15 thg 5, 2022

Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì

Chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì, nhằm hạ nhiệt giá mặt hàng này đang leo thang trong nước.

Thời tiết nắng nóng gay gắt khiến công nhân phải tạm nghỉ để uống nước khi đang bốc xếp lúa mì, tháng 5/2022. Ảnh: Bloomberg

Bloomberg dẫn một thông báo từ Chính phủ Ấn Độ cho biết, quyết định này đưa ra trong bối cảnh lạm phát leo thang, cao nhất 8 năm và giá lúa mì tăng vọt. Hiện giá mặt hàng này tại quốc gia Nam Á khoảng 465 USD một tấn, tăng gấp gần 2 lần mức giá hỗ trợ tối thiểu mà chính phủ đưa ra (260 USD một tấn).

Các đơn hàng có thư tín dụng không huỷ ngang được ký, phát hành trước thời điểm lệnh cấm có hiệu lực vẫn sẽ được xuất khẩu.

Bộ Lương thực Ấn Độ hy vọng giá lúa mì tại quốc gia này sẽ giảm nhiệt sau khi lệnh cấm có hiệu lực. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại lệnh cấm của quốc gia sản xuất lúa mì thứ hai thế giới sẽ sớm đẩy giá lương thực toàn cầu lên mức đỉnh mới, bởi ngoài nước này thì hiện không có nhà cung cấp lớn nào khác trên thị trường. Ngoài ra, động thái này cũng làm "nóng" thêm xu hướng bảo hộ lương thực kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bắt đầu.

"Lệnh cấm này thực sự gây sốc. Chúng tôi nghĩ rằng Ấn Độ sẽ hạn chế xuất khẩu sau 2 hoặc 3 tháng nữa nhưng có lẽ lạm phát đã khiến chính phủ thay đổi ý định", đại diện một công ty thương mại toàn cầu có trụ sở tại Mumbai, nói.

Gần đây nhiều quốc gia đang gia tăng bảo hộ như một cách đảm bảo nguồn cung lương thực trong bối cảnh giá nông sản tăng cao. Đầu tháng 5, Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ, còn Serbia và Kazakhstan áp đặt hạn ngạch với các lô hàng ngũ cốc.

Tại một cuộc họp diễn ra hôm 14/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Đức Cem Oezdemir cho biết, Đức và nhóm G7 bày tỏ "với sự lo ngại" về động thái ngừng xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ và quyết định cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia.

"Nếu tất cả chúng ta bắt đầu áp đặt những giới hạn xuất khẩu này, hoặc thậm chí đóng cửa thị trường, điều đó chỉ làm cho cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn", Bộ trưởng Oezdemir nói tại một cuộc họp báo ở Stuttgart.

Ông nói thêm, lệnh cấm này sẽ gây tổn hại cho chính Ấn Độ và những người nông dân nước này.

Andrew Whitelaw, một nhà phân tích ngũ cốc tại Thomas Elder Markets có trụ sở tại Melbourne, cho biết thế giới đang bắt đầu thiếu lúa mì. Hiện, sản lượng lúa mì vụ đông của Mỹ bị giảm do hạn hán, còn nguồn cung từ Pháp đang cạn và xuất khẩu của Ukraine thì bị hạn chế.

Còn Siraj Chaudhry, Giám đốc điều hành của National Commodities Management Services Ltd., một công ty kinh doanh và kho bãi, nhận xét kiểm soát xuất khẩu lúa mì là động thái cần thiết với Ấn Độ để đảm bảo nguồn cung, kiềm chế lạm phát trong bối cảnh sản xuất trong nước đang gặp khó khăn vì thời tiết khắc nghiệt, chi phí phân bón tăng cao.

Nhưng Chaudhry nói, cách giảm thiệt hại tốt hơn cả là hạn chế sản lượng xuất khẩu và đưa ra mức giá xuất khẩu tối thiểu, thay vì ban hành lệnh cấm đột ngột. Bởi điều này sẽ gây ra thách thức với thương mại, ảnh hưởng uy tín các nhà xuất khẩu, thu nhập của nông dân...

Sản lượng lúa mì của Ấn Độ tăng 15% trong 9 năm qua, từ 93,5 triệu tấn vào 2012, lên 110 triệu tấn vào năm ngoái. Nhưng dự kiến sản lượng mùa vụ 2022-2023 giảm về 105 triệu tấn sau 6 năm tăng liên tiếp.

Trước lệnh cấm lần này, Ấn Độ đặt kế hoạch xuất bán 10 triệu tấn lúa mì trong năm nay, nhằm tận dụng sự gián đoạn nguồn cung và mở rộng thị trường mới tại châu Âu, châu Á và châu Phi.

Theo Bộ Lương Thực Ấn Độ, các thương nhân đã ký hợp đồng xuất khẩu 2022 - 2023, trị giá 4,5 triệu USD.

Tháng 4, Ấn Độ đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn lúa mì, mức kỷ lục. Điều này giúp xoa dịu phần nào cho thị trường ngũ cốc trong bối cảnh các nhà nhập khẩu đang chạy đua tìm kiếm sự lựa chọn thay thế nguồn cung ở Biển Đen. Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã ký kết các thỏa thuận để xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn lúa mì trong tháng 5.

Nhưng đợt nắng nóng kéo dài đã làm sản lượng lúa mì nước này sụt giảm tới 50%. Điều đó làm dấy lên lo ngại với thị trường trong nước, nơi hàng triệu người phụ thuộc vào nông nghiệp, coi đây là nguồn sinh kế và thực phẩm chính của họ.

Nguồn VNEXPRESS

0 comments:

Đăng nhận xét