Đặc biệt phiên VN-Index tăng hơn 31 điểm (27/10) đã ghi nhận lượng mua ròng đột biến của nhà đầu tư ngoại khớp lệnh trên HoSE với giá trị vượt mức 1.000 tỷ đồng.
Tuần giao dịch 25-29/10 ghi nhận diễn biến đầy bất ngờ của thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau khi đi ngang trong 2 tuần và liên tục bị đánh bại bởi các ngưỡng cản tâm lý, thậm chí đánh mất mốc quan trọng 1.400 điểm vào cuối tuần trước đó, nhà đầu tư bước vào tuần này với tâm lý tương đối thận trọng.
Hai phiên giao dịch đầu tuần ghi nhận chỉ số tích lũy với biên độ dao động hẹp, tuy nhiên dòng tiền chảy mạnh vào thị trường giúp thanh khoản tăng cao kéo theo chỉ số VN-Index đã bất ngờ tăng đến hàng chục điểm trong phiên giao dịch thứ 4, ngày 27/10 lập đỉnh mới 1.438,01 điểm. Chỉ số dễ dàng xô đổ hàng loạt mốc điểm mới sau đó và kết tuần tại mức điểm cao nhất - thiết lập cột mốc lịch sử trên ngưỡng 1.444 điểm.
Xét theo mức độ đóng góp, riêng bộ đôi VIC và VHM đã góp hơn 12 điểm tăng cho VN-Index trong tuần qua, bên cạnh là những cổ phiếu khác như GAS, VCB, MSN, BID, NVL khi tác động tích cực giúp củng cổ và nới rộng thêm đà tăng của thị trường chung, mức đóng góp khoảng 18 điểm tăng.
Cổ phiếu bất động sản là tâm điểm giao dịch của tuần này khi chỉ số nhóm ghi nhận mức tăng tới 6,7% với hàng loạt mã trụ cột ghi nhận mức tăng ấn tượng như VHM, KDH, NVL, HDC. Dòng tiền cũng tìm đến các nhóm ngành như xây dựng từ kỳ vọng đầu tư công hay nhóm tiện ích với GAS, IDC, POW.
Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đạt 1.444,27 điểm, tương ứng tăng tới 55,03 điểm (3,96%) so với đầu tuần. Cùng chiều, HNX-Index tăng 5,3% lên mức 412,12 điểm và UPCoM-Index tăng 5% lên 105,38 điểm.
Về giao dịch khối ngoại, giá trị giao dịch bình quân trong tuần của nhà đầu tư nước ngoài nhích nhẹ lên 1% lên mức 3.378 tỷ đồng, chiếm 5,3% tỷ trọng toàn thị trường. Điểm sáng là họ đã chấm dứt chuỗi bán ròng, trở lại mua ròng trên toàn thị trường với giá trị mua ròng cả tuần ghi nhận 303 tỷ đồng, khối lượng ròng xấp xỉ 40 triệu cổ phiếu trong tuần vừa qua. Mặc dù khối lượng mua ròng là chưa đủ lớn khi so sánh với chuỗi bán ròng đằng đẵng thời gian qua, song đây cũng là điểm tích cực, bổ sung thêm cho một tuần giao dịch đầy thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, khối ngoại trở lại mua ròng chủ yếu qua kênh khớp lệnh, trong khi vẫn còn bán ròng nhẹ trên kênh thoả thuận. Đặc biệt trong phiên VN-Index lần đầu tiên trong tuần vượt đỉnh lịch sử (27/10) đã ghi nhận lượng mua ròng đột biến của nhà đầu tư ngoại khớp lệnh trên HoSE với giá trị vượt mức 1.000 tỷ đồng.
Cụ thể hơn, tuần qua trên kênh khớp lệnh, khối ngoại mua ròng 572 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Tuy nhiên, họ vẫn bán ròng 269 tỷ đồng thỏa thuận, qua đó phần nào thu hẹp đà mua ròng trên toàn thị trường.
Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, cổ phiếu HPG đã chấm dứt chuỗi bị bán ròng liên tục, tuần này ghi nhận dấu ấn lớn khi được mua ròng 342 tỷ đồng, dẫn đầu đà mua vào của khối ngoại, Ngoài ra, dòng tiền ngoại còn chảy vào các cổ phiếu khác như GAS, STB, VHM, CTG...
