Nhiều ý kiến đề nghị cần có quy định ngưng thu phí BOT đường bộ vào các ngày lễ tết. Do nguyện vọng này chưa được cấp có thẩm quyền xem xét nên kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 người dân tiếp tục chịu khổ với nạn kẹt xe.
Mặc dù xả trạm nhưng vẫn ùn xe trước và sau trạm thu phí Long Phước (trên cao tốc hướng từ TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) vào sáng 30-4 - Ảnh: T.T.D.
Trong bối cảnh người dân đi lại đông trong dịp lễ, chờ đến thời điểm ùn tắc mới xả trạm không chỉ gây bức xúc cho người dân mà ngay cả chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước cũng gặp không ít khó khăn.
Tắc đâu, xả đó
Sáng 30-4, khi lưu lượng xe rời Hà Nội đi các tỉnh phía Nam tăng, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam phải xả trạm thu phí Cao Bồ (Nam Định) thuộc đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong 52 phút, từ 8h02 đến 8h54, và thu phí trở lại khi giao thông ổn định.
Ông Nguyễn Văn Thành - cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV, Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết trước dịp lễ Cục Quản lý đường bộ IV và Cục Cảnh sát giao thông đã yêu cầu các nhà đầu tư chủ động và thực hiện nghiêm quy định xả trạm khi ùn tắc.
Trong thời gian cao điểm ngày 29-4 và 30-4, các trạm thu phí ở khu vực phía Nam đều chấp hành quy định về xả trạm.
Đặc biệt, sáng 30-4 đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã chủ động xả trạm thu phí Long Phước hơn 2 tiếng và có thể nói đây là thời gian xả trạm lâu nhất từ trước tới nay.
Đồng thời, đơn vị quản lý cao tốc chủ động phát thẻ giấy (thay cho thẻ từ) trong thời gian cao điểm để khi xả trạm không bị mất thẻ, gây thiệt hại tài sản.
Ông Thành cũng cho hay các tuyến quốc lộ, cao tốc về miền Tây trong thời gian lễ lưu lượng cũng rất đông.
Tại quốc lộ 60 đoạn trạm thu phí và cầu Rạch Miễu ùn tắc kéo dài do đó phải xả trạm 4 lần vào ngày 29-4. Sáng 30-4, khu vực này tiếp tục ùn tắc, trạm thu phí phải xả trạm (các làn 1, 3, 5) theo hướng Tiền Giang đi Bến Tre từ 8h08 đến 11h10.
Ông Đinh Hồng Hà - tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC), chủ đầu tư dự án BOT mở rộng quốc lộ 51 - cho biết tuyến quốc lộ này được thiết kế với lưu lượng 15.000 lượt xe/ngày đêm nhưng nhiều năm qua lượng xe thực tế gấp 2 - 3 lần.
Không chỉ những ngày lễ tết, thỉnh thoảng vào các ngày cuối tuần cũng xảy ra ùn ứ, kẹt xe tại trạm thu phí và phải xả trạm.
Ông Hà cho biết, theo quy định hiện hành, nếu kẹt xe kéo dài 700m thì phải xả trạm. Nhưng trên thực tế, có khi mới kẹt 500 - 600m là BVEC đã cho xả trạm, cứ tắc ở đâu thì xả ở đó.
Chỉ 4 tháng đầu năm 2022, 3 trạm thu phí trên quốc lộ 51 đã hơn 170 lần xả trạm. Riêng ngày 30-4, trạm thu phí T2 đã phải xả trạm từ 8h15 đến 11h cùng ngày.
Ông Nguyễn Văn Thành lưu ý sau dịp lễ người dân sẽ tiếp tục trở lại TP.HCM, do đó bà con cần lựa chọn tuyến đường phù hợp và tránh đi cùng một thời điểm để hạn chế kẹt xe.
Hiện lực lượng chức năng đã xây dựng các phương án điều tiết phân luồng từ xa, trường hợp cao tốc có sự cố, tai nạn hoặc đông xe sẽ phân luồng linh hoạt, hạn chế xe chạy vào.
Ông Thành cũng khuyến cáo người dân đi trên các tuyến cao tốc cần giữ khoảng cách an toàn, không chạy vào làn khẩn cấp. Thực tế thời gian qua có rất nhiều người chạy vào làn khẩn cấp khi thấy cao tốc ùn ứ, gây khó cho lực lượng chức năng điều xe cứu hộ đến giải tỏa.
Nên quy định xả trạm những ngày lễ tết
Anh N.T.T. (ngụ ở TP.HCM) nói dù đơn vị quản lý cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã xả trạm vào buổi sáng 30-4, nhưng đến trưa cùng ngày, xe cộ di chuyển qua trạm thu phí vẫn chậm.
Do đó, cơ quan chức năng nên có quy định là xả trạm các ngày cao điểm lễ tết để bà con đi lại cho thoải mái.
Một chuyên gia giao thông cho hay các đơn vị tổ chức thu phí xả trạm dựa vào quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Cụ thể như dòng xe xếp hàng trước trạm thu phí 700m trở lên thì phải xả. Nhưng muốn xả trạm phải có cơ quan có thẩm quyền thống nhất và lập biên bản. Chẳng hạn như xả trạm thu phí trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thì phải có sự giám sát của các đơn vị Cục Quản lý đường bộ IV, Cục Cảnh sát giao thông.
