: Việc di chuyển của các phương tiện cá nhân trên quốc lộ nhưng không vào địa bàn tỉnh Bạc Liêu sẽ được giải quyết. Người đi đường chỉ cần khai báo y tế ở đầu chốt kiểm soát và cam kết đi đúng lộ trình sẽ được lực lượng chức năng giải quyết.
Và còn kiểu "sáng tạo" nào riêng?
Bến Tre: Ông Cao Minh Đức - giám đốc Sở GTVT tỉnh này - chia sẻ người dân cần phải tuân thủ nghiêm việc kiểm soát dịch bệnh của tỉnh, nên trường hợp đi ngang qua tỉnh bằng ôtô riêng cần phải ngồi yên trên xe trong suốt quá trình di chuyển qua tỉnh. Vì thế, ngoài giấy xác nhận đi đường của các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp, lực lượng chức năng tại chốt sẽ dán niêm phong cửa xe với những xe đi ngang qua tỉnh Bến Tre.
Với những người dân về quê tự phát ngang qua tỉnh Bến Tre bằng xe máy, lực lượng chức năng sẽ yêu cầu những người này tập hợp vào một điểm nhất định rồi sẽ dẫn đoàn qua tỉnh theo từng đợt, có khóa đuôi phía sau để tránh việc xe từ trong đoàn rẽ vào các đường nhánh.
Hậu Giang: Cách làm khá tương tự Bến Tre với việc dán niêm phong cửa ôtô. Đến chốt kiểm soát cuối tỉnh, lực lượng chức năng sẽ tháo niêm phong này. Tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên quốc lộ 1 thuộc huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang còn có cách kiểm soát khác. Đó là khi tài xế đáp ứng các điều kiện theo quy định để lưu thông qua chốt, sẽ được đóng mộc R trên tay để tiếp tục lưu thông qua các chốt khác. Các chốt sau đó của Hậu Giang nhìn vào dấu mộc này sẽ biết tài xế đã được kiểm tra.
Các địa phương có nhiều hình thức để giám sát người đi trên quốc lộ ngang qua các tỉnh, không để người đó rẽ ngang hay "tạt" vào tỉnh nhà và lọt lưới phòng chống dịch.
Đi qua thì được, rẽ ngang thì không
Với các tỉnh "thoáng", nhằm tránh việc lợi dụng sơ hở để vào nội tỉnh, một đại diện Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long cho hay các đường nhánh từ quốc lộ 1 rẽ vào nội tỉnh đều có bố trí người kiểm tra, do đó cũng không lo ngại nhiều về chuyện này. Còn một lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho biết ngoài các thủ tục kiểm tra tại chốt kiểm soát, quốc lộ 1 qua tỉnh này còn có hệ thống camera để theo dõi hành trình người qua lại. Nếu lỡ xảy ra trường hợp cố tình vào nội tỉnh thì cũng sẽ sớm phát hiện.
S.LÂM - M.TRƯỜNG - C.HẠNH - K.TÂM - L.DÂN - C.QUỐC
Hành trình liên tỉnh "trầy vi tróc vảy"
Anh N.B. (47 tuổi, ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) cho hay kể từ ngày 10-10, tỉnh này đã cho phép người dân tiêm 1 mũi, 2 mũi đi liên huyện, khuyến cáo người chưa tiêm hạn chế di chuyển nếu không cần thiết.
Vừa qua, anh có việc nên phải đi từ Kiên Giang lên Vĩnh Long. Sau một ngày làm việc, anh mới được UBND phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá (nơi anh ở) cấp giấy đi đường và nhắc nhở anh phải có giấy xét nghiệm âm tính. Sau đó, anh dùng ôtô cá nhân đi ra khỏi Kiên Giang khá suôn sẻ.
Tuy nhiên, tới cửa ngõ vào TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), nhân viên trực chốt yêu cầu những người trên xe xuống khai báo y tế. Dù anh B. đã trình tất cả các giấy tờ, nhưng vẫn bị các chốt hỏi đi hỏi lại như có thật là đến Vĩnh Long, đang dịch vậy mà đi làm gì...
Sau khi "xét hỏi" kỹ càng, anh B. phải ngồi yên trong xe để lực lượng kiểm soát tại chốt dán giấy "niêm phong" cả 4 cửa xe. "Tôi tự biết là nếu để rách giấy thì sẽ bị phạt, nói chung là phạt chớ không biết bị phạt thế nào" - anh B. nói.
Sau khi xe "niêm phong", anh B. phải chờ thêm khoảng 40 phút khi có thêm 7 xe máy người từ các tỉnh khác cùng tới chốt. Lúc này, một xe cảnh sát giao thông mới dẫn đường cho anh B. đi qua. Đi khoảng 2km thì xe cảnh sát giao thông dừng lại không dẫn đoàn nữa.
K.NAM
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét