3 thg 11, 2021

TP.HCM sau 1 tháng ‘mở cửa’: Số ca mắc và tử vong đều giảm, thêm nhiều vùng xanh

'Mở cửa' tất yếu đối diện với rủi ro nhưng điều đáng mừng đến nay các chỉ số về số ca mắc mới và số ca tử vong tại TP.HCM có chiều hướng giảm đáng kể, đồng thời tỉ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 tăng theo thời gian…

Tỉ lệ tiêm chủng vắc xin của TP.HCM được xem là "điểm cộng" để thành phố kéo giảm mức độ dịch. Trong ảnh: Nhân viên y tế tiêm vắc xin cho học sinh từ 12-17 tuổi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Kể từ ngày 1-10, TP.HCM từng bước nới lỏng giãn cách xã hội sau một thời gian dài thắt chặt biện pháp "ai ở đâu ở yên đó". Hơn một tháng "mở cửa", nhiều loại hình dịch vụ được phép mở trở lại, cuộc sống của người dân cũng đã dần trở lại bình thường…

"Mở cửa" tất yếu đối diện với rủi ro nhưng điều đáng mừng từ đó đến nay các chỉ số về số ca mắc mới và số ca tử vong tại TP.HCM có chiều hướng giảm đáng kể; đồng thời tỉ lệ tiêm chủng vắc xin của thành phố có chiều hướng tăng theo thời gian…


Giảm số ca mắc, tử vong; tăng tỉ lệ bao phủ vắc xin

Trên Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM, biểu đồ số ca mắc mới liên tục đi xuống. Cụ thể ngày 1-10 số ca mắc của thành phố được công bố là 3.670 ca, đây cũng là ngày có số ca được ghi nhận cao nhất trong hơn một tháng qua khi thành phố "mở cửa".

Kể từ đó chỉ có 4 ngày số ca mắc vượt ngưỡng 2.000 ca, 17 ngày số ca mắc trên 1.000 ca, còn lại có 9 ngày số ca mắc giảm duy trì ở mức 3 con số (dưới 1.000 ca). Đặc biệt có ngày gần đây nhất số ca mắc giảm xuống còn 687 ca.

Tương tự, số ca tử vong cũng giảm sâu. Trong suốt đợt dịch thứ 4 có ngày cao điểm TP.HCM ghi nhận 340 ca tử vong, nay còn 21 ca (ngày 31-10). Trong hơn 1 tháng qua, chỉ duy nhất một ngày (1-10) số ca tử vong ở mức 3 con số, còn lại được kéo giảm chỉ còn 2 con số và càng có chiều hướng giảm dần theo thời gian.

Về tỉ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi, tính đến ngày 1-10, toàn TP đã tiêm được 10.791.649 mũi, trong đó 6.896.169 người tiêm mũi 1 (95,8%) và 3.895.480 người tiêm mũi 2 (54%). Sau một tháng đẩy mạnh tiêm chủng, đến ngày 2-11, toàn TP đã tiêm được 13.436.957 mũi, trong đó có 7.699.178 người tiêm mũi 1 (đạt trên 100%) và 5.737.779 người tiêm mũi 2 (xấp xỉ 80%).

Tỉ lệ tiêm chủng cho các đối tượng nguy cơ như người cao tuổi, người có các bệnh lý nền của thành phố cũng tăng theo thời gian. TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên cả nước triển khai tiêm chủng cho trẻ từ 12-17 tuổi. Hiện các quận huyện đang trong giai đoạn tiêm vét mũi 1, ước tính sẽ có 780.000 trẻ được tiêm vắc xin trong đợt này.

Các bệnh viện tuyến cuối tỉ lệ bệnh nhân nặng không còn báo động, chứng tỏ hiệu quả của vắc xin và các túi thuốc điều trị tại nhà, hoặc ở các tầng dưới đang phát huy tác dụng - Ảnh: Bệnh viện cung cấp


Các vùng nguy cơ đang chuyển màu

Suốt thời gian qua, nếu dựa vào các tiêu chí được Bộ Y tế hướng dẫn thì TP.HCM trải qua đủ các cấp độ dịch từ nguy cơ rất cao (vùng đỏ), nguy cơ cao (vùng cam) và nguy cơ trung bình (vùng vàng) và nay đang dần tiệm cận với cùng xanh (bình thường mới).

Theo báo cáo của ngành y tế TP.HCM, tính đến ngày 1-11 toàn thành phố đã đạt và duy trì ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) trong kết quả đánh giá cấp độ dịch COVID-19. Điều đặc biệt cấp độ này đã duy trì trong suốt hơn nửa tháng qua, dù "mở cửa" nhiều hoạt động, loại hình dịch vụ.

Hiện toàn thành phố đã có 13/22 địa phương đạt cấp độ 1 (vùng xanh), trạng thái bình thường mới. Còn ở cấp phường, xã, thị trấn cũng đã có 207/312 địa phương đạt cấp 1, không có địa phương nào rơi vào cấp 4 (nguy cơ rất cao).

Dự kiến số địa phương tiệm cận trạng thái "bình thường mới" sẽ ngày càng mở rộng trong thời gian tới.


