23 thg 12, 2021

Nhiều F0 trở nặng

HÀ NỘI - F0 tăng kéo theo ca nặng tăng, nhiều bệnh nhân đã tiêm đủ vaccine vẫn diễn tiến xấu do cao tuổi hoặc mắc bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch.


Tại Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên cho biết trong vài tuần gần đây F0 tăng nhanh, có bệnh nhân đã tiêm đủ hai mũi đang tình trạng nguy kịch phải thở máy, cần hỗ trợ về chức năng sống... Tổng F0 đang điều trị là khoảng 120 người (gồm bệnh nhân tầng 2, 3). Riêng đơn nguyên hồi sức ICU do bác sĩ Nguyên phụ trách điều trị khoảng 20 bệnh nhân nặng, trong đó 18 ca phải thở máy xâm nhập (nguy kịch).

Điển hình như bệnh nhân nữ, 63 tuổi, ở Ba Đình, từ bệnh viện tuyến thành phố chuyển viện Điều trị Người bệnh Covid-19 ngày 11/12. Bà đã tiêm đủ hai mũi vaccine, đang mắc ung thư phổi, đã xạ trị một năm, nhập viện trong tình trạng suy kiệt, suy hô hấp, viêm phổi mức độ nặng, phải thở oxy mask 10 lít/ phút. "Bệnh nhân đã ung thư di căn xương, khó thở, đau ngực, ung thư gây tổn thương toàn bộ trường phổi bên phải, xẹp phổi, đông đặc phổi trái, hình ảnh tổn thương phổi lớn, rất nguy kịch", bác sĩ Nguyên cho hay.

Kíp huy động lực lượng y tế hồi sức chuyên sâu tiếp ứng, sử dụng thuốc chống đông, kháng virus và theo dõi ICU, hỗ trợ oxy dòng cao đến thở máy không xâm nhập nhưng không đáp ứng. Hơn một tuần trôi qua, bệnh nhân vẫn đang sử dụng thuốc an thần và thở máy xâm lấn, tiến triển chậm.

Kế bên là giường của cụ bà 83 tuổi, không mắc bệnh nền, tiêm đủ mũi, đang phải thở máy xâm nhập. Bệnh nhân đã điều trị gần một tháng nhưng tình trạng chưa khả quan, vẫn cần thở máy xâm nhập hoàn toàn với nồng độ oxy cao. Các giường bệnh khác cũng lấp đầy người bệnh, đa số đều mắc bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, đang điều trị ung thư...

PGS.TS Hoàng Bùi Hải (Phó giám đốc bệnh viện) cho biết, các y bác sĩ từng tham gia điều trị bệnh nhân những đợt dịch bùng phát lớn tại Đà Nẵng, Bắc Giang, Phú Yên, Bình Dương... và đặc biệt là TP HCM, đều dặn dạn kinh nghiệm. Song, áp lực điều trị ở tầng 3 vẫn rất lớn, nhất là khi F0 ngày càng tăng, nhiều bệnh nhân đã tiêm đủ vaccine vẫn trở nặng, diễn tiến xấu và đe dọa tử vong.

Tình trạng F0 nặng tăng, kể cả đã tiêm vaccine diễn tiến nặng, cũng được ghi nhận tại các bệnh viện tuyến cuối khác.

Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (được Sở Y tế Hà Nội phân công điều trị F0 nặng) đang điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân, một nửa là bệnh nhân nặng, thở máy. Trong đó, tình trạng bệnh nhân đã tiêm nhưng vẫn trở nặng chiếm khoảng 30%.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc bệnh viện, nói: "tỷ lệ người chưa tiêm ở Hà Nội rất ít, đa số là người cao tuổi và bệnh nền nên ngại tiêm, cần vận động, đến từng nhà để giảm tử vong nếu không may mắc bệnh. Còn bệnh nhân đã tiêm khi nhiễm nhẹ hơn, cơ hội sống cao hơn. Tỷ lệ bệnh nhân đã tiêm vaccine tử vong ở Đức Giang khoảng 7%.

Tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Phó giám đốc cho biết đang điều trị 128 bệnh nhân, 45 bệnh nhân nặng. Trong đó, 25 ca chưa tiêm vaccine, 17 ca tiêm hai mũi, 3 ca tiêm một mũi. Bệnh viện Đa khoa Hà Đông được giao 200 giường điều trị, chia đều cho bệnh nhân tầng 2 và 3. Đại diện bệnh viện cho biết tính đến sáng 21/12, cơ sở này đang điều trị hơn 160 F0, trong đó số F0 nặng là gần 20, bao gồm cả bệnh nhân tiêm đủ mũi; còn lại là bệnh nhân tầng 2.

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đến ngày 22/12, Hà Nội đang điều trị hơn 7.000 F0 tại nhà, hơn 4.700 F0 ở bệnh viện; hơn 4.800 F0 tại khu cách ly. Trong đó, hơn 3.300 F0 không triệu chứng hoặc nhẹ, bệnh nhân mức độ trung bình là hơn 1.200 người; 220 bệnh nhân nặng; chưa có thống kê cụ thể về trường hợp đã tiêm vaccine trở nặng.

Nguồn VNEXPRESS

0 comments:

Đăng nhận xét