28 thg 12, 2022

Thị trường “quay xe” chóng mặt, một loạt cổ phiếu hôm qua còn "trắng bên mua" nay lại tăng hết biên độ

Thị trường liên tục biến động mạnh với biên độ lớn, hàng loạt cổ phiếu “đảo như rang lạc” nay sàn, mai trần phần nào phản ánh tính đầu cơ rất cao của chứng khoán Việt Nam.

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên “như chưa hề có cuộc chia ly” với sắc xanh bao phủ trên diện rộng với hơn 624 mã tăng điểm, áp đảo hoàn toàn so với 241 mã giảm đỏ. Đáng chú ý, hàng loạt cổ phiếu còn đua sắc tím, thậm chí còn “trắng bên bán” với dư mua hàng triệu đơn vị tại giá trần trong khi mới phiên trước còn dư bán sàn không ai mua.

Điển hình là nhóm chứng khoán, các cổ phiếu VND, SSI, HCM, VCI,... đều đồng loạt tăng kịch trần trong khi phiên trước vẫn còn trắng sàn gần như cả bảng. Trong bối cảnh thị trường liên tục rung lắc mạnh, với độ nhạy cao, các cổ phiếu nhóm chứng khoán cũng “đi tàu lượn” là điều không quá bất ngờ.


Tương tự, nhóm thép cũng có một phiên đảo chiều ngoạn mục. Tiếp đà từ phiên giảm sàn đồng loạt trước đó, hầu hết cổ phiếu thép đều mở phiên 27/12 chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhập cuộc đặc biệt vào cuối phiên đã kéo hàng loạt cổ phiếu tăng kịch biên độ. Ngay cả “anh cả” HPG – một Bluechips có vốn hóa hàng đầu cũng quay xe chóng mặt.


Một trong những tâm điểm bị xả mạnh phiên trước đó là nhóm bất động sản cũng không chịu đứng ngoài cuộc vui. Đặc biệt, những cái tên “hot” như DIG, CEO, L14, KDH,... đều quay đầu tăng hết biên độ sau phiên giảm sàn la liệt trước đó. Ngoài một vài cái tên cá biệt vẫn chưa thoát nhịp điều chỉnh, hầu hết các cổ phiếu bất động sản cũng đã lấy lại được phần lớn những gì đã mất trong phiên đầu tuần.

Bên cạnh những nhóm ngành nổi bật kể trên, nhiều cổ phiếu đơn lẻ khác như HVN, HAG, DBC,... cũng đã đổi màu chóng mặt trong 2 phiên vừa qua. Trên thực tế, những cú lật mặt như chảo chớp đã không còn quá xa lạ với nhà đầu tư chứng khoán trong năm qua đặc biệt trong giai đoạn thị trường lao dốc từ đỉnh trên 1.500 điểm.

Tính từ đầu năm, VN-Index đã có 39 lần tăng/giảm từ 2% trở lên, nhiều nhất trong vòng 13 năm kể từ năm 2009 . Thậm chí, nhiều phiên giao dịch chỉ số còn có biên độ dao động lên đến hơn 70 điểm (khoảng 5-7%) cùng với hàng loạt cổ phiếu “đảo như rang lạc” từ trần xuống sàn và ngược lại. Điều này phần nào phản ánh tính đầu cơ rất cao của chứng khoán Việt Nam.


Tính đầu cơ cao dẫn đến khiến những phiên giảm điểm trở nên khốc liệt hơn. Trong số 20 phiên VN-Index biến động trên 3% từ đầu năm, 3/4 nghiêng về chiều giảm điểm. Những biến động mạnh từ đầu năm 2022 ít nhiều đã gây bất ngờ với giới đầu tư bởi TTCK Việt Nam đã phát triển toàn diện về mọi mặt sau nhiều năm hoạt động.

Vốn hoá toàn thị trường hiện tại đã lên đến hơn 4 triệu tỷ đồng cùng với hơn 700 mã chứng khoán được niêm yết bao gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ETF, chứng quyền có đảm bảo,... Định giá thị trường cũng ở mức hợp lý với P/E VN-Index hiện ở mức 10,x lần (thời điểm trên đỉnh 1500 là 17,x lần).



Trên thực tế, giao dịch trực tiếp của nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm khoảng 80% thanh khoản trên TTCK Việt Nam và nhiều thời điểm làm “lu mờ” vai trò của các tổ chức lớn ngay cả các quỹ ngoại “lắm tiền nhiều của”. Đáng chú ý, sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân lại tập trung vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ, có biến động giá cao, mang tính chất đầu cơ với mức độ rủi ro lớn.

Thêm nữa, quyết định của các nhà đầu tư cá nhân lại thường chịu ảnh hưởng lớn bởi yếu tố tâm lý. Dòng tiền fomo (fear of missing out) có thể nhanh chóng đẩy cổ phiếu tăng nóng nhưng mặt khác hiệu ứng đám đông cũng dễ gây ra tình trạng bán tháo trên diện rộng. Điều này khiến thị trường giao dịch sôi động hơn nhưng kéo theo đó các đợt điều chỉnh cũng ngày càng khốc liệt hơn.

Nguồn Nhịp Sống Kinh Tế

0 comments:

Đăng nhận xét