Các ca mắc hầu như triệu chứng nhẹ

Với việc "mở cửa" ngày càng rộng các loại hình dịch vụ; các cơ sở sản xuất đi vào hoạt động trở lại và lao động trở lại TP.HCM làm việc tăng cao… các chuyên gia dự báo có thể số ca mắc tại thành phố có thể sẽ gia tăng nhưng không đáng lo ngại.

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ Online mới đây, PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - nhận định số F0 chưa giảm mạnh xuất phát từ việc các khu vực công nghiệp, nhà máy cho hoạt động trở lại tiến hành xét nghiệm cho công nhân trước khi đi làm.

Từ các ca F0 này phát sinh một số chùm ca mắc tại gia đình, công ty hoặc xí nghiệp. Tuy vậy đa phần không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, số ca chuyển nặng từ nhóm này gần như chưa ghi nhận.

"Tất nhiên không vì thế mà quá chủ quan, nhưng rõ ràng tỉ lệ bao phủ vắc xin của người dân thành phố đang là một lợi thế, là căn cứ để an tâm hơn, có áo giáp bảo vệ nhất định", ông Thượng khẳng định.

Còn tại một số bệnh viện điều trị COVID-19, theo Sở Y tế TP.HCM, số ca bệnh có tăng chủ yếu xuất phát chủ yếu từ việc "dồn bệnh", tức phát sinh sau khi TP.HCM quyết định tạm dừng hoạt động các bệnh viện dã chiến, trả lại công năng ban đầu cho một số bệnh viện.

Ngoài ra khi dịch bớt căng thẳng, một số F0 có nhu cầu được vào bệnh viện để được chăm sóc, điều trị tốt hơn thay vì ở nhà.

Tỉ lệ người nguy cơ cao (cao tuổi, bệnh nền) ở TP.HCM đã được tiêm vắc xin khá cao, giúp số bệnh nhân mắc và trở nặng giảm đáng kể - Ảnh: DUYÊN PHAN


"Mở cửa" là bước đi đúng hướng

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường ĐH Y Dược TP.HCM) - cho rằng trong điều kiện "mở cửa" nhưng số ca mắc, số ca tử vong của TP.HCM được kéo giảm đáng kể chứng tỏ các biện pháp phòng chống dịch của TP đang phát huy hiệu quả tốt, và khẳng định việc "mở cửa" là bước đi đúng hướng.

"Khi xác định sống chung với COVID-19 và chấp nhận mở cửa phát triển kinh tế thì thành phố không còn phòng thủ 100%, không còn nằm trong pháo đài… Nhưng các chỉ số cho thấy dịch đang được kiểm soát tốt, phù hợp với tình hình của các quốc gia mới tiêm chủng.

Tỉ lệ ca mắc trong một tuần/100.000 dân của TP hiện tương đương với Pháp, một quốc gia đang được đánh giá có kết quả chống dịch rất tốt", PGS.TS Đỗ Văn Dũng phân tích và khuyến cáo người dân không vì thế mà chủ quan, bởi hiệu quả của vắc xin theo thời gian sẽ giảm dần.

Dự báo tình hình mới, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng trong bối cảnh dịch ở các tỉnh xung quanh có chiều hướng bùng phát, số người quay trở lại TP.HCM học tập lao động tăng… số ca mắc, tử vong của TP.HCM có thể tăng, nhưng không đáng kể và không quá ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy vậy, bên cạnh duy trì các biện pháp chống dịch, TP cần tiếp tục giáo dục cho người dân về ý thức tuân thủ các biện pháp phòng dịch nhằm duy trì hiệu quả này.

"TP.HCM cơ bản tạm ổn, còn các địa phương tình hình khá căng thẳng, do đó theo tôi thành phố cần chia sẻ cho các tỉnh về phương tiện, nhân lực chống dịch và đặc biệt là vắc xin", bác sĩ Dũng nói.

Hiện ngành y tế TP.HCM đang tích cực cử nhân lực, trang bị máy móc hỗ trợ các tỉnh miền Tây, Tây nguyên chống dịch. Trong đó, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Thống Nhất đã chia sẻ 47.000 liều vắc xin các loại cho tỉnh Bạc Liêu.


Bệnh viện tuyến cuối không còn cảnh dồn bệnh

Bác sĩ Phạm Thanh Việt - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm hỗ trợ quản lý Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Thủ Đức - khẳng định riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, số ca chuyển vào điều trị (tầng 3) chỉ tăng vài ca, chưa ghi nhận dấu hiệu đột biến, trong khi đó ở Bệnh viện hồi sức Thủ Đức vẫn duy trì số ca nặng đang hồi sức điều trị lâu nay.

"Việc bệnh viện tuyến trên không còn bị dồn bệnh, số ca chuyển nặng nhập viện không tăng chứng tỏ hiệu quả của vắc xin và các túi thuốc điều trị tại nhà, hoặc ở các tầng dưới đang phát huy tác dụng", bác sĩ Việt đánh giá.

Nguồn TTO

0 comments:

Đăng nhận xét