Hoạt động mua bán chứng khoán, nhất là chứng khoán đầu tư (chủ yếu là trái phiếu) tại nhiều ngân hàng tăng mạnh, đóng góp tích cực vào lợi quý III/2021 và lũy kế 9 tháng đầu năm.
Lãi đậm từ chứng khoán đầu tư và kinh doanh
Trong khi kinh doanh dịch vụ và ngoại hối tại nhiều ngân hàng quý III/2021 giảm, bù lại hoạt động mua bán chứng khoán, đặc biệt là chứng khoán đầu tư tại nhiều ngân hàng tăng mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán không ngừng tăng thời gian qua.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của TPBank lãi hơn 913 tỷ đồng trong quý III/2021 so cùng kỳ chỉ báo lãi 82 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, TPBank thu về hơn 1.463 tỷ đồng từ mảng chứng khoán đầu tư, trong khi cùng kỳ chỉ lãi gần 580 tỷ đồng.
ACB cũng thu đậm từ chứng khoán kinh doanh gấp 10,7 lần, thu về 183 tỷ đồng, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng gấp 2,4 lần đạt 92 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, thu từ chứng khoán kinh doanh của ACB gấp gần 4 lần so cùng kỳ, thu về 388,64 tỷ đồng, trong khi lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 73%, chỉ ghi nhận 186,65 tỷ đồng (so cùng kỳ lãi gần 700 tỷ đồng).
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư trong quý III/2021 của OCB cũng đem về khoản lãi gấp 6 lần cùng kỳ, ghi nhận hơn 463 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập từ chứng khoán tăng 4,7 lần trong khi chi phí giảm 44%, cộng với khoản hoàn nhập dự phòng 220 triệu đồng trong khi cùng kỳ phải trích lập gần 5 tỷ đồng dự phòng.
Còn lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh của OCB kỳ này lại giảm 34% so cùng kỳ. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh của OCB tăng đến 85% so cùng kỳ, đạt trên 99 tỷ đồng.
Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư của OCB trong 9 tháng đầu năm nay cũng tăng 40%, đạt trên 1.221 tỷ đồng.
Quý III/2021, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư của SeABank tăng 256% thu về gần 54 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi hơn 15 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng này thu về hơn 182 tỷ đồng từ mảng chứng khoán đầu tư so với mức lãi của cùng kỳ là hơn 156 tỷ đồng (tương đương mức tăng 17%).
Trong khi đó, chứng khoán kinh doanh của SeABank giảm 18% trong 9 tháng đầu năm nay, còn lãi hơn 42 tỷ đồng.
Tương tự, mảng chứng khoán kinh doanh của Techcombank lỗ thuần hơn 15 tỷ đồng trong quý III/2021, lũy kế 9 tháng vẫn ghi nhận hơn 180 tỷ đồng, giảm 38% so cùng kỳ.
Ngược lại, chứng khoán đầu tư của Techcombank tăng mạnh 50% so cùng kỳ khi ghi nhận hơn 306 tỷ đồng trong quý vừa qua, lũy kế sau 3 quý đầu năm nay thu về 1.472 tỷ đồng, tăng 48% so cùng kỳ.
Không chỉ nhà băng lớn mà ngân hàng nhỏ cũng kiếm bộn tiền từ mua bán chứng khoán trong 3 quý đầu năm nay khi thị trường cổ phiếu tăng mạnh.
Tại VietA Bank, nhờ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 16,63 tỷ đồng ở quý III/2021, trong khi cùng kỳ lỗ. Chính mảng kinh doanh này đã cứu ngân hàng thoát lỗ quý này.
Còn hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư thu về khoản lãi hơn 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi gần 6 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh của VietA Bank đạt 16,63 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư của nhà băng này cũng thu về khoản lãi hơn 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi gần 6 tỷ đồng.
Trong khi đó, kinh doanh ngoại hối của VietABank giảm trên 95% sau 3 quý, chỉ thu về 1 tỷ đồng.
Lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư của BacA Bank cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục trong quý III/2021 khi ghi nhận hơn 94 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ lãi 8 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, BacA Bank thu về 308 tỷ đồng từ mảng kinh doanh chứng khoán đầu tư so với cùng kỳ năm trước chỉ ghi nhận 30,42 tỷ đồng.