"Người dân rước bực mình khi mua vé đi cao tốc mà xe phải nhích từng chút. Còn cơ quan chức năng vừa phải giám sát xả trạm, vừa điều tiết giao thông, vừa nghe người dân gọi phản ảnh chỗ này chỗ kia kẹt sao trạm thu phí không xả.
Trong khi đơn vị quản lý cao tốc lại lo xả trạm sẽ mất thẻ từ đã phát cho tài xế" - chuyên gia này nói.
"Theo tôi, quy định về xả trạm hiện nay nên được sửa và bổ sung theo hướng: vào các dịp lễ tết cho phép xả trạm liên tục, hoặc trước và sau ngày lễ được xả trạm không dưới 12 tiếng. Nếu bổ sung thêm quy định này, thay vì chỉ xả trạm khi ùn tắc, sẽ đỡ vất vả cho cả người dân, đơn vị thu phí và cơ quan quản lý nhà nước" - vị này đề xuất.
Quốc lộ 51 đã quá tải trong nhiều năm qua nên thường xuyên kẹt xe, nhất là tại các trạm thu phí - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Bộ GTVT không "quyết" được
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Huyện - tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết trước đây đã có những đề xuất không thu phí trong những ngày lễ tết nhưng vì chưa có cơ sở pháp lý nên các cấp thẩm quyền không đồng ý. Do vậy, đến nay vẫn phải đợi ùn tắc ở trạm thu phí mới xả trạm.
"Vừa rồi các trạm thu phí chấp hành, cứ tắc là xả trạm như trạm Cao Bồ (cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình), trạm Long Phước (cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây). Nhưng thực tế không phải chỉ ùn ứ tại trạm thu phí mà các tuyến đường không thu phí cũng ùn ứ khi lưu lượng xe tập trung quá nhiều trong một thời điểm.
Tại Hà Nội, lượng xe tập trung rời nội đô khiến đường vành đai 3 quá tải, ùn ứ kéo dài chứ không phải do trạm thu phí. Hoặc trên các tuyến đường có thu phí không bị ùn tắc tại trạm nhưng ùn tắc trên đường do va chạm, tai nạn.
Trên quốc lộ không thu phí cũng ùn ứ ở những khu đông dân cư, các điểm giao cắt khi lưu lượng quá đông" - ông Huyện lý giải và cho biết thêm trong ngày cuối của kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 các cục quản lý đường bộ vẫn thường xuyên giám sát yêu cầu xả trạm khi ùn tắc kéo dài.
Theo ông Huyện, việc không thu phí BOT đường bộ vào ngày lễ tết trong năm một mình Bộ GTVT không quyết được.
Chính phủ nên chỉ đạo các bộ liên quan thống nhất chính sách để "tháo khoán" trạm thu phí vào ngày lễ tết rồi bù doanh thu cho các dự án BOT bằng cách kéo dài thời gian thu phí.
"Việc này cũng không ảnh hưởng tới nhà đầu tư dự án BOT, người dân chấp nhận trả phí sau để ngày lễ đi cho thuận tiện. Lúc đã miễn phí ngày lễ mà có tắc đường thì trạm BOT cũng không bị mang tiếng" - ông Huyện cho hay.
Xe vào làn ETC mà trả tiền mặt bị phạt 1 - 2 triệu đồng, tước bằng lái 1 - 3 tháng
Theo Bộ GTVT, hiện còn 106 làn thu phí thuộc 24 trạm thu phí cần lắp đặt thu phí không dừng - ETC (chưa kể 140 làn do VEC quản lý) để bảo đảm tại mỗi chiều xe chạy chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp.
Tổng cục Đường bộ được giao làm việc cụ thể với từng địa phương, từng nhà đầu tư BOT để thống nhất phương án lắp đặt các làn ETC còn lại tại tất cả các trạm thu phí và hoàn thành trong tháng 6-2022.
Bộ GTVT sẽ thí điểm thu phí ETC hoàn toàn từ tháng 6-2022 trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, xe không dán thẻ ETC sẽ đi quốc lộ 5 song song với đường cao tốc này.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, khi các trạm thu phí chỉ để lại mỗi chiều đường xe chạy 1 làn thu phí hỗn hợp thì xe nào không sử dụng ETC sẽ đi vào làn đó và chấp nhận xếp hàng chờ đợi, ùn ứ để trả tiền mặt. Xe trả tiền mặt đi vào làn ETC sẽ bị phạt.
Tổng cục Đường bộ đang phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông thực hiện giải pháp chuyển dữ liệu xe không sử dụng ETC đi vào làn ETC để cảnh sát giao thông xử phạt theo quy định.
Theo nghị định 123/2021/NĐ-CP, xe không dán thẻ ETC đi vào làn ETC tại các trạm thu phí thì tài xế có thể bị phạt 1 - 2 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe 1 - 3 tháng.
TUẤN PHÙNG
Nguồn TTO
0 comments:
Đăng nhận xét