Ngược lại, lực bán của khối ngoại vẫn dồn mạnh vào nhóm vốn hóa lớn như NLG, VIC, PAN, VRE, VNM.
Trên sàn HoSE, khối ngoại bất ngờ trở lại mua ròng, tổng giá trị mua ròng ghi nhận 441 tỷ đồng. Cụ thể, nhà đầu tư ngoại mua ròng 752 tỷ đồng thông qua khớp lệnh trên sàn, ngược lại họ trở lại bán ròng 311 tỷ đồng thông qua giao dịch thỏa thuận.
Chấm dứt mạch bị bán ròng, cổ phiếu HPG trong tuần này ghi nhận giá trị mua ròng mạnh nhất thị trường với 342 tỷ đồng. Có tới 3 trên 5 phiên giao dịch trong tuần cổ phiếu đứng đầu ngành thép này được mua ròng. Riêng trong phiên 28/10, thị giá HPG đã lập đỉnh lịch sử ở mức 58.000 đồng/cổ phiếu.
Xếp phía dưới, lượng mua ròng trên 100 tỷ đồng trải đều trên khá nhiều các cổ phiếu. GAS được mua ròng 265 tỷ đồng, trong khi VHM được khối ngoại mua ròng 238 tỷ đồng. Nhóm các cổ phiếu ngân hàng cũng được mua ròng trong tuần qua như STB (243 tỷ đồng), CTG (231 tỷ đồng), VCB (147 tỷ đồng). Diễn biến mua ròng còn ở các cổ phiếu khác là DXG, MSN, chứng chỉ quỹ FUESSVFL..
Tại chiều bán, NLG tiếp tục chuỗi bị bán ròng mạnh trên HoSE, giá trị bán ròng tuần này ghi nhận 625 tỷ đồng, cổ phiếu hàng không VJC cũng bị áp lực bán ra của nhà đầu tư ngoại, giá trị bán ròng ghi nhận 440 tỷ đồng. Các cổ phiếu khác bị bán ròng trên 100 tỷ đồng trong tuần còn có PAN (271 tỷ đồng), VRE (246 tỷ đồng ) và VNM (103 tỷ đồng).
Trên sàn HNX, khối ngoại vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng với quy mô 169 tỷ đồng và toàn bộ đều đến từ kênh khớp lệnh.
Giao dịch chiều bán tại HNX ghi nhận cổ phiếu TNG tiếp tục bị bán mạnh nhất với hơn 37 tỷ đồng, theo sau là PVS với giá trị bán ròng 34 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn có THD (27 tỷ đồng), HUT (14 tỷ đồng), TC6 (8 tỷ đồng), IDJ (8 tỷ đồng), BII (7 tỷ đồng)...
Ngược lại, khối ngoại mua ròng trên sàn HNX mạnh nhất tại mã CEO với 3 tỷ đồng, các cổ phiếu được mua ròng trong tuần qua còn có NDN, VIG, ART, NBC, TXM...
Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận mua ròng 30 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng 12 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh tuy nhiên mua ròng 41 tỷ đồng qua kênh thỏa thuận.
Tại phía mua vào, cổ phiếu ACG tuần này được nhà đầu tư ngoại rót ròng mạnh với 58 tỷ đồng và đều giao dịch trên kênh thỏa thuận. Ngoài ra, dòng vốn ngoại cũng tìm đến cổ phiếu dầu khí BSR trong bối cảnh giá dầu tiếp tục neo ở mức cao, giá trị mua ròng ghi nhận 13 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có VTP, ABI, PWA, ACV, CLX...
Trong khi đó, cổ phiếu VEA dẫn đầu danh sách bán ròng khi bị khối ngoại bán ròng 25 tỷ đồng và chủ yếu đều bán kênh khớp lệnh. Bên cạnh đó, QNS và NTC tiếp tục bị bán ròng lần lượt 19 tỷ đồng và 13 tỷ đồng, một số cổ phiếu bị bán ròng từ nhà đầu tư ngoại tuần qua trên UPCoM còn có SIP, LTG, SKH, VRG, AAS...
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
0 comments:
Đăng nhận xét