Rủi ro nếu các dồn vốn vào trái phiếu doanh nghiệp?
Quả thực, trong 9 tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, dẫn tới nhu cầu vay vốn sụt giảm.
Bù lại, các mảng kinh doanh ngoài lãi, nổi bật nhất là hoạt động mua bán chứng khoán ghi nhận lãi đột biến khi so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng thừa nhận, nguồn thu từ lãi trong 9 tháng đầu năm nay của ngân hàng khó kỳ vọng cao, do hoạt động cho vay tác động bởi đại dịch.
Vì thế, ngân hàng phải nỗ lực đẩy mạnh nguồn thu từ các mảng khác, trong đó có chứng khoán đầu tư, nhất là khi giá cổ phiếu có chiều hướng tăng hơn 1 năm qua.
Thế nhưng, không hẳn nhà băng nào cũng thu được lợi nhuận từ mua –bán chứng khoán trong 9 tháng đầu năm nay.
Chẳng hạn tại VietBank, lỗ thuần 88% từ mua - bán chứng khoán đầu tư trong quý III/2021 so cùng kỳ, chỉ còn hơn 21 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng lỗ thuần 34% từ mảng hoạt động này, chỉ ghi nhận hơn 382 tỷ đồng.
Tại ABBank, lỗ thuần hơn 43 tỷ đồng từ chứng khoán đầu tư trong quý III/2021 so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm lỗ hơn 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 338 tỷ đồng.
Nhưng bù lại, chứng khoán kinh doanh quý này tăng 73% so cùng kỳ khi ghi nhận hơn 42 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đầu năm lãi gần 195 tỷ đồng so với cùng kỳ chỉ lãi hơn 5 tỷ đồng.
Về cơ cấu chứng khoán đầu tư, giá trị lớn chủ yếu là chứng khoán nợ bao gồm trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá, các công cụ phái sinh có tính an toàn cao, rủi ro thấp.
Trong đó, trái phiếu thường là loại hình đầu tư phổ biến nhất. Sản phẩm này có thể được phát hành bởi Chính phủ, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc các tổ chức tín dụng (TCTD) khác với lãi suất cố định và có kỳ hạn.
Ngân hàng hưởng lãi định kỳ và tất toán khoản đầu tư vào ngày đáo hạn hoặc khi chủ thể phát hành mua lại trái phiếu. Bên cạnh đó, tín phiếu cũng là một trong những loại hình được ngân hàng lựa chọn, do NHNN phát hành nên gần như không rủi ro.
Còn đối với chứng khoán kinh doanh (cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp) mà ngân hàng thương mại mua vào với mục tiêu hưởng chênh lệch giá trong ngắn hạn và các tài sản tài chính phái sinh mà được nắm giữ không phải với mục đích phòng ngừa.
Trong thời gian qua, các ngân hàng đã tăng nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng khó tăng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, trong các thu nhập từ chứng khoán đầu tư có thu nhập từ việc bán lại trái phiếu trước hạn thì đây lại là một vấn đề đáng lưu tâm, bởi rủi ro tái tài trợ đã bộc lộ khá rõ ràng.
Hiện các ngân hàng đang có xu hướng nắm giữ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, trong khi đây là nhóm đang được các cơ quan chức năng cũng như chuyên gia cảnh báo rất nhiều, vì rủi ro khó tránh.
Do đó, một chuyên gia tiền tệ đưa ra nhận định, sẽ khó nói trước được hậu quả nếu các ngân hàng tiếp tục dồn vốn vào sản phẩm này với kỳ vọng sẽ có những thu nhập "bất thường" nhằm cân bằng những thiệt hại được cho là do dịch Covid-19 gây ra.
Trong Công văn số 3029/NHNN gửi các TCTD vào đầu tháng 5/2021, NHNN yêu cầu các TCTD và các chi nhánh NHNN thực hiện việc cho vay và giám sát cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong đó, điểm chú ý đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhằm mục đích xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Nguồn Tin Nhanh Chứng Khoán
0 comments:
Đăng nhận xét