3 thg 5, 2022

“Bức tường” giá

Những “biệt thự trên không” siêu sang chào giá max đến 570 triệu đồng/m2 , tương đương 157 tỉ đồng cho một căn hộ 275m2, tức là bằng... 157 căn nhà ở xã hội. Trong khi căn hộ chỉ 1-1,6 tỉ đồng, công nhân cũng không thể mua nổi. Phải chăng đang thật sự tồn tại những bức tường?

Một nhà trọ cho công nhân, cho những người đã gần như bị gạt ra khỏi thị trường bất động sản. Ảnh: Minh Hương

Giá căn hộ chung cư đều có xu hướng tăng, khoảng 3%. Riêng Hà Nội, giá chung cư tăng 4-5% - báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng.

Về giá thì đã “không còn căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2”.

Vậy là Bộ Xây dựng đã xác nhận tình trạng mà Hiệp hội Bất động sản TPHCM vừa báo cáo. Rằng: Giá nhà đất tăng liên tục trong 5 năm qua”, rằng: “Chỉ số giá nhà ở cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình xã hội… Và cả sự “lệch pha” nữa, khi “loại nhà ở giá bình dân chỉ chiếm 1% trong nguồn cung nhà ở mới năm 2020 và biến mất trong năm 2021 (0%).

Năm 2020, báo Thanh Niên công bố một mức giá từ 20.000 - 25.000 USD/m2 (tương đương khoảng 460 - 570 triệu đồng/m2) tại một dự án ở khu tứ giác Bến Thành. Một mức phá vỡ kỷ lục về giá. Một mức giá cao nhất lịch sử.

Phải mở ngoặc là với diện tích căn hộ từ 90-275m2, những “cư dân đại gia” sẽ phải chi từ 41,5 đến... 157 tỉ đồng để sở hữu một căn hộ.

Ở Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn - từng đưa ra một so sánh: Năm 2002, giá nhà tại quận Hoàn Kiếm khoảng 11 triệu đồng/m2, năm 2020 đã tăng lên 360 triệu đồng/m2. "Trong khi giá vàng chỉ tăng khoảng 8 lần và giá nhà đã tăng tới 33 lần sau 18 năm… một mức tăng rất lớn", lời ông Quốc Anh.

Những kỷ lục phi mã về giá sau những cơn sốt đất. Nhưng trong chiều hướng ngược lại, kể cả những căn hộ giá chỉ 1 đến 1,6 tỉ đồng, thậm chí được vay 70%, tương đương 900 triệu, thậm chí được trả trong 15 năm, nhưng người lao động cũng không thể mua, theo bà Trần Thị Diệu Thuý - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM.

Hồi tháng 4, kết quả khảo sát từ HĐND TPHCM và công đoàn... cho biết: Chỉ 17% lao động có nhà ở thành phố. 40% ở nhà thuê; 36% ở chung với gia đình. 40% người khảo sát có thu nhập 5-10 triệu đồng, 36% lựa chọn mua nhà từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng.

Các trung tâm đô thị “không còn căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2”.

Một “căn hộ trên không” siêu sang từ 41,5 đến... 157 tỉ đồng, tức là bằng 41 đến... 157 căn nhà ở xã hội.

Và ngay cả với cái giá 1-1,6 tỉ đồng thì lao động nghèo, công nhân cũng không thể mua nổi.

Hình như đó không còn chỉ là sự “lệch pha” cung cầu nữa. Đó là một vô lý cần phải được sửa đổi trong các chiến lược về nhà ở, về thị trường bất động sản để thật sự “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Nguồn Báo Lao Động

0 comments:

Đăng nhận xét