Tổng lượng dư bán sàn và dư bán tại phiên ATC của cổ phiếu hệ sinh thái FLC phiên 28/3 lên tới hơn 230 triệu đơn vị. Đây là lượng dư bán sàn quy mô lớn, đạt mức kỷ lục của sàn chứng khoán trong suốt 20 năm thị trường đi vào hoạt động.
Nhà đầu tư đã trải qua một phiên giao dịch chao đảo khi liên tục là những tin đồn và những thông tin liên quan tác động lớn đến thị trường chứng khoán. Cổ phiếu hệ sinh thái FLC giảm sàn kéo theo hàng loạt các cổ phiếu bất động sản giảm sâu, đặc biệt cổ phiếu hai ngân hàng đang là "chủ nợ" lớn nhất của FLC cũng giảm sâu. Hiệu ứng domino đã ảnh hưởng lớn đến chỉ số VN-Index. Trong phiên có thời điểm VN-Index đã rơi 22 điểm. Tuy nhiên với tiền mua bắt đáy khá mạnh, VN-Index đã hồi phục và đóng phiên ở mức 1.483 điểm, tương ứng giảm 15 điểm.
Về hệ sinh thái cổ phiếu FLC, ngay mở phiên giao dịch ngày 28/3, hàng loạt cái tên như FLC, ROS, AMD, ART...đã đồng loạt giảm sàn, mất thanh khoản. Số lượng cổ phiếu dư bán sàn lên tới hàng trăm triệu đơn vị. Đặc biệt, trong phiên ATC, FLC bị nhồi thêm lệnh bán lên tới vài chục triệu đơn vị khiến cho tình hình càng thảm hơn.
Cụ thể, FLC dư bán sàn 92 triệu đơn vị, giá giảm xuống 13.600 đồng/cổ phiếu; ROS giảm sàn xuống 8.770 đồng/cổ phiếu, lượng dư bán sàn lớn tới 85 triệu đơn vị; ART giảm sàn xuống 10.300 đồng/cổ phiếu, số lượng dư bán sàn đạt trên 7,6 triệu đơn vị; KLF bị bán sàn xuống 6.400 đồng/cổ phiếu, lượng dư bán sàn 20,8 triệu đơn vị; cổ phiếu HAI giảm sàn xuống 6.320 đồng/cổ phiếu, dư bán sàn hơn 12,8 triệu đơn vị; AMD giảm sàn xuống 6.650 đồng/cp, dư bán sàn gần 13 triệu đơn vị.
Lượng dư bán kỷ lục của hệ sinh thái FLC
Tổng lượng dư bán sàn và dư bán tại phiên ATC của cổ phiếu hệ sinh thái FLC phiên 28/3 lên tới hơn 230 triệu đơn vị. Đây là lượng dư bán sàn quy mô lớn, đạt mức kỷ lục của sàn chứng khoán trong suốt 20 năm thị trường đi vào hoạt động.
Hai cổ phiếu ngân hàng là "chủ nợ" lớn nhất của FLC cũng giảm sâu. Theo báo cáo tài chính năm 2021 của FLC, STB hiện là bên cho vay lớn nhất với 1.840 tỷ đồng, BIDV là 1.747 tỷ đồng. Chốt phiên, cổ phiếu STB giảm 5,3% xuống mức 31.850 đồng/cổ phiếu, thanh khoản lên tới 36,7 triệu đơn vị. Cổ phiếu BID giảm 4,3% xuống mức 41.600 đồng/cổ phiếu, thanh khoản gần 4 triệu đơn vị.
Dưới hiệu ứng của thị trường, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng sụt giảm sâu, nhiều cổ phiếu sàn la liệt như: NBB, QCG, DIG. Loạt các cổ phiếu bất động sản khác có biên độ giảm sâu như: L14, DIG, CEO, NLG, NBB, CII, QCG, DRH, SCR,…
Nhóm bất động sản sụt giảm sâu
Ngày 24/3/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 164/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với FLC. Theo đó, FLC bị phạt 495 triệu đồng vì có những vi phạm liên quan đến báo cáo tài chính, công bố thông tin của doanh nghiệp…
Mới đây, tại huyện Củ Chi, TP. HCM, Tập đoàn FLC đã có buổi báo cáo kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn. Cụ thể, FLC đề xuất nghiên cứu đầu tư 2 dự án là Công viên Sài Gòn Safari với quy mô hơn 456 ha và Khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn có quy mô hơn 910 ha.
Theo đó, dự án Công viên Sài Gòn Safari tọa lạc tại 2 xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng, thuộc khu vực Tây Bắc của Thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm khoảng 40km. Từ đây có thể kết nối dễ dàng với các tuyến đường quan trọng như TL7, TL15, đường Nguyễn Thị Rành, An Nhơn Tây, Phú Thuận, Đỗ Đăng Tuyển.
Dự án bao gồm 5 phân khu: khu dịch vụ tổng hợp, khu resort nghỉ dưỡng và khách sạn đẳng cấp 5 sao, khu vườn thú mở, khu Safari, khu công viên vui chơi giải trí tổng hợp.
Trước đó ngày 9/2/2022, cũng trong phạm vi TP. HCM, FLC đề xuất xây dựng khu phức hợp Smart Eco City ở huyện Bình Chánh, với quy mô 1.200 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 80.000 tỷ đồng với điểm nhấn là tòa tháp cao 99 tầng.
Theo Nhịp sống kinh tế
0 comments:
Đăng nhận xét