Các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 0,2%, 0,3% và 0,7%. Nhóm công nghệ và tiêu dùng giảm khi lợi suất trái phiếu chính phủ đi lên, nhóm năng lượng tăng điểm.
Sau tuần giao dịch tăng điểm trước đó, chứng khoán Mỹ đi xuống và có thể kết thúc giai đoạn 6 tháng đầu năm giảm điểm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ.
Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 62,42 điểm, tương đương 0,2%, xuống 31.438,26 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,3% xuống 3.900,11 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,7% xuống 11.524,55 điểm.
Chứng khoán Mỹ giảm trong buổi chiều ngày 27/6 sau khi có thời điểm giao dịch trên ngưỡng tham chiếu. Các chỉ số giằng co giữa tăng và giảm trong bối cảnh nhà đầu tư đắn đo liệu thị trường đã chạm đáy hay chỉ tăng điểm trong thời gian ngắn sau khi đã rơi vào vùng quá bán.
Diễn biến chỉ số Dow Jones trong hai phiên giao dịch gần nhất. Ảnh: CNBC.
Tuần này, chứng khoán Mỹ được dự báo tiếp tục xu hướng tăng trong ngắn hạn trong bối cảnh nhà đầu tư tái cân bằng lại danh mục vào cuối quý.
Diễn biến của các chỉ số chính trong phiên giao dịch ngày hôm qua tương đối “vô định” khi không có một tác động nổi bật nào lên xu hướng thị trường, Ross Mayfield tới từ Baird, chia sẻ với CNBC.
Ông nhấn mạnh bất cứ dấu hiệu nào cho thấy lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt sẽ có tác động tích cực lớn đối với thị trường.
“Chúng tôi kỳ vọng nếu lạm phát đã đạt đỉnh và dù quá trình đảo chiều diễn ra chậm, mức độ biến động trên các thị trường tài chính sẽ giảm dần về cuối năm”, theo Tom Tzitzouris, Trưởng bộ phận nghiên cứu các thị trường thu nhập cố định tại Strategas. “Còn nếu lạm phát tiếp tục đi lên, mức độ biến động sẽ tiếp tục tăng”.
Nhóm cổ phiếu công nghệ và tiêu dùng kéo giảm các chỉ số chính ngày hôm qua trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng. Electronic Arts và Take-Two Interactive giảm lần lượt 3,5% và 3,3%. Best Buy giảm hơn 3,4%.
ETSY là mã cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhóm S&P 500 với mức giảm 3,6% sau khi bị hạ tín nhiệm bởi Needham. Giá cổ phiếu của Spirit Airlines giảm gần 8% sau khi công ty này chấp thuận được mua lại bởi Frontier Group.
Ngược lại, lĩnh vực năng lượng diễn biến tích cực, tăng 2,8%. Valero Energy tăng 8%, Devon Energy tăng khoảng 7,5%, Marathon Oil tăng gần 4,9%.
Giá cổ phiếu của BioNTech tăng 7,2% sau khi công ty dược phẩm này công bố liều vaccine bổ sung phòng biến chủng Omicron của hãng đạt được hiệu quả cao trong việc tăng cường hệ miễn dịch chống lại biến chủng này.
Tuần trước, chứng khoán Mỹ khép lại một tuần giao dịch đầy tích cực với chỉ số Dow Jones tăng hơn 800 điểm, chỉ số S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 3,1% và 3,3% trong ngày 24/6, giúp chứng khoán Mỹ cắt đứt chuỗi giảm điểm 3 tuần liên tiếp. Chỉ số S&P 500 tăng hơn 7% từ khi rơi vào thị trường giá xuống hồi giữa tháng 6. Hiện tại, chỉ số này vẫn thấp hơn 19% so với đỉnh và 18% so với hồi đầu năm.
Thị trường sẽ tiếp tục biến động, Christopher Swann, Chiến lược gia chứng khoán tại UBS, nhận định. “Tâm lý lo ngại đẩy chỉ số S&P 500 vào thị trường giá xuống vẫn còn hiện diện, trong đó bao gồm quan ngại về các đợt tăng lãi suất mạnh, rủi ro suy thoái và chính trị”, ông nói.
Nguồn NDH
0 comments:
Đăng nhận xét