Sau các vụ Viện trưởng VKSND Trảng Bàng, Tây Ninh bị tố đụng chạm vào vùng nhạy cảm, Bí thư Cô Tô, Quảng Ninh “quan hệ bất chính với cán bộ thuộc quyền”, nhiều người đặt câu hỏi hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ bị xử lý ra sao?
Ông Lê Hùng Sơn, Tỉnh ủy viên, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, đã bị bãi nhiệm đại biểu HĐND.
Viện trưởng VKSND Tối cao cũng yêu cầu làm rõ tại sao Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh chậm báo cáo vụ ông Tạ Hoàng Phi.
Ông Tạ Hoàng Phi bị chị P.T.V.V (SN 1995, chuyên viên VKSND thị xã Trảng Bàng) tố cáo một buổi tối sau khi uống bia tại trụ sở cùng với 5 người trong cơ quan, ông Phi gọi chị V vào phòng để nhờ "bắt gió". Tại đây, ông Phi có những cử chỉ thiếu chuẩn mực, đòi cho quan hệ tình dục. Chỉ khi chị V cắn lưỡi thì ông Phi mới bỏ ra và chị chạy về phòng.
Ông Lê Hùng Sơn có liên quan đến nghi án hiếp dâm 1 nữ cán bộ huyện Cô Tô, vi phạm quy chế làm việc, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quan hệ bất chính với cán bộ thuộc quyền.
Về chế tài xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, theo khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.
Còn theo khoản 1 Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng sau: Trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy lợi ích liên quan đến công việc; Hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối - Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Ngoài ra, quấy rối tình dục tại nơi làm việc còn bao gồm: Hành vi mang tính thể chất (hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục); Quấy rối tình dục bằng lời nói; Quấy rối tình dục phi lời nói (ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục…).
Người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc đối với người khác, sẽ bị xử lý kỷ luật lao động tương ứng với hình thức xử lý đã được quy định trong nội quy lao động, thậm chí cá nhân này có thể bị sa thải theo Khoản 2 Điều 125 BLLĐ 2019.
Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà người thực hiện có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 -300.000 đồng đối với cá nhân có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
Trường hợp chứng minh được hành vi quấy rối tình dục xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác thì người thực hiện có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS 2015. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý về Tội Hiếp dâm hoặc Cưỡng dâm - Luật sư Thu nhấn mạnh.
Nguồn Báo An Ninh Thủ Đô
0 comments:
Đăng nhận xét