9 thg 10, 2021

Những mảnh ghép đầu tiên của bức tranh lợi nhuận quý 3: Nhiều khoản lãi kỷ lục, thấp thoáng doanh nghiệp "lỗ chồng lỗ"

Những khoản lãi "khủng" của quý 3/2021 đã bắt đầu dần được hé lộ trong thời gian qua, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng lên tới hai – ba chữ số trên mức nền không hề thấp của cùng kỳ năm 2020.

Tin liên quan: HoSE tiếp tục cắt margin với 63 mã chứng khoán trong quý 4/2021, điển hình có TGG, TDH, YEG, HVN, HAG…


Mảng màu ảm đạm của bức tranh kinh tế quý 3 đã được phản ánh rõ ràng với việc tăng trưởng GDP giảm sâu 6,17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trái ngược với tâm lý lo ngại của nhiều nhà đầu tư về một quý ghi nhận hoạt động kinh doanh khó khăn của các doanh nghiệp, những khoản lãi "khủng" đã bắt đầu dần được hé lộ trong thời gian qua. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng lên tới hai – ba chữ số trên mức nền không hề thấp của cùng kỳ năm 2020.

Theo đó, dòng tiền vẫn liên tục đổ vào thị trường chứng khoán giúp các công ty chứng khoán "ăn nên làm ra" bất chấp bối cảnh đại dịch bùng phát. Chứng khoán Thành Công (mã chứng khoán: TCI) đã đưa ra ước tính doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2021 của TCI đạt lần lượt khoảng 240 tỷ đồng và hơn 175 tỷ đồng. Như vậy, TCI đã vượt xa kế hoạch năm lần lượt là 129% và 175%.

Mới đây, CTCK SSI (mã chứng khoán: SSI) cho biết doanh nghiệp này ước đạt gần 2.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong 9 tháng đầu năm, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước và vượt 12% so với kế hoạch 1.870 tỷ đồng.

Như vậy, riêng trong quý 3, lợi nhuận của SSI ước đạt kỷ lục trong lịch sử hoạt động với 836 tỷ đồng. Tính đến 30/9, dư nợ cho vay margin của SSI đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 2.600 tỷ đồng so với quý trước.

Tương tự tại CTCK VNDIRECT (mã chứng khoán: VND), mặc dù chưa công bố chính xác con số kết quả kinh doanh trong quý 3 vừa qua, tuy nhiên động thái tăng kế hoạch kinh doanh cả năm 2021 lần lượt 55% đối với doanh thu và 82% đối với lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch cũ cho thấy tín hiệu vô cùng khởi sắc.

Không chỉ VNDIRECT, hàng loạt công ty chứng khoán khác cũng đã "cán đích" sớm lợi nhuận năm 2021 chỉ sau 6 tháng và xin nâng kế hoạch như CTCK BIDV (mã chứng khoán: BSI) vượt 20% kế hoạch; CTCK SHS (mã chứng khoán: SHS) hoàn thành 96% kế hoạch năm..

Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, nhờ chiến lược nội địa hóa và tự chủ nguồn nguyên vật liệu chính trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, CTCP Vicostone (VCS) ước tính quý 3/2021, doanh thu thuần 1.859 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 575 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23% và 22% so với cùng kỳ năm 2020.

Lũy kế từ đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của VCS ước thực hiện 76,5% và 80% kế hoạch 2021.

* Lợi nhuận quý 3/2021 là LNTT ước tính

Ở lĩnh vực thực phẩm, CTCP Nafoods Group (mã chứng khoán: NAF) trong quý 3/2021 cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu. Châu Âu vẫn là thị trường chủ lực của Công ty, đóng góp lớn nhất vào doanh thu của công ty. Ngoài ra, các sản phẩm sấy và hạt dinh dưỡng đã chính thức thâm nhập vào kênh siêu thị tại thị trường Nga, trong khi mảng kinh doanh cây giống đã cán đích kế hoạch cả năm chỉ sau 8 tháng.

Tổng công, doanh thu toàn hệ thống ước đạt 412 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ; Lợi nhuận ròng ước đạt 20,5 tỷ đồng, tăng 52%. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu ước đạt 1.207 tỷ đồng và lãi ròng ước đạt 60,5 tỷ đồng; so với kế hoạch đề ra cho cả năm, NAF đã hoàn thành hơn 80% mục tiêu.

Trong ngành nghề đặc thù là bệnh viện, doanh nghiệp duy nhất đang niêm yết trên thị trường chứng khoán là Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (mã chứng khoán: TNH) ước tính doanh thu thuần quý 3/2021 đạt 123 tỷ đồng, tăng 39%. Kết quả, TNH thu về 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng tới 80% so với quý 3/2020.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, bất chấp bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh thu của TNH đạt 308 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 110 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng lần lượt là 31% và 37%. So với kế hoạch đề ra, bệnh viện đã hoàn thành được 73% kế hoạch doanh thu và 79% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2021.

