Doanh thu phí bảo hiểm của khối phi nhân thọ trong quý III/2021 suy giảm tới 14% so với cùng kỳ 2020, mức giảm kỷ lục từ trước đến nay.
Doanh thu sụt giảm mạnh vì Covid-19
Mặc dù đã có những dự báo từ trước về kết quả kinh doanh kém tích cực của khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong quý III/2021, nhưng con số tăng trưởng âm 14% vẫn khiến nhiều thành viên thị trường bất ngờ.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, có tới 18/30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có doanh thu giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp trong Top đầu thị phần dù giữ được đà tăng trưởng trong tháng 7 và 8 vẫn báo cáo doanh thu giảm sút mạnh hoặc không tăng trưởng trong quý III. Chẳng hạn, Bảo hiểm Bảo Minh có doanh thu giảm hơn 20% so với cùng kỳ, PVI giảm 1%.
MIC là doanh nghiệp hiếm hoi giữ được tốc độ tăng trưởng doanh thu 4% trong quý vừa qua.
Lý do chủ yếu khiến doanh thu của khối bảo hiểm phi nhân thọ sụt giảm thê thảm trong quý III là việc nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có TP.HCM và Hà Nội – hai khu vực đóng góp tỷ trọng doanh thu lớn nhất - bị “đóng băng” nhiều hoạt động kinh tế vì đại dịch Covid-19 và các biện pháp giãn cách để phòng chống dịch.
Mặc dù việc “đóng băng” này cũng giúp tỷ lệ bồi thường của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ thấp hơn (ở mức 30,6% so với mức 34% của cùng kỳ năm ngoái), nhưng doanh thu tăng trưởng âm quá lớn khiến kết quả 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp bảo hiểm cũng bị giảm khá nhiều.
Tổng hợp doanh thu tính đến tháng 9/2021 của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, khối phi nhân thọ chỉ tăng trưởng khoảng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Quý IV, mặc dù các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã mở cửa trở lại để phát triển kinh tế, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng khá thận trọng. Thực tế, đến cuối tháng 10, các doanh nghiệp bảo hiểm mới rục rịch khởi động lại nhiều hoạt động kinh doanh.
Trong hai tháng cuối năm, theo đại diện PTI, “thị trường có thể sẽ tăng trưởng cao do các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bung nguồn lực để vét doanh thu cuối năm. Dẫu vậy, mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng trong 2 tháng cuối năm cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 10% so với cùng kỳ”.
Thông tin được Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cung cấp, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều đặt mục tiêu tăng trưởng phí bảo hiểm gốc âm hoặc thấp trong năm 2021.
Cổ phiếu vẫn có “sóng”
Bức tranh chung của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong quý III và 9 tháng đầu năm 2021 kém tích cực, tuy vậy vẫn có những điểm sáng.
Chẳng hạn, Bảo hiểm PVI nhờ vẫn giữ được tăng trưởng tốt trong 8 tháng đầu năm nên 9 tháng ghi nhận tổng doanh thu 7.583,7 tỷ đồng, tăng trưởng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 79,2% kế hoạch năm 2021.
Tính riêng phí bảo hiểm gốc, doanh thu 9 tháng của PVI tăng trưởng 10,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 686,6 tỷ đồng, tăng trưởng 20,1% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 106,4% kế hoạch năm…
Trong khi đó, PTI báo lãi 9 tháng đạt hơn 200 tỷ đồng, hoàn thành 80% kế hoạch kinh doanh cả năm.
Hay PJICO báo lãi trước thuế 9 tháng trên 322 tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ 2020 và hoàn thành 160% kế hoạch cả năm. Đây là năm PJICO có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong hơn 26 năm hoạt động.
Trong đó, phần lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng phí là khoảng 44 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ đạt 36%, tăng vọt so với mức 19% của cùng kỳ năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên nguồn vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) đạt 15,4%, tăng mạnh so với mức 9,7% cùng kỳ…
Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu bảo hiểm vẫn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu BVH tăng hơn 8,55% trong tuần qua, đóng cửa ở vùng giá 64.700 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu BMI ghi nhận mức tăng 16,4%, đóng cửa tại mức giá 45.800 đồng/cổ phiếu.
Cùng thời gian, cổ phiếu PGI của PJICO tăng từ 27.300 đồng/cổ phiếu lên 31.050 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng 13,7%.
Ngoài đà hưng phấn chung của thị trường chứng khoán, khiến dòng tiền lan tỏa vào hầu hết các nhóm cổ phiếu thì đà tăng của các cổ phiếu bảo hiểm còn được hỗ trợ bởi kỳ vọng đây là nhóm tăng trưởng ổn định trong dài hạn, cùng với những câu chuyện riêng như thoái vốn nhà nước và nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tại một số doanh nghiệp.
Được biết, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đề nghị triển khai kế hoạch thoái vốn năm 2021 tại một số doanh nghiệp đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung thoái vốn tại Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (mã BMI).
Hiện SCIC đang nắm giữ 22,15 triệu cổ phiếu BVH (tỷ lệ 2,98%), nắm giữ 55,44 triệu cổ phiếu BMI (tỷ lệ 50,7%).
Đón nhận thông tin SCIC có kế hoạch thoái vốn, các cổ phiếu ngành bảo hiểm như BVH, BMI, PVI, MIG… đã tăng mạnh trong thời gian qua. Theo BSC, việc nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp các công ty bảo hiểm được định giá lại.
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có công văn thông báo chính thức cho PTI về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại hãng bảo hiểm này. Theo đó, hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại PTI là 100% phù hợp với quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Đối với PJICO, sau khi công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về phương án phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ từ 887 tỷ đồng lên hơn 1.100 tỷ đồng và điều chỉnh phương án chi trả cổ tức năm 2021, dự kiến hãng bảo hiểm này sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào tháng 12/2021 để trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu.
Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp PJICO tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh trong giai đoạn mới, tăng cường năng lực tài chính và tăng sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia các dự án đấu thầu lớn trên thị trường. Dự kiến, thời gian hoàn thành việc phát hành tăng vốn điều lệ là trong quý I/2022.
Nguồn Tin Nhanh Chứng Khoán
0 comments:
Đăng nhận xét