Phương án mở cửa lại hoạt động du lịch hướng tới việc khôi phục hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch hướng dẫn chi tiết về việc nhập cảnh, quy định phòng chống dịch với 3 nhóm du khách. Doanh nghiệp du lịch xây dựng kế hoạch, quy trình đón khách an toàn theo phương án chi tiết được hướng dẫn.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản số công bố phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Ảnh: VnExpress.
Phương án này hướng tới việc khôi phục hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19’’ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/2021; mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế sau thời gian triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Đồng thời xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai Phương án, tạo sự thống nhất giữa các bên để phục hồi và phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 năm 2017 của Bộ Chính trị.
Chi tiết các điều kiện dành cho 3 nhóm du khách
Văn bản nêu rõ từ 15/3, Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch Covid-19 dành cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound); khách du lịch ra nước ngoài (outbound) và khách du lịch nội địa.
Cụ thể, với hoạt động du lịch quốc tế, thực hiện chính sách thị thực theo Nghị quyết số 32/ 2022 về việc miễn thị thực cho công dân 13 nước, gồm Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Nauy, Belarus và Phần Lan; Công văn số 1606/2022 của Văn phòng Chính phủ về khôi phục chính sách xuất nhập cảnh của Việt Nam và các chính sách thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài theo quy định của Chính phủ.
Đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) qua đường hàng không phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72h nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24h nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2 và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.
Đối với khách nhập cảnh qua đường đường bộ, đường sắt, đường biển phải có xét nghiệm như đối với khách nhập cảnh qua đường hàng không.
Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 như quy định vừa nêu thì thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2).
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì được phép nhập cảnh và tham gia hoạt động du lịch. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm vaccine Covid-19 hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.
Khách du lịch phải khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID), thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định trong thời gian lưu trú tại Việt Nam.
Tại cửa khẩu nếu khách du lịch có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) thì báo ngay cho cơ quan y tế tại cửa khẩu để thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.
Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhập cảnh, khách du lịch tự theo dõi sức khỏe, nếu có các triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) thì phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn, quản lý kịp thời; thực hiện các biện pháp phòng bệnh (thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh; hạn chế tiếp xúc gần với người xung quanh).
Khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD; đảm bảo các điều kiện về xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định pháp luật xuất nhập cảnh của Việt Nam và các quy định liên quan khác khi du lịch tại Việt Nam.
Đối với khách du lịch ra nước ngoài (outbound) phải tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh, y tế và các quy định liên quan của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ tham quan du lịch.
Đối với hoạt động du lịch nội địa, triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 128/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và các văn bản hướng dẫn liên quan đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; triển khai Chương trình kích cầu, phục vụ hoạt động du lịch nội địa trên toàn quốc; tổ chức xúc tiến, quảng bá điểm điến, xây dựng sản phẩm trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn.
Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn, hiệu quả; tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước, đẩy mạnh truyền thông “Live fully in Vietnam’’ - Sống trọn vẹn tại Việt Nam đối với các thị trường quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường du lịch nội địa.
Doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, quy trình đón khách an toàn
Bộ cũng phối hợp với các địa phương chỉ đạo, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng dịch vụ du lịch, nguồn nhân lực du lịch để phục vụ mở cửa lại hoạt động du lịch; chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành thường xuyên cập nhật các hướng dẫn y tế phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Việt Nam để thông tin cho khách du lịch, đối tác nước ngoài.
Cũng tại văn bản này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Y tế cập nhật các hướng dẫn y tế đối với người nhập cảnh, ban hành văn bản hướng dẫn quy trình phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với đối tượng khách du lịch nhập cảnh từ ngày 15/3; hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về giám sát, điều tra, xử lý các trường hợp nhập cảnh phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 tại cửa khẩu đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển; chỉ đạo cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế tại cửa khẩu kiểm tra, bảo đảm điều kiện nhập cảnh, hướng dẫn khai báo y tế điện tử dành cho người nhập cảnh.
Đồng thời, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành chuẩn bị các phương án cách ly y tế, xử lý rủi ro trong trường hợp bùng phát dịch, nhất là đối với các chủng virus biến thể mới; hướng dẫn tổ chức tiêm phòng Covid-19 khi khách có nhu cầu sau khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, doanh nghiệp dịch vụ lữ hành quốc tế triển khai các thủ tục cấp thị thực nhập, xuất cảnh theo quy định; phối hợp hỗ trợ trong đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự cho khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại Việt Nam; hướng dẫn thủ tục khai báo y tế đối với người nước ngoài nhập cảnh, đảm bảo liên thông với dữ liệu PC-COVID, tạo thuận lợi cho việc khai báo của khách cũng như công tác theo dõi y tế, giám sát, truy vết người nhập cảnh.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ứng dụng khoa học công nghệ thông tin trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân và bản đồ số để phục vụ hoạt động mở cửa lại hoạt động du lịch; chuẩn bị các điều kiện (gồm địa điểm, phương tiện, nhân lực...) triển khai xét nghiệm nhanh cho khách du lịch trước khi nhập cảnh qua đường bộ, đường sắt, đường biển đảm bảo không gây ùn tắc, an toàn, thuận tiện cho khách du lịch.
Đồng thời, hai bộ sẵn sàng các phương án phục vụ công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ; phối hợp với cơ quan y tế và các bên liên quan chuẩn bị sẵn sàng địa điểm, phương án cách ly y tế trong trường hợp cần thiết.
Bộ Ngoại giao thông báo rộng rãi thời gian, nội dung mở cửa lại hoạt động du lịch của Việt Nam cho các đối tác, doanh nghiệp du lịch tại các thị trường quốc tế; cập nhật, công bố mẫu Chứng nhận tiêm chủng của các quốc gia, vùng lãnh thổ được Việt Nam công nhận; phối hợp với Bộ Y tế tăng cường đàm phán với các nước, vùng lãnh thổ về việc chấp nhận Chứng nhận tiêm chủng Covid-19 của Việt Nam. Đồng thời, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng như các địa phương trong việc truyền thông, xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lại hoạt động du lịch, thống nhất quy trình đón khách đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19; chủ động phối hợp, liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp để phát triển sản phẩm, dịch vụ vu lịch phù hợp với nhu cầu của khách; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, chất lượng dịch vụ du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, để tổ chức lại các hoạt động du lịch an toàn, hiệu quả. Các địa phương tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, có chính sách kích cầu thu hút khách du lịch quốc tế và nội địa.
Các doanh nghiệp du lịch xây dựng kế hoạch, quy trình đón khách an toàn theo phương án này và các quy định liên quan của ngành Du lịch, ngành Y tế và địa phương. Doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng các phương án phòng, chống dịch và xử lý trường hợp mắc Covid-19 theo quy định; tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế để kiểm soát tốt dịch bệnh.
Nguồn NDH
0 comments:
Đăng nhận xét