Theo Hiệp hội ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu bình quân của các công ty tài chính đã tăng từ 6% hồi đầu năm lên 9-10% (cuối tháng 9/2021) và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo thông tin tại Hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm của nhóm các công ty tài chính do Hiệp hội ngân hàng tổ chức hôm qua (29/10), tính đến nay, tổng vốn điều lệ của các công ty tài chính hội viên đã đạt 22.195 tỷ, tăng trên 21% so với tổng vốn điều lệ năm 2020 và chiếm khoảng gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính. Trong đó công ty đứng đầu về vốn điều lệ là: Fe Credit (10.928 tỷ).
Tổng tài sản các công ty tài chính hội viên tính đến cuối tháng 9/2021 đạt khoảng 151.000 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng 2% so với cuối năm 2020; Tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020; tỷ lệ nợ xấu bình quân: 9-10% trong khi tỷ lệ này vào thời điểm cuối năm 2020 đạt khoảng 6% và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.
Thực hiện theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN, các công ty tài chính đã nỗ lực trong việc cơ cấu nợ, thời hạn trả nợ; miễn, giảm phí, lãi suất cho vay hỗ trợ người vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Hiệp hội, hoạt động của các công ty tài chính có tính đặc thù, riêng biệt, vốn kinh doanh chủ yếu dựa nguồn vay thương mại; đối tượng vay vốn chủ yếu là những người lao động có thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội; địa bàn phân tán; món vay nhỏ lẻ... chi phí đầu vào cao đẩy lãi suất cho vay cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Việc thẩm định, xác minh, quản lý hồ sơ vay vốn, việc thu nợ khó khăn do những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động và sự hiểu biết của các đối tượng vay tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, nợ xấu tăng mạnh.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, đặc biệt từ quý II đến quý III/2021, dịch covid -19 bùng phát lần thứ 4 đã có khoảng 20 tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Việc giãn cách trong thời gian dài đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ các hoạt động của nền kinh tế.
Hoạt động của các công ty tài chính là một trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Nhiều khách hàng là F1, F0 hoặc ở trong khu vực giãn cách không thể giao tiếp được với các công ty để làm các thủ tục theo quy định, đa phần các Điểm giới thiệu dịch vụ đều phải duy trì số lượng tối thiểu cán bộ nhân viên (làm việc luân phiên hoặc 3 tại chỗ) và/hoặc tạm thời đóng cửa, dẫn đến khó khăn trong việc giao dịch với khách hàng để giới thiệu sản phẩm cũng như thu phí dịch vụ, thu nợ, xử lý nợ xấu,... (do khách hàng phải hạn chế đi lại, các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ bị đóng cửa).
Những yếu tố này vừa tác động lớn đến doanh số giải ngân và thu nợ dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm. Thực hiện các thông tư của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu nợ, thời hạn trả nợ, miễn giảm phí lãi suất cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19 quy định chung cho các tổ chức tín dụng, phân định rõ tính đặc thù của hoạt động tài chính tiêu dùng. Các công ty tài chính đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc khi phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro… là rất lớn.
Nguồn CafeF
0 comments:
Đăng nhận xét