13 thg 3, 2022

10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhóm bất động sản và xây dựng đi xuống

Đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn biến động tiêu cực trong tuần giao dịch từ 7-11/3. Hàng loạt cổ phiếu bất động sản và xây dựng nằm trong top giảm giá của các sàn giao dịch.


Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt trong tuần từ 7-11/3, tuy nhiên, thị trường chứng khoán biến động xấu do tâm lý nhà đầu tư vẫn được cho là ảnh hưởng từ lo ngại tình hình lạm phát sau khi giá xăng trong nước tiếp tục leo cao.

VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ở mức 1.466,54 điểm, tương ứng giảm 38,79 điểm (-2,58%) so với tuần trước đó. HNX-Index cũng giảm 8,39 điểm (-1,86%) xuống 442,2 điểm. Trong khi đó, UPCoM-Index vẫn tăng 2,08 điểm (1,84%) lên 115,37 điểm.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 35.561 tỷ đồng/phiên, tăng 6,6% so với tuần trước đó, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt 33.806 tỷ đồng/phiên, tăng 6,2%.

Đa số các cổ phiếu vốn hóa lớn biến động tiêu cực, trong đó, MSN của Masan (HoSE: MSN) giảm mạnh nhất top 30 vốn hóa với mức 11,7%. BCM của Becamex IDC (HoSE: BCM) cũng giảm 8,2%. Cổ phiếu PLX của Petrolimex (HoSE: PLX) biến động có phần tiêu cực trước sự hạ nhiệt của giá dầu thế giới, cổ phiếu này giảm hươn 5% chỉ sau một tuần giao dịch.

Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng tiếp tục biến động tiêu cực, trong đó, TPB của TPBank (HoSE: TPB) giảm 5,2%, ACB của Ngân hàng Á Châu (HoSE: ACB) giảm 4,7%, VIB của Ngân hàng Quốc tế (HoSE: VIB) giảm 4,6%, MBB của Ngân hàng Quân đội (HoSE: MBB) giảm 4,4%...

Chiều ngược lại, chỉ có 4 cổ phiếu tăng giá trong top 30 vốn hóa là VGI của Viettel Global (UPCoM: VGI, VEA của VEAM (UPCoM: VEA), NVL của Novaland (HoSE: NVL) và VNM của Vinamilk (HoSE: VNM).


Tăng giá

Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE thuộc về RDP của Nhựa Rạng Đông (HoSE: RDP) với 36% từ mức 10.800 đồng/cp lên 14.700 đồng/cp. RDP tăng mạnh với thanh khoản đột biến. Tổng khối lượng khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này trong tuần giao dịch từ 7-11/3 đạt 425.000 đơn vị/phiên, gấp 8,4 lần tuần trước. Mới đây, ông Đỗ Minh Luân, Kế toán trưởng đăng ký mua vào 500.000 cổ phiếu RDP để đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ 16/3 đến 14/4 thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HoSE.

Hai cổ phiếu khác ở sàn HoSE cũng tăng giá trên 35% là VAF của Phân lân Văn Điển (HoSE: VAF) và AAM của Thủy sản Mekong (HoSE: AAM).

Ở sàn HNX, cổ phiếu THS của Thanh Hoa Sông Đà (HNX: THS) tăng giá mạnh nhất với 52,5%. Tiếp sau đó, TPH của In Sách giáo khoa TP.Hà Nội (HNX: TPH) cũng tăng 42,4%. Tuy nhiên, điểm chung của hai cổ phiếu này là đều có thanh khoản rất thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân chỉ khoảng 100 - 120 đơn vị/phiên.



10 cổ phiếu tăng mạnh nhất HNX.

Một cổ phiếu khác ở sàn HNX cũng tăng giá trên 40% là APP của Phụ gia và SP Dầu mỏ (HNX: APP). Khối lượng khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này trong tuần vừa qua đạt 61.900 đơn vị gấp 4 lần tuần trước.

Tại sàn UPCoM, "tân binh" GEE của Thiết bị điện Gelex (UPCoM: GEE) tăng giá mạnh nhất thị trường với 95,4%. 300 triệu cổ phiếu GEE chính thức chào sàn UPCoM vào sáng ngày 8/3. Cổ phiếu này sau đó có 3 phiên tăng trần liên tiếp và một phiên tăng gần 4%. Thiết bị điện Gelex vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, là một trong hai đơn vị thành viên do Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) sở hữu chi phối, chuyên về sản xuất công nghiệp thiết bị điện và quản lý, vận hành các nhà máy nguồn phát điện.

10 cổ phiếu tăng mạnh nhất UPCoM.

Cổ phiếu LGM của Giày da và may mặc XK (Legamex; UPCoM: LGM) tăng gần 95%. Tuy nhiên, thanh khoản của LGM là rất thấp với khối lượng khớp lệnh bình quân đạt 5.140 đơn vị/phiên.


Giảm giá

Cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HoSE thuộc về PTC của Xây lắp Bưu Điện PTIC (HoSE: PTC) với gần 18%. Doanh nghiệp này mới đây thông qua Nghị quyết tăng sở hữu tại Điện gió Hướng Linh 8. Cụ thể, PTC dự kiến mua gần 7,6 triệu cổ phiếu của Điện gió Hướng Linh 8, qua đó tăng tỷ lệ sở hữu lên hơn 50% vốn. Tổng giá trị thương vụ sẽ không vượt quá 112 tỷ đồng và dự kiến diễn ra ngay trong quý I/2022. HĐQT PTC cũng thông qua việc chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 80%, cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu đang lưu hành sẽ nhận được 8 cổ phiếu phát hành thêm.

10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HoSE.

Tuần từ 7-11/3 là thời điểm không mấy tích cực của các cổ phiếu thuộc nhóm xây dựng và bất động sản. Trong top 10 mã giảm giá mạnh sàn HoSE có đến 6 mã thuộc hai nhóm ngành nói trên.

Cổ phiếu VRC của Bất động sản và Đầu tư VRC (HoSE: VRC) đứng thứ 2 trong danh sách giảm giá sàn HoSE với 15%.

Ở sàn HNX, các cổ phiếu bất động sản và xây dựng cũng biến động tiêu cực. Trong đó, VE2 của Xây dựng Điện VNECO 2 (HNX: VE2) giảm mạnh nhất với hơn 14%. Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này chỉ đạt vỏn vẹn 60 đơn vị/phiên.

10 cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX.

Các mã bất động sản xây dựng khác gồm SCI của SCI E&C (HNX: SCI), IDJ của IDJ Financial (HNX: IDJ), API của Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (HNX: API)... cũng đều nằm trong danh sách giảm mạnh sàn HNX.

Tại sàn UPCoM, cổ phiếu MEG của Công ty Megram (UPCoM: MEG) giảm giá mạnh nhất với gần 39%. Tuy nhiên, cổ phiếu này chỉ có duy nhất một phiên xuất hiện giao dịch khớp lệnh vào 9/3. Trước đó, MEG đã không có giao dịch khớp lệnh kể từ phiên 11/3/2021. 

10 cổ phiếu giảm mạnh nhất UPCoM.

Đa số các mã giảm mạnh sàn UPCoM đều có thanh khoản rất thấp.

Nguồn NDH

0 comments:

Đăng nhận xét