Đối với ngành thép, tăng trưởng lợi nhuận trong quý 3/2021 và cả quý cuối năm dự báo sẽ đột phá khi được hỗ trợ bởi hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là hưởng lợi từ sự leo thang của giá thép toàn cầu.

Riêng trong tháng 9, sản xuất thép thô của Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) đạt 686.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 738.000 tấn, tăng 22% so với tháng 9/2020. Trong đó, thép xây dựng đạt 327.000 tấn; thép cuộn cán nóng (HRC) là 176.000 tấn, còn lại là phôi thép, tôn mạ, ống thép các loại.

Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã chứng khoán: TLH) gần đây đã tổng kết tình hình SXKD tháng 9, ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 283 tỷ đồng và thu lãi sau thuế 34 tỷ đồng. Lũy kế 3 quý đầu năm 2021, doanh thu thuần của TLH đạt 910 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%. Ngược lại, lãi sau thuế tăng cao ấn tượng, gấp hơn 8 lần con số cùng kỳ lên mức 106 tỷ đồng.

Với nhóm tôn mạ, xuất khẩu tháng 7 và tháng 8 của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) và CTCP Nam Kim (NKG) tăng lần lượt đều tăng mạnh so với cùng kỳ, trong khi lượng tiêu thụ nội địa giảm lần lượt từ 16-23%. Lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp nhìn chung sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020, song mức tăng trưởng sẽ không cao bằng quý 2/2021.

Ngoài thép, dệt may cũng là ngành được đánh giá là điểm sáng trong quý vừa qua nhờ hoạt động xuất khẩu. Với vị thế đơn vị sản xuất cọc sợi đứng thứ 5 tại Việt Nam, tọa lạc vị trí thuận lợi cho việc xuất khẩu, CTCP Damsan (mã chứng khoán: ADS) tiếp tục có kết quả kinh doanh rất tích cực khi ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu Sợi CD và Khăn sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc

Doanh thu hợp nhất quý 3 đạt khoảng 333 tỷ đồng, tăng trưởng 73%. Kết quả, ADS ghi nhận LNTT hợp nhất đạt khoảng 28 tỷ đồng, tương ứng tăng 90% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần ước đạt 1.030 tỷ, qua đó LNTT ước đạt hơn 85,2 tỷ đồng - gấp 20 lần so với cùng kỳ và vượt 118% kế hoạch năm 2021.

Nguồn: ADS

Trong khi đó, sau khi chuyển chiến lược tập trung xuất khẩu dòng gạo sạch cao cấp có giá xuất khẩu cao hơn CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã CK: TAR) đã công bố KQKD ước tính của quý 3/2021 với doanh thu mặc dù giảm 8% xuống còn 500 tỷ đồng, song lợi nhuận đạt 40 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ và tăng gấp đôi so với quý 2 trước đó.

Công ty tự tin khi dịch bệnh được kiểm soát cơ bản, Công ty sẽ hoàn thành thậm chí vượt mức kế hoạch kinh doanh của năm 2021 là doanh thu 3.500 tỷ đồng và lãi sau thuế 105 tỷ đồng.

Ngược chiều, tác động rõ ràng nhất của làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 được thể hiện tại nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, du lịch, dịch vụ khách sạn nội địa. CTCP Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (mã chứng khoán: VNS) cho biết, quý 3/2021 sẽ tiếp tục ghi nhận lợi nhuận là con số âm, sau khi doanh nghiệp đã phải chịu khoản lỗ 66 tỷ đồng trong quý 2 trước đó.

Trong năm 2021, mặc dù VNS đã thận trọng đề ra kế hoạch kinh doanh lỗ 79 tỷ đồng; song việc tạm ngưng hoạt động lĩnh vực taxi tại TP.HCM để đảm bảo phòng chống dịch trong quý 3 khiến Công ty "vượt" kế hoạch lỗ chỉ sau 9 tháng đầu năm.

Hay tại một doanh nghiệp khác cũng thuộc ngành nghề thiết yếu như CTCP Bột giặt LIX (mã chứng khoán: LIX), ước tính lợi nhuận quý 3 vừa qua chỉ đạt 30 tỷ đồng, giảm mạnh 50% so với thực hiện trong quý 2/2021. Nếu đúng như kế hoạch, đây sẽ là quý thứ ba liên tiếp trong năm lợi nhuận của LIX lao dốc so với quý trước đó. 

Giải thích nguyên nhân giảm mục tiêu, lãnh đạo LIX cho biết dịch bệnh đã gây khó khăn trong việc vận chuyển giao hàng đến điểm bán; đồng thời sức mua hàng tại kênh siêu thị, cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử cũng giảm mạnh. Các thị trường xuất khẩu của LIX cũng bị ảnh hưởng bởi dịch khi không triển khai được các chương trình khuyến mãi lớn hoặc không xuất khẩu được theo kế hoạch.

Nguồn Doanh nghiệp và Tiếp thị


0 comments:

Đăng nhận xét