Sáng nay 5-10, Hà Nội chỉ ghi nhận thêm duy nhất 1 ca COVID-19 trong chùm ca Bệnh viện Việt Đức. Tại TP.HCM, nhiều tín hiệu lạc quan về số mắc, số tử vong giảm nhiều sau nới lỏng giãn cách.
Theo CDC TP.HCM (HCDC), trong 14 ngày qua, dịch COVID-19 tại TP.HCM có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, đặc biệt từ thời điểm nới lỏng giãn cách (1-10): số ca thu dung điều trị giảm ở tất cả các tầng trong tháp điều trị liên tục trong 7 ngày, số ca mắc mới và tử vong cùng chung xu hướng đi xuống.
Riêng số ca bệnh nặng ở tầng 3 vẫn còn cao nên số tử vong vẫn còn dao động ở mức cao, nhưng đã giảm xuống mức 2 con số.
Hiện TP.HCM đang điều trị 27.060 bệnh nhân, trong đó có 2.610 trẻ em dưới 16 tuổi, 724 bệnh nhân bệnh nặng đang thở máy. Tuy nhiên, số nhập viện mới trong vài ngày gần đây chỉ bằng 1/2 số xuất viện.
Tại buổi họp báo chiều 4-10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM cho biết có 17 quận huyện của TP được công nhận kiểm soát được dịch, bao gồm các quận 1, 3, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi và TP Thủ Đức.
Có 4 quận huyện chưa có báo cáo thẩm định, còn lại Bình Tân và Bình Chánh chưa kiểm soát được dịch.
Hà Nội chỉ thêm 1 ca COVID-19 trong chùm ca Bệnh viện Việt Đức
Sáng nay 5-10, Hà Nội thông báo ghi nhận 1 ca bệnh trong chùm ca Bệnh viện Việt Đức. Bệnh nhân nữ ở Nghệ An đến Bệnh viện Việt Đức khám ngày 22-9 sau đó ra ngoài thuê trọ, đến 1-10 khu nhà trọ của bệnh nhân có ca dương tính và bị phong tỏa, ngày 4-10 bệnh nhân được lấy mẫu, kết quả dương tính.
Tổng số ca bệnh liên quan đến chùm ca này ở Hà Nội đến nay là 34 ca, ngoài ra có 7 ca đã về các tỉnh thành. Theo đánh giá chung, ổ dịch tại đây không quá nguy hiểm và hiện đã kiểm soát được.
Ngày 4-10, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã tới làm việc với Bệnh viện Việt Đức, bàn việc đưa hơn 1.000 người tại khu cách ly của Việt Đức ra 3 bệnh viện khác tại Hà Nội, làm sạch Bệnh viện Việt Đức trước khi cho phép mở cửa trở lại.
Dữ liệu từ Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia cho biết cả nước đã tiêm được trên 47 triệu liều vắc xin, trong đó có trên 10.400.000 người đã tiêm đủ liều.
Ước tính gần 11% dân số đã được tiêm đủ liều vắc xin. Tuy nhiên, so với bình quân của thế giới, con số này còn thấp (mức bình quân chung của thế giới là 34,4%).
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét