6 thg 3, 2022

Vì sao nên bỏ đếm ca Covid-19 cộng đồng?

Nhiều chuyên gia thế giới ủng hộ ngừng thống kê số ca Covid-19 theo ngày bởi không phản ánh tình hình dịch bệnh thực tế, song một số khác lo ngại sẽ gây tâm lý chủ quan.

Chợ Bến Thành mở cửa trở lại sau hơn 3 tháng ngưng hoạt động, ngày 6/10/2021, tiểu thương và người đi chợ quét mã QR Covid. Ảnh: Quỳnh Trần

Khi Omicron lây lan mạnh, số ca nhiễm tại các nước tăng cao đáng kể. Một số chuyên gia ủng hộ siết chặt các biện pháp hạn chế, một số đề xuất hướng đi khác hoàn toàn, là ngừng thống kê số ca nhiễm theo ngày. Họ tin rằng trong bối cảnh Omicron lưu hành rộng rãi, đếm số ca nhiễm "gây ra nỗi hoang mang và sợ hãi, song không phản ánh tình hình thực tế" rằng đại dịch đã suy yếu.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế cũng vừa đề xuất Chính phủ bỏ đếm ca nhiễm hàng ngày, ngừng cách ly F1, mặc dù số ca nhiễm tăng cao, do "không phản ánh đúng tình hình thực tế".

Trong phỏng vấn trực tuyến với Guardian mới đây, Monica Gandhi, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, giáo sư y khoa tại Đại học California, San Francisco, Mỹ, chỉ ra sự cách biệt đáng kể giữa số ca nhiễm và nhập viện, tử vong. Bà dẫn dữ liệu của New York Times, trong cao điểm dịch hồi tháng 1, Mỹ ghi nhận kỷ lục hơn 900.000 ca nhiễm mỗi ngày, song số ca tử vong trên dưới 1.000. Ca mắc mới tăng 181%, nhưng tỷ lệ nhập viện tăng 19%, số người tử vong giảm 5%.

Theo bà Gandhi, khi báo cáo dữ liệu về Covid-19, các cơ quan y tế nên áp dụng cách tiếp cận tương tự bệnh cúm, đó là công bố số ca nhập viện và tử vong, thay vì thống kê số người mắc mới. Vì không thể loại bỏ hoàn toàn virus, bà cho rằng các nước chỉ nên tập trung vào mức độ nghiêm trọng của nó.

"Khi đã chấp nhận virus là bệnh đặc hữu, như cúm, thì không cần theo dõi số ca nhiễm. Chúng ta không dùng cách này khi ứng phó với các loại virus khác, mà chỉ theo dõi từng đợt dịch và chú ý đến số người nhập viện", bà nói.

Cuối năm 2021, một số nước bắt đầu áp dụng chiến lược này. Hôm 7/12/2021, Bộ Y tế Singapore thông báo ngừng cập nhật số ca Covid-19 hàng ngày trên phương tiện truyền thông. Theo họ, bản tin này không có nhiều ý nghĩa trong giai đoạn hiện tại của dịch bệnh, khi Singapore chuyển sang sống chung với virus.

Bộ vẫn báo cáo số ca nhập viện và tử vong, tỷ lệ người điều trị hồi sức tích cực (ICU) trên trang web chính thức. Giáo sư Teo Yik Ying, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết số ca nhiễm cộng đồng dao động "tùy thuộc vào việc mỗi F0 có muốn gặp bác sĩ không, hay chọn cách điều trị tại nhà do biểu hiện nhẹ".

Ông giải thích: "Có khá nhiều ca nhiễm không triệu chứng. Vì vậy việc thống kê số F0 mới trở nên khó khăn và khá vô nghĩa ở giai đoạn này". Giáo sư Teo gợi ý giới chức báo cáo số ca theo tuần hoặc tháng. Song về lâu dài, ông cho rằng nên bỏ hẳn việc đếm ca Covid-19. Bằng cách thay đổi chiến lược thống kê theo ngày, Bộ Y tế đang gửi tín hiệu rằng Singapore đã chuyển sang giai đoạn tiếp theo của quá trình ứng phó đại dịch, ông nói.

Tháng 1, giới chức Canada cho biết không tập trung vào số ca nhiễm hàng ngày, ngay thời điểm nước này đang ghi nhận lượng F0 ở mức kỷ lục, vì hầu hết người bệnh có triệu chứng tương đối nhẹ. Thay vào đó, Canada tập trung nguồn lực vào các nhóm dễ bị tổn thương nhất. Omicron ở khắp mọi nơi.

"Chúng ta cần chấp nhận rằng mình có thể lây nhiễm ở bất cứ đâu. Mấu chốt là quản lý và làm giảm tỷ lệ lây nhiễm, không phải loại bỏ hoàn toàn", tiến sĩ Robert Strang, giám đốc cơ quan y tế tỉnh Nova Scotia, cho biết.

Ngày 1/3, chính phủ Philippines cũng thông báo ngừng đăng tin cập nhật ca nhiễm nCoV. Giống Singapore, nước này chỉ thống kê số ca nhiễm nặng và tử vong, cùng tỷ lệ người điều trị trong ICU, theo Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire. Từ ngày 7/3, Philippines phát hành bản tin sửa đổi, trong đó tập trung vào các ca nhiễm nghiêm trọng và tình hình sử dụng ICU.

Theo bà Vergeire, đây là tín hiệu cho thấy Covid-19 sẽ tồn tại vĩnh viễn. Người dân cần học cách sống chung với căn bệnh, ngay cả khi số ca nhiễm tăng. Một số quan chức chính phủ và chuyên gia không đồng tình với chiến lược này, cho rằng biến chủng mới vẫn có thể xuất hiện với đặc tính trốn tránh vaccine. Tuy nhiên, bà Vergeire cho biết nên quan tâm số ca nhiễm nặng, nguy kịch và nguy cơ quá tải nhập viện, thay vì số ca mắc mới, phần lớn có thể chữa tại nhà hoặc không triệu chứng. "Đối với số ca mắc nhẹ, chúng tôi coi đó là một phần của cuộc sống", bà nói.

Đối với một số chuyên gia thế giới, đây vẫn là chủ đề gây ra tranh cãi. Theo William Haseltine, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Harvard, Mỹ, hiểu được tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng là cách để chung sống an toàn với đại dịch, cho phép người dân điều chỉnh hành vi dựa trên nguy cơ virus lây lan.

"Hãy tưởng tượng, trước khi có Omicron, nếu chỉ thống kê số ca nhập viện và tử vong, chúng ta sẽ chậm chân hơn so với virus. Chúng ta không kịp sửa đổi hành vi của mình, hủy bỏ các sự kiện, không biết phân phối nguồn lực cho hệ thống y tế và tăng cường xét nghiệm", ông viết trên Forbes.

Theo giáo sư Haseltine, dữ liệu ca nhiễm cho phép các nước lập kế hoạch chống dịch cấp địa phương, biết chính xác khu vực cần gửi nguồn cung thiết bị y tế và xét nghiệm. Báo cáo ca nhiễm trên phạm vi toàn cầu giúp khách du lịch đưa ra quyết định sáng suốt, là cơ sở để phân bổ nguồn hỗ trợ quốc tế. Ông cho rằng ngừng đếm ca có thể khiến việc kiểm soát biến chủng mới trở nên khó khăn hơn.

Theo giáo sư Haseltine, coi Omicron là biến chủng "nhẹ" ở người đã tiêm chủng khiến cơ quan y tế bỏ qua nhóm bệnh nhân bị ức chế miễn dịch và người gặp di chứng Covid-19 ngay cả khi không có triệu chứng.

Giáo sư Leslie Bienen, khoa y tế công cộng Đại học Y tế và Khoa học Oregon, có quan điểm đối lập. Theo bà, các nước nên căn cứ vào đặc tính của virus, vaccine và phương pháp điều trị mới để đưa ra hướng dẫn y tế, thay vì số ca nhiễm.

Bà cho rằng dùng số ca mắc làm thước đo quyết định biện pháp chống dịch khiến chúng ta mãi mắc kẹt trong chính những biện pháp hạn chế đó. Nhiều khu vực sẽ yêu cầu người dân đeo khẩu trang lâu dài ở những nơi không cần thiết, cách ly cả trẻ em khỏe mạnh, đóng cửa trường học chỉ vì một lượng F0 nhỏ.

Theo bà, những "biện pháp vô nghĩa" này không làm chậm sự lây lan của Covid-19. Tập trung vào số F0 cũng tạo ra nhận thức sai lầm rằng vaccine kém hiệu quả, bởi số ca nhiễm đột phá (tức nhiễm mặc dù tiêm đủ liều vaccine) tăng lên khi số người tiêm chủng tăng lên. Tuy nhiên, phần lớn ca nhiễm đột phá không nhập viện.

Bên cạnh đó, việc người dân tự xét nghiệm tại nhà sẽ dẫn đến một số ca sai lệch kết quả (âm tính giả và dương tính giả) hoặc không báo cáo với cơ sở y tế, theo giáo sư Bienen.

Thục Linh (Theo Guardian, Straistimes)

0 comments:

Đăng nhận xét